Câu ca từng được các chàng trai, cô gái xứ Tân Châu (An Giang) ngân nga trên những bến đò với đầy niềm tự hào về loại vải trứ danh xứ lụa giờ chỉ còn văng vẳng trong hồi ức của những người đã và đang đi qua bên kia triền dốc cuộc đời.
Hồi sinh nhờ một người Pháp
|
Tân Châu, Phú Tân (An Giang) ngày trước vốn là một vùng trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải nổi tiếng cả nước. “Trai nào thanh bằng trai sông Của/Gái nào thảo bằng gái Tân Châu/Tháng ngày dệt lụa trồng dâu/Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn”. Niềm tự hào của xứ lụa Tân Châu không chỉ là sự thơm thảo của những cô gái dệt vải mà còn đến từ loại vải nức tiếng xa gần mang tên lãnh Mỹ A. Những năm 1950 - 1960, lãnh Mỹ A không chỉ nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh mà còn được xuất cả sang Campuchia, Lào...
Ông Tám Lăng (tên thật là Nguyễn Văn Long) năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn quắc thước và còn khá minh mẫn. Thời trai trẻ, người đàn ông này đã dành hơn 20 năm đi buôn mặc nưa (một loại quả dùng để nhuộm vải màu đen), sau đó lại có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm lãnh. Hơn 2/3 cuộc đời gắn bó với loại vải này, lãnh Mỹ A không khác nào “bạn đời” của ông. Thế nhưng, những năm 1970, khi sợi ni lông bắt đầu thay cho tơ lụa truyền thống, “xứ tằm tang” chỉ còn lác đác vài hộ giữ nghề xưa. Gia đình ông Tám cũng từng đóng khung dệt lãnh, chuyển sang loại vải khác để cầm chừng. Mãi cho đến khoảng năm 1990 thì loại vải này lại bất ngờ hồi sinh nhờ một phụ nữ người Pháp tên Rose.
Cầm trên tay chiếc quần lãnh Mỹ A, bà Rose tìm đến xứ Tân Châu, gõ cửa từng xưởng dệt để hỏi về loại vải này. Đến khi gặp được ông Tám Lăng, người phụ nữ Pháp mừng đến rơi nước mắt vì biết đã tìm đúng người. Hơn cả mối quan hệ giữa người mua, kẻ bán, tình yêu dành cho lãnh Mỹ A đã giúp cả hai gắn bó với nhau cho đến tận bây giờ. Không chỉ thuyết phục gia đình ông Tám Lăng trở lại nghề xưa, bà Rose còn đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe để nâng dần chất lượng của lãnh Mỹ A, đưa hàng ngàn mét vải sang Pháp, Hồng Kông... mỗi năm.
Danh bất hư truyền
Trăm nghe không bằng một thấy. Sáng hôm sau, chúng tôi theo chân Trí (con trai ông Tám Lăng) ra nơi nhuộm lãnh Mỹ A. Nhà có 10 người con thì chỉ có cậu con út Nguyễn Hữu Trí chọn nối nghiệp cha. Trí đậm người, da ngăm “đúng chuẩn” một anh nông dân. Anh tự tay trở từng tấm vải phơi trên đồng và giải thích: “Lãnh Mỹ A chỉ có thể phơi trên cỏ và khô nhờ nắng gió tự nhiên chứ không thể bằng loại máy sấy nào. Thế nên từ sớm tinh mơ, thợ nhuộm đã phải ra đồng nghiền và vắt mặc nưa. Loại quả này khi nghiền ra có mùi thơm rất đặc trưng và tứa ra thứ mủ màu xanh, để hồi lâu sẽ ngả đen. Đó cũng chính là màu đen tuyền đặc trưng của lãnh Mỹ A mà không một loại màu công nghiệp nào có thể so sánh được”.
Theo anh Trí, có 3 điểm làm nên lãnh Mỹ A truyền thống. Đó là phải làm từ tơ tằm 100%, được dệt bằng phương pháp dệt satin 8 (phương pháp dệt khó nhất trong dệt tơ tằm) và phải nhuộm bằng trái mặc nưa. Nếu tính sơ sơ, để làm ra loại vải này, người thợ trải qua đến 6 công đoạn gồm quay tơ, mắc cửi, kế (hay gọi là go, nối mối), suốt, dệt và nhuộm. Công đoạn nào cũng lắm nhiêu khê. Riêng việc nhuộm, một cây hàng lãnh Mỹ A (dài 20 m - khổ 90 cm) phải trải qua khoảng 100 lần vắt và xả, tốn gần 80 - 100 kg trái mặc nưa và mất nhiều tháng trời.
Tận mắt chứng kiến anh thợ nhuộm xay, lược rồi nhuộm, bàn tay thoăn thoắt cũng chỉ được 2 - 3 nước trong một buổi sáng nắng đẹp, chúng tôi không ai bảo ai, chỉ biết cúi đầu thán phục. Người ta bảo, giá trị một món đồ đôi khi không nằm ở vật chất mà ở sự kỳ công của người làm ra nó, quả không sai!
Thế nhưng giờ đây, khi chỉ còn duy nhất gia đình ông Tám Lăng duy trì nghề truyền thống thì lãnh Mỹ A cũng đang có nguy cơ thất truyền. Nguyên nhân là mấy năm nay, mặc nưa bị đốn bỏ nhiều lại thêm mất mùa. Loại quả này là “chúa đỏng đảnh”, chỉ cho trái từ tháng 6 đến tháng 12 âm lịch và giữ được chừng 1 - 2 ngày là hết mủ, không cách nào bảo quản được.
Thêm một lẽ, thợ dệt và nhuộm lãnh Mỹ A cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và khó tìm người kế thừa, bởi làm ra loại vải này đòi hỏi tay nghề cao, sức khỏe và thị lực tốt. Lại ngặt nỗi, nhuộm xong là đen cả bàn tay nên thợ nhuộm lãnh Mỹ A còn được gọi là “dân bàn tay đen”. Cái thứ vải xa xỉ ngày trước vốn chỉ dành cho những chủ cả nhà giàu, giờ đây có cầm “tiền muôn bạc vạn”, chưa chắc đã mua được!
Vực dậy từ những người trẻ
Hôm ấy, đi cùng chúng tôi còn có nhà thiết kế Cẩm Tiên, cô gái mang hai dòng máu Cameroon - Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất An Giang nhưng Tiên không biết nhiều về lãnh Mỹ A ngoài chiếc quần lãnh mà bà cố để lại. Loại vải này mùa hè mặc vào mát rượi, mùa đông thì ấm áp và càng giặt càng đen bóng.
Tuy đã qua rồi thời vàng son nhưng lãnh Mỹ A giờ đây vẫn giữ được giá trị và sự cuốn hút riêng. Ông Tám kể, có hai mẹ con ở Biên Hòa (Đồng Nai) năm nào cũng xuống xưởng dệt của ông. Mẹ chồng thì mua lãnh Mỹ A may áo dài, còn cô con dâu rất thích thú với tất cả những sản phẩm từ lãnh. Bởi thế, ông Tám có một câu nói mà trong nhà ai cũng nằm lòng: “Chừng nào tôi còn sống thì trong nhà phải có lãnh Mỹ A”.
Thực tế, dệt lãnh Mỹ A đã khó, sử dụng loại vải này lại càng khó hơn. Anh Trí bảo, có người mua vải về may nhưng hư hết 5 bộ áo dài dù đã đổi 4 - 5 hiệu may. Loại vải này, khi may phải dùng kim tròn và nhỏ để tránh đâm trúng sợi tơ. Nếu may hư, coi như bỏ luôn tấm vải. Bởi thế, nhiều nhà thiết kế tìm đến mua vải, gia đình cũng chỉ đồng ý đưa một số ít về... may thử rồi mới dám bán số lượng nhiều.
Nhà thiết kế Cẩm Tiên, sau chuyến đi hôm ấy, đã cùng 3 nhà thiết kế trẻ khác cho ra mắt bộ sưu tập mang tên The Dreamers - Những kẻ mộng mơ đi dệt huyền thoại với hơn 100 mẫu thiết kế làm từ lãnh Mỹ A. Show diễn làm lóe lên niềm hy vọng, rồi đây những người trẻ như Trí, như Tiên sẽ tiếp nối ông Tám vực dậy nghề làm lãnh Mỹ A và đưa loại vải “quốc bảo” này đi xa hơn nữa.
Bình luận (0)