Những người đã sống 378 ngày ‘trên sao Hỏa’

07/07/2024 07:24 GMT+7

Các tình nguyện viên đã trải qua hơn một năm trong boongke mô phỏng điều kiện sao Hỏa trong nghiên cứu quan trọng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Những người đã sống 378 ngày ‘trên sao Hỏa’ - Ảnh 1.

Nhóm tình nguyện viên phát biểu sau khi ra khỏi boongke

AFP

Rạng sáng nay 7.7 theo giờ Việt Nam, nhóm 4 tình nguyện viên đã được tự do sau 378 ngày sống trong boongke mô phỏng điều kiện trên sao Hỏa, trong nghiên cứu nhằm tiến tới việc đưa con người lên hành tinh đỏ.

Ra khỏi boongke tại Texas (Mỹ) là các tình nguyện viên gồm Kelly Haston, Anca Selariu, Ross Brockwell và Nathan Jones, theo AFP.

Tại cuộc họp báo sau khi "trở lại thế giới", cô Selariu chia sẻ rằng triển vọng đưa sự sống lên sao Hỏa là một trong những điều cô mong muốn nhất. Cô Selariu là nhà vi sinh vật học thuộc Đơn vị Nghiên cứu Y khoa Hải quân thuộc quân đội Mỹ.

"Xin chào. Thật là điều tuyệt vời khi được nói xin chào với các bạn", nhà sinh vật học Haston nói và cười.

Bác sĩ cấp cứu Jones thì nói rằng mình thực sự hy vọng không phát khóc khi được đứng trước mọi người, đồng thời nhìn về vợ mình trong đám đông.

Trong hơn một năm trước đó, họ sống trong boongke cô lập với thế giới. Bên trong, họ trồng rau, thử nghiệm đi bộ trong điều kiện gần giống sao Hỏa và sinh hoạt trong điều kiện được NASA mô tả là "các yếu tố gây căng thẳng hơn", nhưng việc trì hoãn liên lạc với trái đất, trong đó có gia đình họ.

Boongke được in 3D, rộng 160 m2 với đầy đủ các phòng ngủ, phòng tập thể dục, khu vực chung và một khu kệ trồng rau.

Bên trong khu vực mô phỏng môi trường sống trên sao Hỏa của NASA

Một khu vực ngoài trời, được ngăn cách bằng một cửa kín, chứa đầy cát đỏ và là nơi nhóm mặc đồ để tiến hành "đi bộ trên sao Hỏa", dù nơi này vẫn được che chắn chứ không phải ngoài trời.

"Họ đã dành hơn một năm trong môi trường sống này để tiến hành nghiên cứu khoa học quan trọng, hầu hết liên quan dinh dưỡng và ảnh hưởng đến cơ thể... khi chúng ta chuẩn bị đưa mọi người lên hành tinh đỏ", theo ông Steve Koerner, phó giám đốc Trung tâm không gian Johnson thuộc NASA.

Đây là phần đầu tiên trong loạt 3 thử nghiệm của NASA mang tên CHAPEA. Theo chương trình Artemis, Mỹ có kế hoạch đưa con người trở lại mặt trăng để học cách sống ở đó lâu dài nhằm chuẩn bị cho chuyến đi tới sao Hỏa, dự kiến vào khoảng cuối thập niên 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.