Những người đâu chỉ ăn chay tháng 7: Công nhân hay tiến sĩ cũng lăn… vào bếp

29/08/2018 12:09 GMT+7

Với nhiều người, tháng 7 âm lịch là tháng chay . Còn chúng tôi nấu cơm chay quanh năm để trao tặng mọi người và chuyện vui buồn cũng đong đầy suốt 10 năm qua…

Tôi thành lập Câu lạc bộ Nhà Vui, dịch ra tiếng Anh là Funny Home Club, ban đầu tập trung các bạn sinh viên để cùng nhau chia sẻ kỹ năng sống và công việc thiện nguyện rồi sau đó có thêm nhiều bạn bè tham gia. 10 năm trôi qua, chúng tôi nấu cơm chay từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện Nguyễn Trãi, An Bình, Bệnh nhiệt đới và cả bà con trong khu phố. Lúc đầu chúng tôi phát 500 suất cơm chay mỗi tuần nhưng rồi các bạn quá đuối nên đành giãn ra, hai tuần phát một lần. Vừa sức mà vẫn vui!
Những hộp cơm chay được mang đến tận giường của bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện An Bình Hoàng Kim
Đuối thiệt đó chứ. Ai cũng đi làm việc suốt 6 ngày, còn ngày chủ nhật là ưu tiên cho… ngủ. Tuổi 18, 20 hay thậm chí 30 vẫn còn trẻ, lại chưa có gia đình, nên thích ngủ vô cùng. “Nướng cho khét” xong ngồi dậy ăn sáng tà tà, rồi bắt đầu lau phòng trọ, giặt đồ, ủi đồ, rửa xe, loay hoay cũng tới chiều. Tối chỉ còn kịp đi xem phim hoặc cà phê với bạn.
Thế nhưng, ngày chủ nhật của các bạn trong nhóm tôi không thể thung thăng như vậy. Các bạn thường hưởng thụ… cuối tuần trong tất bật và vất vả. Bởi phải dậy từ thật sớm để phóng xe tới nhà cô Kim, bắt tay vô xắt gọt, nấu nướng… Bạn nào thứ bảy ngủ lại nhà cô thì cũng bị cô đánh thức trong lúc đang chu du giấc mộng để lao vào bếp, tay dao, tay thớt, tay cầm sạn, tay cầm đũa, đảo, chiên, xới, gắp, nêm, nếm…
Chen lẫn tiếng cười đùa là những lời la rầy của cô Kim khi có bạn lơ là, vụng về, mất tập trung, làm sai, làm ẩu. Các bạn còn trẻ mà, lại có nhiều bạn là con cưng, cô hay gọi đùa “công chúa”, “hoàng tử”, ở nhà cha mẹ nuôi ăn nuôi học, có đụng móng tay việc gì đâu, nên lóng ngóng như vịt con, gà con. Cô hướng dẫn làm mấy lần, mà tâm hồn bạn để ở phương trời nào đó, cứ làm sai bét, cô mệt quá la lên, thế là bạn làm đúng bon, ngộ vậy đó. La xong, cô trò nhìn nhau cười, quên hết, không ai giận hờn, không ai để bụng. Hôm nào không có người bị rầy là tụi nhỏ nhắc: “Ủa, sao bữa nay má hai hông la vậy ta? Chắc trời mưa đó nhe!”.
Cùng nhau san sẻ nỗi đau với người nghèo bằng những hộp cơm chay nhỏ bé ở Bệnh viên Bệnh nhiệt đới Hoàng Kim
Tụi nhỏ kêu tôi bằng tiếng gọi thân thương “má hai”, thành ra tôi có một lũ con chứ không phải chỉ một đứa duy nhất trong nhà. Nói thiệt là vắng đứa nào thì nhớ dữ lắm. Công tác thiện nguyện đã gắn kết chúng tôi thật đầm ấm thân thương.
Và qua lao động rõ ràng các bạn trẻ trưởng thành rất nhanh. Không chỉ biết nấu nướng, các bạn còn biết làm việc nhóm, biết sử dụng các dụng cụ, biết chọn lựa thực phẩm, biết giao tiếp với người ngoài, biết ứng xử khéo léo, biết uyển chuyển khi gặp tình huống bất ngờ, biết ý tứ ngăn nắp… Các bạn còn khoẻ hơn trước, vì đi học hoặc làm việc văn phòng thì ngồi hoài, không vận động, giờ vào câu lạc bộ thì đi, đứng, khiêng, xách, chạy tới chạy lui. Mệt đúng là có mệt, nhưng cơ thể lại lưu thông máu huyết, xách cái giỏ nặng cũng đi te te… Nhiều cô “công chúa” mới vô bưng cái nồi không nổi, sau cứ bưng tỉnh queo. Nhiều cậu “hoàng tử” đi đứng chậm chạp nhưng sau khiêng cái thùng nặng vẫn đi… như bay. Các bạn mất hẳn nét lừ đừ, thụ động mà người ta hay gọi đùa là “gà công nghiệp”. Nhiều bạn nói vui: “Má hai rèn vầy là đủ chất lượng để có chồng rồi nghen!”.
Vui nhất là câu lạc bộ có đủ thành phần, nhưng không ai kiêu căng, cũng không ai mặc cảm, không ai khó chịu. Vào đây, chỉ mục tiêu duy nhất là đem niềm vui đến cho người nghèo, chú tâm duy nhất là làm tốt sản phẩm, chứ không so đo với nhau về địa vị, tiền bạc… Có bạn không có tiền đóng góp, chỉ hết mình góp sức. Có bạn thì vừa góp tiền vừa góp sức nấu nướng.
Còn các mạnh thường quân là bạn bè của tôi, như nghệ sĩ, nhà báo, công chức, đạo diễn, tác giả, nhà thơ… thì âm thầm chuyển khoản, không cần nêu danh nêu tánh, cũng không cần đợi tôi lên tiếng xin tiền. Lâu lâu thấy nhắn tin: “Chị ơi, em gởi chị chút đỉnh nhe”, “Kim ơi, chị vừa chuyển cho em, em xem vô tài khoản chưa báo chị biết” hay “chị nhớ nhắc em mỗi tháng nếu em quên nha. Đừng có ngại, em nhiều việc, chị cứ nhắc”. Có bạn khi gặp nhau ở quán cà phê thì lặng lẽ giúi vào tay tôi: “Cầm giùm mình. Chúc bếp chay của bạn luôn ấm áp”.
Tôi hay quay mặt đi để bạn không thấy nước mắt tuôn rơi. Về nhà lại ngồi khóc một mình. Cầm tiền của bạn bè mà nặng trĩu cả lòng. Đó là tiền bạn thức đêm cày kịch bản. Đó là tiền bạn đổ mồ hôi trên sân khấu. Đó là tiền bạn đi quay phim dưới trời nắng gắt. Đó là tiền lương bạn ngồi ê ẩm ở văn phòng. Lại có lúc đó là tiền bạn bán từng tô hủ tiếu, từng chai sữa… Có khi lại là mớ rau, nấm, đậu, cà của chị tiểu thương chợ Bình Điền chỉ bán giá vốn vì nghe tôi nói nấu cơm từ thiện. Bao nhiêu tấm lòng đổ vào những hộp cơm chay đem đến bệnh viện.
Chắc không ai có thể ngờ những cô cậu xinh đẹp đang đứng mời từng hộp cơm kia là công nhân, xê ôm, mà cũng có luôn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong các lĩnh vực từ kiến trúc, luật, kế toán, đến thực phẩm, tài chính quốc tế, sư phạm, bách khoa… Có bạn đang là giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Tự nhiên TP.HCM, có bạn đang làm luận văn tiến sĩ tại Pháp, có bạn đi nước ngoài thường xuyên, nói tiếng Tây như gió… Vậy mà vào câu lạc bộ cứ cặm cụi chiên chiên xào xào, mồ hôi ướt áo. Lo học cỡ đó thì làm sao giỏi gia chánh, thế là chiên cơm dương châu bị khét. Tôi buột miệng: “Thật đáng nể nhe, cái chảo không dính vậy mà ai chiên cho tới khét được thì má quá khâm phục”. Cả nhóm cười ré lên...
Nhìn cảnh các bạn nấu cơm thiệt là thương. Xong tới hồi đi phát càng thương hơn. Mỗi giỏ chất 40 hộp rất nặng, các bạn ì ạch chở bằng xe máy, mỗi xe 2 - 3 giỏ, khiêng vô tận bệnh viện, có khi leo lên cầu thang để đưa tận tay bệnh nhân. Các bạn lúc nào cũng lễ phép, tươi cười, chứ không hề tỏ vẻ ban phát. Bệnh nhân hoặc người nhà nếu ăn ngay tại chỗ thì các bạn vui lắm, quên hết mệt mỏi. Còn bạn nào không đi phát, thì ở nhà dọn dẹp bãi chiến trường với hàng đống thau, nồi, rổ, chảo, vá, sạn, mâm, bếp… Khi tất cả đã sạch bong thì ai nấy lăn đùng ra thở. Nhưng lại hẹn nhau lần nữa, lần nữa…
Niềm vui lớn quá. Thấy mình đã chia sẻ nỗi đau với cộng đồng. Thấy mình không vô cảm, vô tâm. Thấy ngày cuối tuần ý nghĩa. Có những cặp đôi cùng đi làm thiện nguyện, rồi cưới nhau. Có những cặp đôi nhờ thiện nguyện mà quen nhau. Có những hạnh phúc dịu dàng quanh bếp cơm ấm áp. Và cuối cùng, tôi dặn các em: “Chúng ta phải cảm ơn ngược lại những bệnh nhân nghèo này. Vì chính họ giúp chúng ta có cơ hội làm việc thiện, giúp chúng ta trưởng thành từ thể chất tới tâm hồn. Chúng ta cho họ cơm, nhưng họ cho chúng ta niềm hạnh phúc khó nói bằng lời”. Chúng tôi luôn nhắc nhau phải cúi mình xuống, không được kiêu căng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.