Những người gần với... thần linh

1. Ngày cuối tuần, ngôi nhà nhỏ bên hồ sen nằm giữa làng quê Quảng Nam yên bình nhộn nhịp hẳn lên. Nhiều cặp vợ chồng, con cái tụ tập ríu rít. Đứa câu cá, đứa làm vườn, đứa cắm hoa, đứa chuẩn bị thức ăn...

Lửa nổi lên, làn khói lam chiều lơ lửng, đầm ấm như ngày đoàn tụ của một đại gia đình ở căn nhà của ông bà nơi mọi người sinh ra.
Nhưng tất cả không họ hàng thân thích gì với gia đình tôi, đó là gia đình những đứa em, nam nữ đều là bác sĩ (BS).
Người đứng bên bếp lửa than hồng nướng thịt là Bùi Thanh Tình.
Hôm đó có việc vào bệnh viện, gặp một BS dong dỏng cao, âm sắc và ngữ điệu miền Bắc, người tinh ý mới biết quê ở Nghệ An. Tình cầm bệnh án lật đi lật lại, nét mặt đăm chiêu trông già hơn cái tuổi thanh niên chưa vợ mà sau này tôi được biết.
Là thân nhân người bệnh nên tôi chỉ đứng nghe Tình hỏi. Và ngay lập tức tôi có một cảm giác tin cậy, một phần do linh cảm, một phần do Tình hỏi đúng vào những điều còn lấn cấn trong lòng mình. Thế rồi quen.
Tình là một người đam mê công việc và trăn trở về chuyên môn đến mức ám ảnh. Những lần gặp sau, thân rồi, nhiều khi phải cắt ngang lời, bảo hôm nay mày đừng nói chuyện chuyên môn nữa được không. Tình dạ nhưng loanh quanh một lúc lại trở lại chuyện cũ.
Vào bệnh viện, bệnh nhân chỉ cần thấy cái bóng áo trắng của BS, nghe một câu hỏi, một hành động bắt mạch cổ tay cũng đủ làm cho họ an lòng hơn cả một liều thuốc. Người nhà tôi ra viện rồi, nhưng hầu như ngày nào Tình cũng gọi điện hỏi han, nhắc nhở, lâu lâu lại hẹn cà phê để nghe người bệnh chia sẻ.
Cậu bảo, bệnh nhân bị bệnh đó nên họ tìm hiểu đôi khi nhiều không kém mình, vì thế cậu lắng nghe như thể đang nghe một đồng nghiệp, bảo đó cũng là một cách học.
Trong cuộc sống hiện nay, người ta luôn nghĩ, BS quan tâm đến bệnh nhân là do “có gì đó”, tôi cam đoan Tình thì không. Đó là một thứ bản năng.
Cũng vào thời gian đó, bệnh viện đang điều trị giới thiệu người nhà tôi Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng có máy móc hiện đại hơn để chụp một loại phim gì đó, ở đó gặp một nữ BS. Đó là cô gái một con xinh đẹp và mong manh tên Diễm.
Người nhà tôi chẳng quen biết, họ hàng, cũng chẳng được ai gửi gắm. Chụp xong, Diễm ngồi nói chuyện khá lâu, rồi quen.
Quen thế thôi, ai dè vài hôm sau Diễm chạy xe lên bệnh viện, bảo thấy sốt ruột nên đến thăm chị. Thấy tình trạng người nhà, cô ấy bấm điện thoại gọi hết đồng nghiệp này đến đồng nghiệp khác, trong nam, ngoài bắc, gọi cho cả thầy dạy mình. Những cuộc gọi đó chúng tôi không biết Diễm đã nói gì, nhưng sau đó các nhận định của cô đưa ra đều rất có ích cho việc điều trị.
Từ đó, Diễm như một đứa em trong nhà, suốt ngày í ới với bệnh nhân. Nó là đứa bộc trực, nghĩ là nói, nhưng chẳng giận được, lại còn rất thương cái sự hồn nhiên ấy.
BS cũng như bao nhiêu người khác, nhất là BS nữ, họ cũng có nhu cầu làm đẹp, shopping, nghe nhạc, xem phim..., lại còn con cái, còn công việc đầy áp lực. Thế mà họ vẫn dành một góc cho một bệnh nhân vốn dĩ chẳng quen biết để thành người em, người bạn, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ. Ở một nghĩa nào đó, họ như là thiên thần hộ mệnh!
Những người gần với... thần linh
GS-TS Nguyễn Anh Trí (thứ hai từ trái qua) cùng các đồng nghiệp và học trò trong một chuyến công tác xã hội
Thế mới nói, cuộc đời đưa đẩy, cho ta những cuộc gặp rất ngẫu nhiên nhưng đầy duyên nợ.
BS Trần Tứ Quý, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, là một trong những người “duyên nợ” đó. Thật khó có thể viết về ông trong vài dòng. Đó là con người uyên thâm, cẩn trọng và chuẩn mực. Ông khiến người khác nhớ đến những trí thức ngày xưa.
2. Một hôm, ngồi uống bia bên đường, chỗ chúng tôi thường gọi đùa là “vỉa hè 5 sao” ở Đà Nẵng, thấy hai vợ chồng đi bộ ngang qua, ai cũng gọi bác Chiến.
Người đàn ông tuổi trạc 50 kéo vợ bước vào, chào mọi người. Anh cầm ly bia nhấp nhấp, thỉnh thoảng lại nghe điện thoại và trả lời bằng một ngữ điệu rất từ tốn nhưng dứt khoát và chân thành. Đó là lần đầu tiên tôi gặp BS Phạm Hùng Chiến, lúc anh đang làm Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng.
À, là anh này đây. Trong lúc bệnh viện nào cũng kín cổng cao tường thì anh đã cho phá dỡ hàng rào để người dân cảm giác bệnh viện thân thiện hơn. Giờ nói ra nghe dễ, nhưng cách đây hơn chục năm thì ngay cả tôi cũng ngạc nhiên và phục cái kiểu tư duy của anh.
Chúng tôi cùng thế hệ nên khá dễ để quen rồi thân nhau, kiểu “ông già và quá khứ”. Nhưng từ đó đến khi anh làm giám đốc Sở y tế, tôi thấy anh không hề già, thậm chí suy nghĩ “trẻ” hơn cả người trẻ.
Có lần vui chuyện, tôi nói: “Thực sự tôi rất phục anh, nội cái chuyện mỗi ngày nghe cả trăm cuộc điện thoại của người nhà bệnh nhân, nhờ vả có, bức xúc có, chửi bới không thiếu... mà anh vẫn kiên nhẫn trả lời từng người, tôi không thể nào làm được”. Anh cười, bảo rằng đời nhiều bức xúc vô lý hơn còn chịu được chứ người nhà bệnh nhân bức xúc là chuyện thường tình, cứ nghĩ thế mà làm thôi.
Giờ thì anh đã hồi hưu, ngày ngày cùng vợ đi biển, thỉnh thoảng lái xe chở vợ đi đây đi đó. Ở Đà Nẵng, BS Chiến có biệt danh là “người hay cãi với mình”, tức là anh không bằng lòng với những gì vốn có, luôn nghĩ đến một điều gì đó có thể để giúp bệnh nhân, vì thế, nói đến “bác Chiến” không ai là không quý.
Chỉ chừng đó thôi nhưng dễ có mấy người làm được.
Tôi cũng như mọi người, chẳng ai muốn gặp BS, vì có bệnh hoặc người nhà có bệnh mới gặp. Nhưng gặp được những người như BS Phượng, cô gái nhỏ nhắn có đôi mắt to đầy nghị lực và trách nhiệm; như Hằng, nữ BS luôn mang đến cho người khác sự bình yên; như BS Quang, cao to lừng lững nhưng rất nhẹ nhàng, lịch sự; BS Hải, một phó khoa trẻ, nhìn là thấy an tâm; hay BS Trần Tứ Quý, người đôi mắt sau cặp kính trắng ẩn chứa cái nhìn xuyên suốt, đầy trí tuệ, điềm tĩnh, ân cần nhưng dứt khoát, đầy bản lĩnh... thì lại khác. Còn nhiều người nữa, họ mang lại niềm tin giữa bao nhiêu thông tin không tốt về ngành y khiến bệnh nhân lung lay.
3.Ngày 2.10.2017, cả ngàn người là cán bộ, công nhân viên và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đến Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư chia tay Viện trưởng Nguyễn Anh Trí nghỉ hưu.
Chưa từng có một cuộc chia tay nào đầy cảm xúc như thế. Nhiều người rơi nước mắt, nước mắt của lòng yêu thương, tin cậy, cảm phục và tự hào.
GS-TS, Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí là bạn học cùng trường cấp 3 ở Quảng Bình với tôi. Hồi đó, anh của Trí là Nguyễn Văn Tài học trên tôi 2 lớp. Anh ấy học cực giỏi, cả văn lẫn toán. Chào cờ tuần nào anh cũng được tuyên dương. Anh là thần tượng của tôi.
Anh Tài đi bộ đội, đánh nhau ở Xuân Lộc, tiếp quản Sài Gòn rồi sang chiến đấu ở Campuchia, mãi đến năm 1985 mới đi học đại học và trở thành GS-TS, Nhà giáo Nhân dân, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc phòng.
Trước đó, lúc chiến tranh ác liệt, nhà nước có Kế hoạch 8 (gọi tắt là K8) đưa con em vùng đất lửa ra Thanh Hóa để "giữ hạt giống đỏ". Tôi và Trí đều ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Sau thì tôi đi bộ đội rồi cuộc sống đưa đẩy nên ít gặp nhau.
Trong cuộc đời làm khoa học, Trí đã có 200 công trình nghiên cứu, hướng dẫn 25 tiến sĩ. Về quản lý, không cần nói nhiều, chỉ cần thấy cuộc chia tay cũng đủ để hiểu rồi.
Trí là người, xét ở góc độ nào đó, theo cách hiểu của tôi, đạt đến mức thượng thừa. Không chỉ làm quản lý, chuyên môn giỏi mà còn là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà thư pháp... mà làm cái gì ra cái đó. Trí giỏi ở chỗ cân bằng được cuộc sống của mình.
Tôi rất thích bài hát Xin cứ tựa vào của Trí, có đoạn thế này:
Xin cứ tựa vào giọt nắng lung linh/Để nhận ra miên man cảm xúc/Tựa vào tình yêu/Có thêm hạnh phúc/Tựa vào chính mình/Để được chính mình hơn!
Nguyễn Anh Trí đã tựa vào chính mình để là chính mình và có muôn người quý trọng, thương yêu, cảm phục hôm nay.
*
Đến đây, sẽ có người hỏi: Tại sao nhiều người nhìn đâu cũng thấy tiêu cực của ngành y mà nhà tôi lại gặp được nhiều người tốt như vậy? Thực ra, trong cuộc đời cái gì cũng bắt đầu từ hai phía. Tình cảm lại càng không thể mua chuộc hay khiên cưỡng, nó tự nhiên như thể tình yêu vậy. Mình cứ làm đúng thì sẽ không sai!
Triết gia người Hy Lạp Marcus Tullius Cicero từng nói: “Không gì khiến con người tiến gần thần linh hơn việc trao sức khỏe cho con người”.
Xét về góc độ đó, tôi đã gặp thần linh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.