Những người giữ hồn Cơ Tu: Truyền lửa làm du lịch ở bản làng

20/05/2023 07:00 GMT+7

Thấy những vị khách từ trời Tây xa xôi tìm về thôn bản vì đam mê với văn hóa Cơ Tu, ông Đinh Văn Như, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đã tiên phong vay vốn mở homestay đón khách đến trải nghiệm.

"BỎ 2 CHIẾC RỰA CHẶT CÂY ĐỔI GẠO…"

Ông Như nảy ra ý tưởng làm homestay để đón khách sau lần thấy những vị khách nước ngoài đến ngắm cảnh núi đồi, tìm hiểu văn hóa Cơ Tu và ngỏ ý lưu trú. Đến tháng 5.2019, chính quyền H.Hòa Vang thí điểm hỗ trợ gần 300 triệu đồng để xây dựng mô hình homestay A Lăng Như. Ông Như tiếp tục vay thêm 300 triệu đồng để đầu tư hoàn chỉnh một khu nhà 2 tầng theo mô típ nhà sàn để đón khách đến trải nghiệm văn hóa. Mặc dù hoạt động được hơn 1 năm thì dịch Covid-19 ập đến, nhưng ông đã kịp chứng minh cho bà con 2 thôn Tà Lang, Giàn Bí thấy rằng: Làm du lịch dựa trên nét văn hóa Cơ Tu độc đáo là cách làm có thu nhập và bền vững.

Những người giữ hồn Cơ Tu: Truyền lửa làm du lịch ở bản làng   - Ảnh 1.

Người Cơ Tu giờ đã biết quảng bá văn hóa để làm du lịch

Từ mô hình đầu tiên của ông, đến nay 2 thôn đã có 6 khu nhà lưu trú được người dân học tập đầu tư. "Đồng bào Cơ Tu chúng tôi từ xa xưa chỉ biết lên rừng, làm rẫy để kiếm sống. Kể từ khi biết làm du lịch, dân làng chúng tôi đã bỏ hẳn 2 cây rựa chặt cây để đổi gạo, đó là một rựa chặt củi và một rựa đốn gỗ. Dân làng giờ gần như đều tham gia vào làm du lịch cộng đồng trên những phần vốn tự có, đó là đời sống, là văn hóa", ông Như trải lòng.

Với tư cách là tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng, ông Như đã góp phần tích cực trong việc xây dựng 8 nhóm phục vụ du lịch, như nhóm cồng chiêng, đan lát, văn nghệ, ẩm thực, trekking, dệt thổ cẩm, thuyết minh… Bà con 2 thôn với 62 hộ dân đã được học nghề truyền thống và vận dụng vào phục vụ du khách đến địa phương. Chẳng hạn, phụ nữ thì dệt sản phẩm thổ cẩm, khăn, ví, túi xách… để bán cho du khách; đàn ông thì trình diễn văn nghệ, đánh cồng chiêng…

"Khách đến với làng, chúng tôi sẽ đón theo tour tùy theo nhu cầu, nhưng chủ yếu là giới thiệu đời sống, văn hóa của chúng tôi. Chẳng hạn khách sẽ được dạo quanh làng, nghe kể những câu chuyện văn hóa, làng nghề… Tối đến, khách dùng những món đặc sản, xem biểu diễn văn nghệ, nghe nói lý, hát lý… Sáng hôm sau, khách được dẫn đi trải nghiệm trong rừng sâu để nghe tiếng chim hót, xem cổ thụ. Dài hơi hơn thì có thể trải nghiệm đời sống với thiên nhiên, ăn rau rừng, cá suối ngay cạnh bờ suối…", ông Như giới thiệu.

LAN TỎA NIỀM ĐAM MÊ

Những người giữ hồn Cơ Tu: Truyền lửa làm du lịch ở bản làng   - Ảnh 2.

Ông Đinh Văn Như (bìa trái) cùng người làng chẻ tre tu bổ khu du lịch sinh thái của mình

HOÀNG SƠN

Ông Như bảo điểm hay nhất kể từ khi làm mô hình du lịch sinh thái là cả cộng đồng làng ai cũng được hưởng lợi, tùy vào sở trường của mình. Bởi vậy, người dân ai cũng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, sông suối, ai cũng nỗ lực phô ra cái hay, cái đẹp, cái đặc trưng của văn hóa Cơ Tu. "Nói đâu xa, để có cá niên cho khách thưởng thức thì phải bảo vệ suối, sông. Để có cây rừng, dược liệu cho khách xem… thì phải bảo vệ rừng. Để níu chân du khách thì phải có món ăn ngon, có văn nghệ hay… Cứ thế, người dân chúng tôi chung sức để làm ngôi làng ngày càng đẹp lên, hấp dẫn hơn nữa để kéo du khách đến", ông Như chân chất nói.

Khoản nợ 600 triệu đồng vay mượn để xây dựng homestay, ông Như đã trả được khoảng 30%. Dịch dã kéo dài nên nguồn khách các nước như Na Uy, Đức, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản… vẫn chưa phục hồi. Ông bảo dù còn nhiều khó khăn nhưng sẽ cố gắng vượt qua để bà con làng xóm có thêm niềm tin rằng người đi đầu như ông đã thành công. Điều làm ông Như buồn nhất, đó là để theo đuổi đam mê của mình, ông đã phải đánh đổi không ít thứ, nhất là tình cảm gia đình.

Hỗ trợ vay vốn cho người tâm huyết

Bà Lê Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, cho biết hiện nay đời sống bà con Cơ Tu dần dần phát triển. Họ đã cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, phấn đấu làm du lịch cộng đồng. Đảng ủy, UBND xã đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm hỗ trợ thủ tục vay vốn, nhờ đó nhiều hộ dân đã có nguồn vốn phát triển du lịch như homestay A Lăng Như, Zơ Râm Hồng... "Trong thời gian tới, xã tiếp tục hỗ trợ các hộ có tâm huyết thực sự với làm du lịch và có phương án bài bản để xoay nguồn vốn hiệu quả", bà Hà nói.

"Hồi đầu tôi bắt tay vào làm homestay, nợ nần khiến nhiều người nghe thấy cũng phát hoảng. Vợ tôi can ngăn, cô ấy nói dưới phố khách sạn 5 sao, bãi biển đẹp, người ta không ở mà tìm lên chốn khỉ ho cò gáy này làm chi. Vợ bảo tôi về Nam Giang (Quảng Nam) ở cùng cô ấy, làm bảo vệ, tháng kiếm 5-7 triệu đồng mà được gần vợ, gần con. Nhưng trót mê làm du lịch sinh thái rồi, giờ làm sao dứt ra… Chất liệu là cảnh quan đẹp, văn hóa đặc sắc cũng có sẵn, tôi không làm thì không những tiếc mà còn cảm thấy có lỗi với đồng bào mình, nhất là nhiều gia đình còn nghèo lắm. Tôi mong rằng thế hệ trẻ nhìn thấy được những lợi ích từ làm du lịch mà chủ động, sáng tạo để bảo tồn văn hóa, vừa tạo công ăn việc làm, xây dựng quê hương đẹp hơn", ông Như nói.

Ngồi bên cạnh góp chuyện, anh Hà Xuân Tàu (40 tuổi, trú tại thôn Tà Lang) kể từ khi thấy ông Như làm mô hình có hiệu quả, nhiều gia đình khác cũng học cách làm theo. Người dân không tham gia các nhóm phục vụ du khách cũng được hưởng lợi. Khách đến ăn con gà ngon, con cá thơm cũng mua về, rồi sản vật rừng như rau, măng, mật ong, chè dây… cũng bán nhanh, được giá hơn. "Tôi cũng có 2 chiếc sạp dựng lên ở khe Đương. Lúc đông khách, cho thuê 500.000 đồng/sạp cũng bỏ túi được vài triệu đồng. Người nhà anh Như không ủng hộ mà ảnh còn làm được, tôi có vốn tôi cũng sẽ mở homestay rồi theo anh Như làm du lịch cho chuyên nghiệp…", anh Tàu giọng chắc nịch. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.