Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là nơi tập trung rất đông người nước ngoài từ hơn 68 quốc gia và vùng lãnh thổ đến sinh sống, đặc biệt cộng đồng người Hàn Quốc hơn 5.200 người.
ẤN TƯỢNG VỚI TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN CỦA TP.HCM
Phòng khám của tiến sĩ, bác sĩ Lee Byung Geun nằm trên đường Hưng Gia 3 (P.Tân Phong, Q.7) có biển hiệu được viết bằng 3 ngôn ngữ Hàn, Anh, Việt. Người dân quanh đó quen gọi là Phòng khám Đông y Minh. Trong phòng khách, bác sĩ Lee Byung Geun trưng nhiều bằng khen của địa phương vì tham gia nhiều cuộc vận động đoàn thể, từ thiện - xã hội.
Vị bác sĩ 64 tuổi đã có 10 năm sống ở TP.HCM, trong đó 7 năm gắn bó tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, trước kia ông ở Q.Gò Vấp. Vợ con của bác sĩ Lee Byung Geun đều đang sống ở quê nhà - Chungcheong (Hàn Quốc), thỉnh thoảng vợ ông sang TP.HCM chơi 2 - 3 tháng rồi về nước.
Bác sĩ Lee Byung Geun không rành tiếng Việt, chỉ biết nói vài câu chào hỏi, cảm ơn. Ông kể rằng có nhiều nhân duyên khiến ông muốn gắn bó với TP.HCM, một phần vì ông muốn sang Việt Nam hoạt động chuyên môn và từ thiện - xã hội sau khi theo học chương trình tiến sĩ ở Trung Quốc. Mặt khác vì ông thấy văn hóa, con người Việt Nam có nhiều điểm giống với quê hương mình.
"Mấy năm qua sống ở TP.HCM, tôi thật sự ấn tượng với tốc độ phát triển của thành phố này. Xe cộ đông đúc hơn, các hàng quán ngày một nhiều, tôi không thấy bất tiện gì vì xung quanh cơ sở vật chất đủ cả", bác sĩ Lee Byung Geun nói và tâm đắc: "Con người ở đây sống rất chan hòa với nhau. Tôi thường nghe thông điệp Việt Nam muốn làm bạn với các nước, và đúng vậy thật, như khi tôi khám bệnh, bệnh nhân người Việt rất tôn trọng tôi, họ rất cởi mở".
Bác sĩ Lee Byung Geun hiện là thành viên của Câu lạc bộ thầy thuốc Đông y Việt - Hàn. Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Tân Phong, câu lạc bộ này có 3 thành viên là người Hàn Quốc, liên kết với trạm y tế phường để khám bệnh miễn phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương như các bệnh về xương khớp, đau vai gáy, đau thần kinh tọa… vào sáng thứ tư và thứ sáu hằng tuần.
Bác sĩ Lee Byung Geun chia sẻ: "Tôi luôn tâm niệm về các hoạt động xã hội. Với chuyên môn châm cứu, đông y của mình, tôi muốn đóng góp cùng địa phương, đặc biệt là MTTQ để giúp đỡ thêm người nghèo khó".
Hỏi khi nào ông trở lại Hàn Quốc, bác sĩ Lee Byung Geun nói: "Tôi sẽ về nhưng là khi mà mình không làm việc được nữa. Tôi cũng mong mình sẽ biết thêm tiếng Việt, nếu rành tiếng Việt, tôi sẽ đi nhiều nơi hơn ở đất nước này".
"Tôi ấn tượng với những nụ cười"
Cũng sống trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ông Kang Myoung Kyu (64 tuổi, quê ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc) tự hào rằng mình đã đặt chân lên tới 40/63 tỉnh, thành của Việt Nam, đặc biệt là đã đi hết các tỉnh miền Nam. Ông đã có hơn 30 năm gắn bó với Việt Nam, trong đó là 15 năm sống ở khu đô thị này.
Ông Kang Myoung Kyu nói được tiếng Việt nhưng thỉnh thoảng cũng phải dùng tiếng Anh nhằm truyền tải hết ý của mình. Ông kể rằng trước đây ông là một doanh nhân, từng mở một công ty lĩnh vực dệt may với hơn 200 công nhân lao động tại TP.HCM. Với thời gian học tiếng Việt ở trường Đại học Khoa học xã hội - nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) và quá trình gắn bó với công nhân người Việt, ông nói tiếng Việt khá rành rọt.
"Sau này khi công ty giải thể, tôi về Cần Thơ làm trong một xí nghiệp may. Con trai sau của tôi sinh năm 1995, ở Cần Thơ đấy", ông Kang Myoung Kyu kể và chia sẻ thêm, sau khi làm ở Cần Thơ được 3 năm thì ông trở về Hàn Quốc để theo học Thần học rồi trở thành mục sư. Đến năm 2002, ông quay lại TP.HCM, hiện đang sinh hoạt tôn giáo Tin lành cùng nhiều người Hàn khác tại P.Tân Phong.
Đã gắn bó với Việt Nam trong một thời gian dài, tình cảm thiết thân ngày càng được vun đắp trong tâm trí ông Kang Myoung Kyu. Ông Kang Myoung Kyu nói mình rất yêu đất nước Việt Nam, ấy là bởi vì nhiều lẽ, không chỉ vì Việt Nam đẹp, khí hậu dễ chịu, đồ ăn ngon, mà còn vì cá tính con người ở đây sống rất hài hòa.
"Tôi yêu Việt Nam, tôi thích con người Việt Nam. Người dân họ luôn tươi cười. Tôi ấn tượng với những nụ cười, từ người nghèo, đến những người buôn bán ngoài chợ, họ luôn nở nụ cười, cởi mở, hiền lành, gần gũi", ông Kang Myoung Kyu bày tỏ.
Bà Võ Thị Phương Thúy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam P.Tân Phong cho hay, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo của mục sư Kang Myoung Kyu thường xuyên đồng hành với địa phương trong các hoạt động từ thiện - xã hội, nhất là chăm lo học bổng cho học sinh nghèo, sửa chữa nhà tình thương, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn.
"Tại P.Tân Phong, đại bộ phận người nước ngoài rất tự giác sinh hoạt trong tổ chức tôn giáo, trong đó có 15 điểm sinh hoạt tôn giáo Tin lành của người Hàn Quốc. Họ rất có trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng. Địa phương thường xuyên giữ mối liên hệ với các mục sư, điểm nhóm trên địa bàn để trao đổi, tuyên truyền các thông tin về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, vệ sinh môi trường, từ thiện - xã hội… Hằng tuần, khi sinh hoạt tôn giáo, các việc trên được mục sư nêu lên và cư dân người Hàn Quốc thời gian qua thực hiện tốt, đóng góp nhiệt tình cho địa phương", bà Thúy nói.
Bình luận (0)