Những người hùng thầm lặng trong đội đua F1, họ là ai?

20/03/2019 11:30 GMT+7

Đứng đằng sau thành công của những tay đua xe Công thức 1 (Formula 1 - F1) chính là công sức của cả tập thể hùng hậu.

Khi một đội đua F1 giành vô địch, người ta thường nghĩ ngay đến công lao của những tay lái như Lewis Hamilton, Sebastian Vettel, Fernando Alonso. Thế nhưng, trong thực tế, F1 là môn thể thao mang tính tập thể và kỷ luật hơn bất cứ môn thể thao nào khác. Trong một đội, các thành viên phải phối hợp với nhau nhịp nhàng và chuẩn xác tới từng chi tiết.

Pit Stop và đội kỹ thuật thần tốc

Tại giải đua, tốc độ tối đa của những chiếc xe có thể lên tới 360 km/giờ. Lực ma sát giữa lốp xe và mặt đường là rất lớn. Nhiệt độ mặt lốp tại vị trí tiếp xúc xấp xỉ 125 độ C.
Với tiến bộ của công nghệ hiện nay, nếu sản xuất một loại lốp có khả năng chịu nhiệt tốt trong điều kiện khắc nghiệt thì nó lại có nhược điểm là rất cứng, không bám đường và khó đạt được tốc độ cao. Đổi lại nếu sử dụng loại lốp mềm, bám đường tốt thì lại đi kèm với nhược điểm chịu lực kém, nhanh bị mài mòn. Trong môn thể thao F1, yếu tố tốc độ được đặt lên hàng đầu nên loại lốp mềm được ưa chuộng hơn.
Bộ lốp từ siêu mềm tới siêu cứng của Pirelli Ảnh: ESPN
Ma sát lớn khiến cho lốp xe bị mài mòn nhanh tới mức các tay đua bắt buộc phải vào trạm dừng nghỉ Pit Stop để thay lốp. Lúc này, vai trò của đội kỹ thuật được thể hiện.
Một đội thợ máy khoảng 20 người chỉ cần 2 - 3 giây đồng hồ để thay thế 4 lốp xe và sửa chữa những lỗi nhỏ. Thời gian cạnh tranh được tính bằng đơn vị mili giây. Mỗi một kỹ thuật viên đều phải biết vị trí đứng của mình và phối hợp ăn ý với các thành viên khác trong đội.
Đội kỹ thuật của Ferrari đang làm nhiệm vụ Ảnh: Daily Mail
Trước tiên, một người sẽ cầm biển báo hướng dẫn tay đua vị trí dừng xe. Bốn kỹ thuật viên khác ở 4 góc có nhiệm vụ nâng xe lên và giữ cho xe thăng bằng. Một tổ 12 người sẽ đảm nhận việc thay lốp, cứ 3 người cho 1 lốp. Hai người ở phía đầu xe sẽ chỉnh lại cánh gió trước cho cân bằng. Kỹ thuật viên cuối cùng sẽ bấm đèn báo xanh cho tay đua biết việc sửa chữa đã xong.
Trong quá trình thay lốp, bộ đàm radio được tắt hoàn toàn để đảm bảo sự tập trung cao nhất cho từng thành viên trong đội. Tất cả chỉ còn lại tiếng tháo và bắt lại bu lông. Kỷ lục hiện nay đang thuộc về đội Williams với thời gian kỷ lục chỉ 1.92 giây vào mùa giải năm 2016. Đối với nhiều khán giả, việc xem các thợ máy thao tác hấp dẫn không kém các pha ôm cua bứt tốc trên đường đua.
Việc bơm xăng giữa chặng đua bị cấm bởi dễ xảy ra hỏa hoạn Ảnh chụp màn hình Youtube
Trước đây, khi công nghệ chế tạo chưa phát triển, các bình xăng chịu va đập kém nên có nguy cơ phát nổ khi va chạm. Những chiếc xe đua F1 không dám mang theo lượng xăng lớn nên khi vào Pit Stop, đội kỹ thuật còn kiêm thêm việc bơm xăng. Ngày nay, công nghệ sản xuất đã đảm bảo. Những chiếc xe đã mang đủ nhiên liệu cho cả chặng đua. Việc bơm xăng tại Pit Stop đã bị ban tổ chức cấm từ năm 2010 vì lý do dễ xảy ra hỏa hoạn.

Đội ngũ nghiên cứu thầm lặng

Ngoài cuộc đua tốc độ giữa các tay lái trên trường đua, cuộc đua của các kỹ sư nghiên cứu cũng không kém phần quyết liệt. Họ phải tìm cách sản xuất ra những chiếc xe tốt hơn, đưa ra chiến thuật thi đấu hợp lý hơn.
Sau khi kết thúc chặng đua cuối cùng trong năm, chỉ có 5 tháng để nhóm nghiên cứu nâng cấp chiếc xe trước khi mùa giải mới bắt đầu. Các bộ phận thử nghiệm sẽ chế tạo bằng máy in 3D, kiểm tra khí động học trong đường hầm gió trước khi được sản xuất và sử dụng trên chiếc xe mới.
Thử nghiệm lực cản không khí trong đường hầm gió Ảnh: Grandprix247
Vậy làm sao để nhóm nghiên cứu có thể đưa ra chiến thuật thi đấu hợp lý? Câu trả lời nằm ở phương pháp phân tích dữ liệu thời gian thực.
Trên mỗi chiếc xe đua F1 có trung bình 160 cảm biến các loại. Những cảm biến này được gắn xung quanh khung xe, trên lốp xe, trong động cơ... có nhiệm vụ gửi đi tất cả các thông tin cần thiết như lực áp suất nén lên thân xe, nhiệt độ của phanh, áp suất lốp, tình hình sức khỏe của lái xe hay thậm chí chỉ một vết trượt vài cm khi xe vào góc cua.
Dữ liệu có thể truyền trực tiếp từ xe về trung tâm chỉ huy qua các thiết bị thu phát trung gian được gắn dọc đường đua. Một hệ thống siêu máy tính tại trung tâm sẽ có nhiệm vụ chạy mô phỏng các trường hợp có thể xảy ra, so sánh với kho dữ liệu khổng lồ thu được trong nhiều năm, qua đó đưa ra chiến thuật sao cho có lợi nhất. Lưu lượng dữ liệu được phân tích trong một cuộc đua có thể lên tới 1 terabyte.
Nhóm nghiên cứu của đội RedBull đang phân tích cuộc đua Ảnh: Formula One
Các chỉ đạo chiến thuật từ trung tâm chỉ huy tới tay đua được gắn mác tuyệt mật và mỗi đội đua lại có một phương pháp truyền tin riêng của mình.
 Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, các ứng dụng của công nghệ chỉ mang tính chất tham khảo, các tay lái mới là cảm biến quan trọng nhất trên đường đua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.