Chiến tranh đã lùi xa, thân xác của những người đã hy sinh khi chèo thuyền tiếp tế đảo Cồn Cỏ những ngày ác liệt ấy đã hòa vào biển cả bao la. Nhưng...
Phối cảnh “Bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh khi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ ” - Ảnh: Huyện đoàn Vĩnh Linh cung cấp
|
Mấy chục năm trước (xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) chính là nơi xuất phát của hàng chục “cảm tử quân” với nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, hòn đảo nhỏ được ví là đất Việt giữa trùng khơi. Chủ trương bảo vệ và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ có từ tháng 8.1959. Để bảo vệ vọng gác tiền tiêu, với quyết tâm “đất liền còn, Cồn Cỏ còn”, ngày 13.3.1965, Đại đội 22 thuộc Trung đoàn 270 được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo. Đơn vị ban đầu được biên chế 40 cán bộ chiến sĩ, lực lượng bổ sung có 80 thanh niên dân quân trực chiến 4 xã vùng biển gồm Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang (H.Vĩnh Linh). Giữa mưa bom bão đạn, Cồn Cỏ vẫn kiên cường, đứng vững là nhờ không ít những chiếc thuyền nan nhỏ bé, được chèo bằng sức người từ đất liền tiếp tế lương thực, đạn dược ra đảo.
Là một trong những nhân chứng sống hiếm hoi còn sót lại của đội chèo tiếp sức cho Cồn Cỏ thuộc đơn vị của xã Vĩnh Thái ngày ấy, ông Nguyễn Thế Công giờ cũng đã 68 tuổi. Nói hiếm hoi là bởi đội chèo của ông có 8 người thì đã có 6 người nằm lại với biển khơi... Nghe tôi hỏi chuyện, ký ức trong ông bỗng ùa về cái thời mà theo ông cái gì cũng thiếu nhưng chỉ có lòng tin với cách mạng luôn dư thừa. “Ngày đó chúng tôi đi thuyền đánh cá bằng gỗ, có buồm và chèo tay. Cả 8 anh em chúng tôi lúc ấy chỉ tầm 20 tuổi, khỏe mạnh nhưng thuyền nặng, chèo đến rã rời mới ra được tới đảo. Có khi gặp nhiệm vụ cấp bách, ra đến nơi, nghỉ tí chút lại phải chèo vào ngay”, ông Công nói. Cũng theo ông Công, những lần giương buồm hướng đảo chủ yếu được thực hiện trong đêm khuya để tránh địch phát hiện. Cấp trên phát cho mỗi thuyền 4 quả lựu đạn và “không giải thích gì thêm” nhưng ai cũng hiểu là nếu gặp địch là phải liều chết với chừng ấy vũ khí. “Chính vì thế, trước khi xuất phát ra đảo, các thuyền viên đều được truy điệu sống, bởi chẳng ai biết đó có phải là lần đi cuối hay không?”, ông Công kể. Nhưng dù đối diện với sóng gió, với bom đạn quân thù, rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, phải “lấy biển làm hầm, lấy mạn thuyền làm công sự” để đi tới nhưng những tay chèo cảm tử ngày ấy hễ “người này ngã xuống, người khác xông lên, thuyền này đắm, thuyền kia xốc tới”. Vậy nên, từ 1965 đến 1971, Đại đội 22 và đội thuyền các xã đã mở đường máu vận chuyển tổng cộng gần 5.000 tấn vũ khí, khí tài, đạn, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước ngọt, vật liệu xây dựng công sự trận địa cho đảo Cồn Cỏ và tiếp nhận, chuyển an toàn thương bệnh binh về đất liền điều trị, góp phần bảo vệ vững chắc vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc.
Những gì mà những “tay chèo cảm tử” ngày ấy làm được thực sự đã xây lên một tượng đài trong tâm hồn của mỗi người, nhưng như vậy vẫn còn chưa đủ... Nên ý tưởng về việc xây dựng “Bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước” đã đến như một lẽ tự nhiên. Dẫn chúng tôi đi dọc theo trảng cát dọc bờ biển Vĩnh Thái, anh Phan Ngọc Khoa, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh trình bày những ý tưởng, những ước vọng về một tượng đài đẹp trong tương lai gần. “Làm quá lớn thì kinh phí không có mà cũng không cần thiết. Tôi nghĩ rằng, nếu làm tốt thì tượng đài dù có quy mô nhỏ vẫn có thể mang cái hồn và ý nghĩa lớn lao của nó. Với hình ảnh những cánh buồm được cách điệu, tượng đài sẽ là nơi lui tới của nhân dân, các bạn trẻ và những nhân chứng lịch sử”, anh Khoa trải lòng.
Công trình có kinh phí khoảng 250 triệu đồng, trong đó Huyện đoàn Vĩnh Linh đã xoay xở từ rất nhiều nguồn để có khoảng hơn 120 triệu đồng. Nên ước mơ của anh Khoa nói riêng và của tuổi trẻ đất thép Vĩnh Linh nói chung đang rất, rất cần sự tiếp sức... Bởi ai cũng biết, sự tri ân không chỉ là lời nói, mà chính bằng những hành động, đóng góp cụ thể.
Bình luận (0)