"OK, chúng tôi đến ngay"
Nguyễn Thanh Tịnh, quê ở Gia Lai, chạy Grab ở TP.Đà Nẵng, nhớ lại, khi loay hoay lên mạng tìm sự giúp đỡ trong một lần bị xịt lốp trên đường Thành Điện Hải và bấm số điện thoại của Đội cứu hộ SOS Đà Nẵng nhờ trợ giúp thì nhận được câu trả lời "OK, chúng tôi sẽ đến ngay", nhưng Tịnh chẳng dám tin là có ai đó sẽ đến. Tịnh vẫn tiếp tục lên mạng tìm kiếm sự trợ giúp, rồi gọi cho bạn bè nhờ thêm, tuy nhiên chưa kịp kết thúc cuộc gọi thứ hai thì các thành viên của đội đã có mặt.
Trong lúc các thành viên đang vá săm cho Tịnh, tiếng chuông điện thoại của Tiến lại tiếp tục đổ với những câu thoại quen thuộc và câu trả lời hào sảng: "OK, chúng tôi sẽ đến ngay". Tiến cắt cử thành viên đi hỗ trợ những người tiếp theo trong suốt cả đêm dài, bất chấp mưa gió, giá lạnh. Đội chỉ "đòi hỏi" duy nhất một thứ, đó là: nụ cười.
Đặng Ngọc Tiến cho biết: "Đội được thành lập vào tháng 4.2019, ban đầu có 6 thành viên và hiện nay lên đến 14 thành viên. Chúng tôi từng chứng kiến một số người hỏng xe vào ban đêm họ chủ yếu là những người nghèo khó, mưu sinh trong đêm... Chúng tôi chỉ có thể giúp họ đẩy xe về nhà hoặc gọi đội sửa chữa lưu động nhưng với giá khá cao". Từ thực tế đó, Tiến và các anh em nghĩ đến thành lập một đội cứu hộ miễn phí trong đêm, giúp đỡ những người không may hỏng xe, tai nạn hoặc bất kỳ sự cố nào xảy ra trên đường.
Túi đồ nghề của đội chỉ vỏn vẹn móc lốp, miếng vá, bơm, săm, băng gạc y tế, dung dịch sát khuẩn..., chủ yếu do Tiến đi vận động được hoặc tự chế. Đơn giản như vậy nhưng đội đã đem lại nụ cười cho gần 2.000 người - trường hợp gặp sự cố xe trong đêm suốt 4 năm qua.
Bạn Nguyễn Đức Duy (23 tuổi, quê Bình Định), thành viên trong đội chia sẻ: "Em cảm thấy rất hạnh phúc khi được giúp đỡ mọi người gặp sự cố xe trong đêm, khi nhận lại nụ cười của họ, mọi mệt mỏi hay "cơn buồn ngủ" trong em cũng tan biến hoàn toàn. Chúng em làm việc này không phải vì cái "danh" hay màu mè để nhận tiền ủng hộ, tất cả đều xuất phát từ trái tim".
Một chuyến cứu hộ mà Tiến nhớ nhất là vào cuối năm 2019: "Khi đó là khoảng 2 giờ sáng, tôi nhận được cuộc gọi nhờ giúp đỡ ở khu vực đèo Hải Vân. Đó là một bạn nữ tên Trang, đi một mình và gặp tai nạn bị gãy chân. Lúc đó, đội chỉ có 2 người đi được, quãng đường lại xa nhưng dặn lòng phải đến thật nhanh vì để bạn gái ngồi một mình ở đường rất nguy hiểm. Đến nơi, đội băng vết thương cho nạn nhân và đẩy chiếc xe hỏng nặng đi gần chục km đến nơi sửa chữa.
Ấm lòng trong đêm lạnh
Nhớ lại những ngày đầu hoạt động, Tiến cho biết: "Chúng tôi ban đầu chẳng ai biết vá săm hay sơ cứu nhưng bảo nhau phải tự học để còn giúp mọi người, chứ cứu hộ mà làm không đến nơi đến chốn thì cũng coi như bằng không. Đến bây giờ, các thành viên trong nhóm đều trở thành "thợ" sửa bán chuyên, hỏng hóc cơ bản đều có thể giải quyết được".
Trong khoảng 3 năm đầu, đội hoạt động từ 19 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, mỗi tối xử lý khoảng 10 – 15 trường hợp, chủ yếu là hết xăng, xịt lốp, đứt dây côn hoặc gặp va chạm, tai nạn thì đội sơ cứu nạn nhân và hỗ trợ chuyển nạn nhân đi cấp cứu. Đến nay, đội chuyển giờ hoạt động từ 19 giờ 30 đến 12 giờ nhưng điện thoại luôn để chế độ "sẵn sàng" nếu như ai đó gọi cần giúp đỡ ngoài giờ hoạt động.
Tiến cho biết thêm, cực nhất là vào những đêm giá rét, mưa bão nhưng anh em chưa bao giờ nản chí, khước từ cuộc gọi nào; bởi càng trong khó khăn thì càng hiện lên rõ tình người. "Có lần, chúng tôi chia nhau cầm 4 góc của chiếc áo mưa để che mưa cho thợ sửa, bên ngoài ai nấy đều lạnh run nhưng trong lòng ấm áp vô cùng", anh nói.
Anh Lê Mạnh Vinh (ở TP.Hội An, Quảng Nam) cho biết: "Có một lần tôi đi từ Đà Nẵng về Hội An nhưng chẳng may xe bị thủng săm ở một đoạn đường vắng vẻ, khi đó khoảng 9 giờ tối mà trời đang mưa. Tôi đánh liều gọi nhờ sự hỗ trợ của đội và một lúc sau có 2 thanh niên đến khiến tôi xúc động vô cùng. Hai bạn đó khi nhận cuộc gọi của tôi đang ở cách chỗ tôi hơn 30 km nhưng không hề quản ngại đêm hôm mưa gió mà đến ngay để thay săm cho tôi".
Để giảm thiểu các vụ thủng săm do đinh tặc, đội thường xuyên tổ chức dọn dẹp đinh trên một số tuyến đường "nóng". Đội mong muốn công việc cứu hộ chẳng đắt khách chút nào, những chuyến xe trong đêm sẽ luôn được an toàn mà không cần phải nhờ sự cứu hộ của đội.
Tuy nhiên, việc làm của đội về đêm nên khá nhạy cảm, gặp không ít tình huống hiểu lầm không đáng có từ tâm lý đề phòng, cảnh giác của người gặp nạn. Như một lần vào đầu năm 2020, đội đang sơ cứu cho một nạn nhân bị ngã xe trên đường Nguyễn Tất Thành thì bất ngờ có một người đàn ông lao đến "đấm đá" mà không cần hỏi han gì. Thì ra, đó là người nhà nạn nhân sau khi nhận được điện thoại vội vã đi đến và tưởng rằng mấy người băng bó vết thương đã gây ra vụ tai nạn. Sau khi giải thích rõ thì người đàn ông xin lỗi và cảm ơn hết lời.
Đi sớm về hôm triền miên để "vác tù và hàng tổng", gia đình các thành viên trong đội luôn như ngồi trên đống lửa nhưng họ đều được con cái trấn an bằng những chuyến "công tác" an toàn trở về vào sáng hôm sau. Hơn nữa, những lời cảm ơn đến "rầm rập" khiến họ càng thêm tin tưởng vào việc làm ý nghĩa của con mình ở thành phố đáng sống, nghĩa tình bên dòng sông Hàn.
Cô Nguyễn Thị Minh Liễu, mẹ của Tiến vui vẻ nói: "Ban đầu cũng lo, tôi cấm không cho đi, thằng bé "không nghe lời" cứ cùng bạn bè đi xuyên đêm, rồi sáng về ngủ một lúc lại đi làm, mà hồi đó chẳng biết là đi giúp người thật hay tụ tập chơi bời. Sau thấy một số người tới nhà, gọi điện cảm ơn, rồi bà con ngoài phố chứng kiến, động viên thì tôi mới dám tin và không ngăn cấm nữa".
Sống là để cho đi
"Đội việc gì cũng làm, hễ ai cần giúp đỡ thì cứ nhấc máy lên gọi đội. Chỉ cần trả phí bằng một nụ cười", Đặng Ngọc Tiến khẳng định chắc nịch.
Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, tất cả thành viên đội đã chia nhau trực chốt chống dịch cùng lực lượng y tế trong 13 ngày. Rồi, như những chú ong cần mẫn vì tổ, đội đã vận động được gần 600 suất quà hỗ trợ khu cách ly, các gia đình có bệnh nhân F0, tổ chức hỗ trợ cho bà con từ đèo Lò Xo về hầm Hải Vân trong suốt thời gian giãn cách xã hội. Ngoài ra, đội thường xuyên tổ chức nấu cơm, phát quà cho những người nghèo, vô gia cư quanh thành phố Đà Nẵng từ năm 2019 đến nay.
Ngày 6.6 vừa qua, Tiến đã vận động được gần 11 triệu đồng hỗ trợ em Nguyễn Ngọc Huy ở Hội An đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Huy mồ côi cha mẹ, vợ đang nuôi con nhỏ nhưng chẳng may bị tai nạn, gia đình không cáng đáng nổi viện phí…
Ông Nguyễn Thanh Dương, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) cho biết: "Đội cứu hộ SOS Đà Nẵng thường xuyên phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ phường Khuê Trung để tổ chức các hoạt động thiện nguyện, các bạn trẻ rất nhiệt tình, xông xáo và có nhiều ý tưởng thiết thực, nhân văn. Về cứu hộ đêm của đội thì ở Đà Nẵng này ai cũng biết và ủng hộ, việc làm rất ý nghĩa".
Bình luận (0)