"Những người khốn khổ"... hát

03/01/2013 10:39 GMT+7

Những người khốn khổ - bộ phim ca nhạc được chờ đợi lâu nay, sẽ ra mắt khán giả Việt Nam và công chiếu rộng rãi trên toàn thế giới vào ngày 11-1.

Ðược xuất bản năm 1862, Những người khốn khổ của Victor Hugo đã chờ 47 năm để bước ra khỏi trang sách lên màn bạc lần đầu tiên, thuở điện ảnh đang phôi thai, chờ tiếp 25 năm nữa để cất tiếng nói và thêm 50 năm để có thể hát vang trên sân khấu. Tới giờ, tổng cộng sau 150 năm, những con người vừa hư cấu vừa rất thật ấy lại... hát trên màn ảnh lớn, trong một thiên sử thi điện ảnh - âm nhạc kỳ vĩ được chờ đợi gần 30 năm qua...

 

 Ðã có hơn 30 phiên bản phim của Những người khốn khổ (điện ảnh và truyền hình) với nhiều thứ tiếng khác nhau. Phiên bản nhạc kịch cũng đã được diễn bằng 21 thứ tiếng tại nhiều quốc gia và đến nay đã trở thành vở nhạc kịch thành công nhất mọi thời đại (vượt qua Phantom of the operaCats).

Sức hấp dẫn từ nhân vật của Victor Hugo

Nói 30 năm qua là bởi ngay từ khi vở nhạc kịch Les misérables (Những người khốn khổ - giữ nguyên tựa tiếng Pháp này trong phiên bản tiếng Anh) được dàn dựng trên sân khấu West End (Anh) và Broadway (Mỹ) năm 1985, các ông trùm Hollywood đã nhanh chóng đánh hơi thấy khả năng kiếm bộn tiền từ một câu chuyện lay động lòng người, dựa trên một tác phẩm kinh điển, đi cùng âm nhạc tuyệt vời. Các yếu tố ấy sẽ đủ sức làm thành một siêu phẩm.

Hồi đó, Hãng Sony mới mua lại Columbia và lập ra Hãng phim TriStar, muốn dùng Les misérables làm sản phẩm "chào sân" và đạo diễn được chọn là Alan Parker (người cũng thực hiện các phim ca nhạc nổi tiếng như Bugsy Malone, Fame, Pink Floyd-The Wall, Evita).

Dự tính ban đầu là khi nào thấy Les misérables bắt đầu hạ nhiệt trên sân khấu Broadway thì phim sẽ được quay. Nào ngờ nhiệt chẳng hạ mà còn tăng, Les misérables cứ diễn, diễn mãi, tới nay đã hơn 25 năm vẫn diễn. Những ông bầu đã đưa Những người khốn khổ lên sân khấu nhạc kịch cũng không muốn chờ lâu hơn nữa, nhất là khi sự ăn khách bất ngờ của phim Mamma Mia! (cũng chuyển thể từ nhạc kịch) khiến họ phải... lung lay. Ðặc biệt là phim đã ra nhưng nhạc kịch trên sân khấu không hề bị ảnh hưởng doanh thu, thậm chí còn đắt khách hơn, và thế thì những Jean Valjean, Javert, Fantine, Cosette, Marius, nhà Thénardier... sẽ lại phải hát thôi, lần này là cho toàn thế giới cùng nghe và xem.

Ở phiên bản nhạc kịch, tình tiết câu chuyện được lược bớt nhiều. Những người khốn khổ phiên bản phim ca nhạc đã thêm vào nhiều chi tiết trong truyện hơn so với bản nhạc kịch, do lợi thế về thời lượng cũng như hiện trường (một bài hát và vài đoạn nhạc được sáng tác thêm riêng cho phim), và vì thế người xem - kể cả chưa quen với phim ca nhạc - nếu đã đọc truyện rồi sẽ thấy gần gũi hơn.

Dù tiết tấu phim cũng không thể dồn dập được do mỗi lần nhân vật thể hiện tình cảm hay phát triển tuyến truyện là đều phải... hát một bài (tổng cộng có khoảng 40 bài hát ngắn dài được thể hiện trong phim), sức hấp dẫn lớn nhất ở câu chuyện này nằm ở các nhân vật vô cùng đặc sắc mà Victor Hugo đã sáng tạo nên. Và khi diễn nhạc kịch, dù trên sân khấu hay trên phim, diễn viên phải dốc sức thể hiện nội tâm nhân vật không phải chỉ qua vài ba câu thoại, mà là cả một trường đoạn dài xấp xỉ độ dài một bài hát.

"Những người khốn khổ"... hát
Anne Hathaway (trái, vai Fantine) và Hugh Jackman (vai Jean Valjean) trong phim ca nhạc "Những người khốn khổ" - bộ phim được đề cử bốn giải Quả cầu vàng Ảnh: lesmiserablesfilm.com

Trải nghiệm mới với câu chuyện quen

Trong đoạn phim quảng cáo (trailer) của phim, khán giả đã kịp thấy Anne Hathaway thể hiện nỗi khổ đau, niềm bất hạnh tột cùng của đời mình cùng lúc với cất tiếng hát bài hát đã nổi tiếng khắp toàn cầu I dreamed a dream (Tôi đã mơ một ước mơ). Việc chọn Anne Hathaway - cô gái đã nổi tiếng với các vai công chúa hay kiều nữ đỏng đảnh, vào phim này cũng là chi tiết thú vị bởi mẹ cô từng tham gia đóng Les misérables khi vở này đi lưu diễn khắp nước Mỹ, lúc đó Anne Hathaway mới 7 tuổi, đi theo mẹ, và nhà sản xuất của nhạc kịch là ông Cameron Mackintosh đã biết cô từ khi ấy. Còn hai nam diễn viên cùng gốc Úc là Hugh Jackman (vai Jean Valjean) và Russell Crowe (vai cảnh sát Javert) được chọn ngoài tài năng đương nhiên của họ (ngoài việc đang là ngôi sao hàng đầu Hollywood, họ đều từng ca hát, diễn nhạc kịch nhiều năm) còn có ẩn ý của các nhà sản xuất. Ðó là giữa họ đã tồn tại sẵn một sự cạnh tranh tài năng nơi xứ người song hành cùng tình bạn và sự ngưỡng mộ lẫn nhau (đại loại cũng na ná như quan hệ của hai nhân vật trong truyện, qua từng thời điểm khác nhau).

Êkip sản xuất của bản phim Les misérables phần lớn là từ nhóm chế tác phiên bản nhạc kịch, đứng đầu là ông trùm Cameron Mackintosh - nhà sản xuất nhạc kịch thành công nhất thế giới. Họ muốn giữ lại nhiều tinh thần nhạc kịch nhất có thể trong phiên bản phim, và điều này được đạo diễn Tom Hooper (người đã giành giải Oscar với phim The king’s speech - Bài diễn văn của nhà vua) đồng ý, mà đồng ý một cách triệt để tới mức yêu cầu tất cả các diễn viên phải hát thật trên trường quay. Khác với thông lệ của phim nhạc kịch là diễn viên thu hát trước, ra hiện trường mở nhạc lên rồi nhép miệng theo. Cách làm này tuy khó nhưng lại giúp diễn viên thể hiện cảm xúc tốt hơn rất nhiều khi họ hoàn toàn hóa thân vào trạng thái của nhân vật.

Trong đĩa nhạc phim (soundtrack) được phát hành trước khi phim ra mắt, hiệu quả thật bất ngờ và khác thường khi nghe Anne Hathaway vừa hát vừa khóc nức nở, Russell Crowe hát bằng đúng giọng điệu đe nẹt hăm dọa vốn có của Javert. Nói cách khác, diễn viên đã thoại bằng tiếng hát, rất khác với lối thể hiện truyền thống của nhạc kịch.

Một lần nữa, khán giả sẽ lại có được một trải nghiệm mới mẻ khi thưởng thức một câu chuyện đã quá quen thuộc, gặp lại những nhân vật đã đi vào ngôn ngữ đời thường (như cách trẻ con hay mắng nhau là "đồ gia-ve!") trong khung cảnh hoành tráng của Paris thế kỷ 19 (được dàn dựng lại kỹ tới mức có thể thấy cả... phân ngựa giả rải rác trên đường) đi cùng với âm nhạc trên cả tuyệt vời, như những người đã xem nhạc kịch này, và đã may mắn xem sớm siêu phẩm này nhận xét. Một lần nữa, Broadway lại trở thành cứu tinh cho Hollywood.

Theo NGUYỄN MINH \ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.