Vở nhạc kịch Những người khốn khổ được biểu diễn trực tiếp tại Nhà hát Tháng Tám (TP.Hải Phòng), đồng thời phát trực tuyến trên trang Fanpage của Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL).
Vở nhạc kịch Những người khốn khổ do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện |
VNOB |
Không phụ lòng mong đợi của khán giả, tập thể diễn viên gần 100 người gắn kết và hòa quyện cùng nhau thăng hoa trên sân khấu. Họ cuốn phăng mọi e dè và nghi hoặc của nhiều khán giả khi lần đầu đến với nhạc kịch. Những ngại ngần “mơ hồ” về một thể loại sân khấu “ngoại nhập” khó hiểu và hàn lâm chợt tan biến.
Chỉ còn lại những xuýt xoa, trầm trồ trước những giọng hát với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, kết hợp cùng với nghệ thuật biểu diễn tinh tế đã tạo nên những nhân vật do đại thi hào Victor Hugo tạo ra thật sống động. Cùng với dòng chảy của những sự kiện tiếp nối nhau, ly kỳ và ngoạn mục, đậm chất nhân văn.
Nghệ sĩ giọng tenor Trịnh Thanh Bình trong vai Jean Valjean |
VNOB |
Họ bắt gặp nhân vật Jean Valjean (do nghệ sĩ Trịnh Thanh Bình thủ vai) trả thù đời sau khi anh bị kết án tù chỉ vì ăn trộm một ổ bánh mì cho những đứa cháu sắp chết đói của mình, nhưng anh sẵn sàng dùng cả phần đời còn lại của mình để chuộc lỗi lầm bằng cách cứu giúp người khác khi anh nhận được tấm chân tình từ vị giám mục già Myriel. Trong suốt hành trình hướng thiện đó của Jean Valjean là những cuộc trốn chạy khỏi sự truy lùng của thanh tra Javert (do nghệ sĩ Phan Mạnh Đức thủ vai).
Trên sân khấu, họ thấy những con người khốn khố bị dìm xuống tận đáy xã hội nhưng khát vọng sống, khát vọng hoàn lương của họ mạnh mẽ hơn bao giờ hết đúng như Victor Hugo đã viết “Ngay cả màn đêm đen tối nhất cũng sẽ tan và mặt trời sẽ mọc”…
Nghệ sĩ giọng baritone Phan Mạnh Đức trong vai Javert |
VNOB |
Ở đó, người ta cũng bắt gặp nhân vật Fantine (do nghệ sĩ Thu Trang thủ vai) một người phụ nữ bị chà đạp tàn bạo cả thể xác lẫn tâm hồn nhưng cô lại mạnh mẽ “rũ bùn đứng dậy” như biểu tượng về người mẹ mạnh mẽ với tình mẫu tử thiêng liêng nhất.
Giọng ca soprano Thu Trang trong vai Fantine |
VNOB |
Trong suốt 2 giờ đồng hồ, dưới tay nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, khán giả đã hưởng thụ trọn vẹn cuộc đấu tranh cách mạng, vùng lên chống cường quyền, đòi tự do, dân chủ của nhân dân Pháp theo lối kể chuyện đầy lôi cuốn và sống động của tổng đạo diễn Trần Ly Ly …
Phải nói rằng, trong thời đại dịch Covid-19 hiện nay, việc mang một vở diễn với quy mô lớn đi tham gia một liên hoan sân khấu ca múa nhạc là một thách thức lớn đối với ban lãnh đạo của một nhà hát.
Bởi vậy, sự góp mặt của Những người khốn khổ lần này tại liên hoan cho thấy sự quyết tâm cao của gần 200 nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Họ vừa oằn mình chống dịch, vừa sáng tạo nghệ thuật với một mong muốn đưa tác phẩm đến được với đông đảo khán giả hơn.
Cùng với sức sáng tạo, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của các nghệ sĩ, giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm đã lay động trái tim của những khán giả. Việc được thưởng một vở diễn chất lượng cao như vở nhạc kịch Những người khốn khổ đã biến khán giả thành những người… sung sướng!
Bình luận (0)