Những ngày cuối năm, cuộc sống của nhiều người lao động vẫn hối hả, tất bật ra đường mưu sinh. Họ miệt mài làm việc không có ngày nghỉ với hy vọng có thêm tiền gửi biếu ba mẹ, mua cho con bộ quần áo mới nhân dịp tết nguyên đán 2024.
Đi bán quên ngày nghỉ
Năm 1998, sau khi học xong cấp 3, ông Trần Văn Trọng (43 tuổi, quê Hà Nam) khăn gói vào miền Tây lập nghiệp. 10 năm đầu, ông là thương lái nhập hàng trái cây, hàng đông lạnh.
15 năm nay, ông chuyển lên TP.HCM buôn bán rau củ. Vợ chồng ông có hai người con (trai gái đủ cả), đứa đầu lớp 12, đứa thứ hai học lớp 11. Cả nhà họ thuê phòng trọ với giá 1,7 triệu đồng/tháng, vợ chồng ngày ngày đi bán kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Không có thưởng tết, phải chịu ‘cày’: Bán hàng, tài xế kiếm tiền thế nào?
Ông cho biết, những ngày tết (từ mùng 1 đến mùng 6 tết) việc buôn bán có phần chậm lại vì người dân về quê. Buôn bán tự do nên thưởng tết là khoản tiền xa vời với ông. Ông ý thức được điều này nên phải tiết kiệm từ những tháng trước đó, đi bán đều đặn để có thêm thu nhập.
"Những tháng có thu nhập cao tôi dành dụm, bù vào những tháng bán chậm. Khoảng một tháng trước tết, tôi nhập nhiều hàng hơn, làm mỗi ngày lên đến 12 tiếng. Tôi cứ làm theo niềm đam mê, thấy khách đến mua ủng hộ cũng là thưởng tết rồi", ông Trọng chia sẻ.
Người đàn ông phân chia việc chi tiêu rõ ràng để những ngày tết vẫn có tiền trang trải, không để tình trạng làm đến đâu tiêu đến đó. Ông cũng ít khi ăn nhậu, mua sắm quần áo mới nên giờ cắt bỏ thói quen đó cũng không có ảnh hưởng gì đến cuộc sống.
"Tăng tốc, chạy nhiều đơn hơn"
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (46 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) là tài xế công nghệ 5 năm nay. Bà và các đồng nghiệp đều không có thưởng tết, không có lương tháng 13. Vì vậy, người phụ nữ dồn hết sức chạy xe để có tiền về quê ăn tết. Bà có hai người con trai, đứa con đầu đã kiếm được tiền còn đứa thứ hai đang học lớp 11.
"Mỗi tài xế có mốc chạy bình thường khoảng 35 đơn nhưng khi đã đủ số cuốc xe này, tôi chạy thêm khoảng 2 tiếng với khoảng 5 đơn hàng nữa. Càng về khuya, giá cước càng tăng, tôi chạy đến khoảng 22 giờ về nghỉ, lấy sức ngày mai chạy tiếp", nữ tài xế cho hay.
Cuối năm cũng là dịp bà phải chi tiêu nhiều như sắm quần áo cho con, tiền gửi biếu gia đình nội ngoại ăn tết… Không còn cách nào khác, bà phải ráng chạy thêm để có tiền trang trải.
"Cảnh hai quê mà nên từ tầm tháng 10 âm lịch tôi đã tăng tốc chạy nhiều hơn để ăn tết đầy đủ như mọi người. Những tháng cuối năm tôi chạy đủ 30 ngày, không nghỉ ngày nào để bù lại khoảng thời gian đầu và giữa năm ít cuốc xe", bà nói thêm.
Năm nay, nữ tài xế dự định sẽ chạy xe đến chiều 30 tết. Từ TP.HCM bà tự chạy xe máy về Bình Thuận sum họp với gia đình trước giờ giao thừa.
Bà cũng tìm mọi cách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu những thứ không cần thiết như đi ăn tiệc với bạn bè, mua sắm quần áo… Dành nhiều thời gian chạy xe ngoài đường nên nữ tài xế cũng quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Mỗi ngày bà đều nấu cơm mang đi làm, khi mệt sẽ dừng nghỉ ở quán cà phê, không chạy quá sức.
"Những bộ quần áo còn mới tôi sẽ mặc lại còn con trai tôi cố mua đồ mới để con vui vẻ với bạn bè. Cuối năm cũng là khoảng thời gian các tài xế ở xa về quê ăn tết, đơn hàng nhiều tôi ráng ở lại chạy thêm. Công ty cũng có tiền tăng thêm với mỗi cuốc xe khoảng 5.000 – 10.000 đồng vào khoảng thời gian này", bà Hà bộc bạch.
Anh Vương Tiến Đạt (25 tuổi, quê Vĩnh Long) là tài xế công nghệ khoảng 1 năm nay. Khoảng hơn một tháng nữa sẽ đến tết nhưng anh không nghĩ đến khoản tiền thưởng vì anh chỉ là đối tác, không phải nhân viên công ty nơi mình làm việc.
"Tôi biết sẽ không có khoản tiền thưởng cuối năm nên sẽ bù lại bằng cách chạy nhiều hơn. Giá cước thời điểm cận tết cũng cao nên tranh thủ bật app chạy hết sức có thể, hy vọng có một cái tết đủ đầy", anh vừa nói vừa giao đồ ăn cho khách.
Bình luận (0)