Những người không thể làm việc ở nhà

19/08/2020 07:42 GMT+7

Dù giãn cách xã hội trong dịch Covid-19 , nhiều người vẫn không thể làm việc tại nhà. Bởi hành trình của họ mỗi ngày là giúp thành phố xanh sạch hơn, môi trường trong lành hơn.

Theo chân những người trẻ đang là nhân viên thu gom rác thải sinh hoạt tại TP.HCM, mới thấu hiểu sự vất vả của công việc lắm gian truân này.

Thấp thỏm vì sợ lây nhiễm

Hầm rác lô D chung cư Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM) rất tối với nhiều mảng tường bong tróc, nền xi măng lồi lõm. Ống dẫn rác từ các lầu chảy thẳng xuống hầm và rơi tọt xuống một cái hố không có ngăn chứa. Vợ chồng anh Lê Văn Lợi và chị Lê Thị Thúy An (cùng 30 tuổi) dành tiền mua những chiếc thùng nhựa màu xanh rất lớn đặt dưới đường ống. Nhưng số rác một ngày vượt quá cả dung tích chiếc thùng, nó tràn ra xung quanh với tất cả nước thải và chất thải rắn, làm nên những mùi nặng nhất.
Anh Lợi kéo xuống từ xe thùng của mình chổi, hốt rác, chiếc cào sắt và một cái xe cút kít. Chồng gom, vợ kéo xe, thùng mà đầy quá, anh Lợi nhảy lên thùng, giậm chân nén rác xuống. Cách đây không lâu, anh phải đi tiêm mấy mũi chống nhiễm trùng uốn ván vì mấy thanh gỗ có đinh xuyên thủng chiếc ủng.
Những người không thể làm việc ở nhà

PV Thanh Niên trên xe đi gom rác cùng vợ chồng anh Thảo, chị Yến

Ảnh: Minh Phạm

Hơn 1 tuần trước, lô D chung cư này có 2 người phải đưa đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm vì tiếp xúc với bệnh nhân 420 nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng. Vừa biết tin, chị An lo đến mức không dám đi làm ngày hôm sau, bởi không tiếp xúc trực tiếp với họ nhưng ngày ngày phải tiếp xúc với rác từ hơn 200 hộ dân từ chung cư.
“Mấy hôm trước đi thu tiền rác, tôi đã đeo cả tấm kính chống giọt bắn, lúc nào cũng có chai nước rửa tay bên cạnh. Vừa thấy thông báo là cả hai người xét nghiệm âm tính, tôi như trút được gánh nặng ngàn cân”, chị An kể.

Mối duyên từ nghề gom rác

Chị An và anh Lợi lấy nhau 2 năm nay và cơ duyên để họ gặp gỡ, hẹn hò cũng là từ nghề gom rác. Mỗi ngày, cả hai rời khỏi nhà ở xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TP.HCM) từ 3 giờ 30 sáng và kết thúc công việc lúc 12 giờ trưa. Họ chỉ dám ăn sáng qua loa món gì chừng 20.000 đồng, rồi chắt chiu từng chiếc vỏ chai, thùng carton gom được, để dành cho tổ ấm sau này khi có con.
Ở Hợp tác xã dịch vụ môi trường Q.11, còn một đôi vợ chồng nữa cũng đi qua bao gian khó cùng nghề gom rác. Đồng tiền mặn mòi mồ hôi kiếm được 8 năm qua giúp anh chị nuôi dạy 2 cậu con trai lúc nào cũng tự hào về nghề cha mẹ. Trong dịch Covid-19, hai anh chị chưa nghỉ một ngày.
Đó là anh Lê Thành Thảo và chị Phạm Thị Hồng Yến (cùng 38 tuổi), trú xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh. Họ bắt đầu làm việc từ 4 giờ sáng, khắp các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Lạc Long Quân, Lò Siêu, Trần Quý, Hàn Hải Nguyên (Q.11)…
Một sáng đầu tháng 8, chiếc xe thùng lắc qua lắc lại đưa tôi và vợ chồng anh chị đi từ kênh Tân Hóa về hướng Lạc Long Quân. Tới hẻm 163, chị Yến nhảy phắt xuống. Nhanh chóng xỏ thêm một lớp găng tay y tế, tiếp theo là lớp găng tay vải, rồi một lớp găng tay cao su ngoài cùng, chị và chồng thoăn thoắt đi tới trước cửa từng nhà lượm hết các túi rác đã để sẵn. Thức ăn thừa trong một cái túi bị bục xộc ra mùi tanh nồng, chị Yến chẳng để ý, lượm thêm các bọc lớn.
Chiếc xe thùng ra khỏi hẻm, chị Yến đi như chạy để bỏ hết rác gom dọc đường vào thùng xe, nhiều nhà không để sẵn trước cửa, chị phải bấm chuông và khệ nệ kéo ra những thùng rác ngập ngụa. Anh Thảo đỡ thùng giúp vợ, nghiêng cái thùng rồi túm từng bọc để liệng vào trong xe, nước rác chảy tong tong. Gồng sức, anh nhấc cả thùng dốc ngược vào trong. Trong cái nắng gắt của giờ trưa, mồ hôi của hai vợ chồng nhỏ đầm đìa.

Thực hư chuyện nhân viên Thảo Cầm Viên "nhường cơm" cho thú

 

Người gom rác phòng tránh dịch

Vừa là công nhân trực tiếp gom gác, cũng là Phó giám đốc Hợp tác xã môi trường dịch vụ Q.11, chị Phạm Hoàng Nguyên Minh cho biết từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cũng như lần dịch trở lại này, hợp tác xã đã tăng cường trang bị thêm khẩu trang, nước rửa tay, ủng, đồ bảo hộ cho nhân viên, đồng thời nhắc nhở động viên tinh thần mọi người yên tâm làm việc, không lo lắng.
“Công việc nào có thể làm ở nhà đi chăng nữa, thì với nghề gom rác đặc thù, một ngày không đi làm thì rác sẽ tràn ngập đường phố, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, sức khỏe của mọi người”, chị Minh nói.
Trưa 4.8, vừa trò chuyện với phóng viên, anh Mai Văn Hiền, trưởng trạm trung chuyển rác 70A Tân Hóa, Q.11, vừa dán các tờ thông báo trước cổng, quy định bất cứ nhân viên nào không đeo khẩu trang thì không được mang rác vào trạm đổ. Anh Hiền bộc bạch: “Trạm 1 ngày đêm tiếp nhận 460 tấn rác, do đó phải phun sương 24/7 và xịt Cloramin B để khử khuẩn liên tục. Công việc của các anh em gom rác, điều hành trạm rác rất vất vả, tiếp xúc hôi thối cả ngày nhưng đồng tiền kiếm được thơm tho, chúng tôi tự hào, vì mình đang làm đẹp cho thành phố”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.