>> Gian nan Thàng Tín
>> Chót vót Sì Lờ Lầu
Chả thế mà trên vùng rừng xanh núi thẳm địa đầu Tổ quốc, lính Biên phòng thường gọi thầy cô giáo cắm bản là “Những người lính không gắn quân hàm” và tôi, xin kể vài chuyện về những “người lính” ấy…
Kỳ 1: Dứt bữa “mèn mén” thay cơm
|
Giá để nồi luôn mới
|
Huyện Mường Nhé (Điện Biên) mới được quan tâm đặc biệt về cơ sở vật chất, xây dựng đường sá và dĩ nhiên, hết thảy “điện, đường, trường, trạm” đều được xây mới, nới cũ.
Mình lên Mường Nhé. Dọc đường từ xã Quảng Lâm sang xã Na Cô Sa lầm lụi bụi, thi thoảng lại gặp những bóng người lủi thủi xe máy cà tàng, mũ bảo hiểm chụp kính âm u mặt, trên thân người mặc nguyên bộ áo mưa nóng phát sốt, choàng qua vai cái túi kiểu đựng laptop. Rõ là thầy cô giáo cắm bản.
Gần 20 km, mới đến điểm Trường Diền Thàng nằm chơ vơ trên đỉnh dốc với 3 gian nhà mái rạ, vách nứa thấp lè tè, rì rầm tiếng người phát ra từ gian giữa.
Thầy giáo Cà Văn Du thấy tôi bước vào, liền hô học sinh đứng dậy khoanh tay chào khách, nhưng rút cục chỉ 5 đứa ngồi nhìn bảng trước lóng ngóng đứng dậy, 3 đứa còn lại hướng vào bảng vách cứ tròn mắt nhìn, chả thèm động cựa mảy may.
Nói chuyện mới biết: Thầy Du dạy điểm Diền Thàng đã 6 năm và theo “tình hình chung”, năm học nào cũng điều hành lớp ghép. 5 đứa biết chào do lên đến lớp 2 nên còn… nghe sõi. 3 học sinh còn lại mới vào lớp 1, muốn “vận động”, phải miết mải tiếng người Mông, may ra chúng mới nghe lời, chịu học.
|
“Điểm này còn đỡ, có những điểm phải đi bộ qua mấy chục con suối mới tới nơi!” - thầy Cà Văn Du bảo vậy và kể: “Vợ cũng là giáo viên mầm non, lương chẳng bao nhiêu nên cố gắng sáng đi tối về, đỡ đồng tiền lưu trú ăn ở mấy bữa trong ngày. Các đồng nghiệp chưa gia đình, dù sao cũng đỡ vướng bận hơn!”.
Lên đến xã “điểm nóng” Nà Bủng, kể chuyện quãng đường đi dạy của thầy Cà Văn Du, nghe vậy thầy Ngô Văn Dụ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Bủng 1, liệt kê: Hơn 60 giáo viên dạy cho 668 học sinh người Mông tại 8 điểm trường trong toàn xã, đại đa số dưới xuôi xa nhà và cũng đa số các giáo viên phải trích phần tiền lương ít ỏi để… thuê người trông con dưới quê.
|
“Hai ngày nghỉ cuối tuần, muốn cũng không dám về thành phố Điện Biên Phủ vì quãng đường gần 200 km cho một chiều, mất đứt cả ngày mùa khô. Vào mùa mưa, cả xã bị cô lập là bình thường. Nhà trường phải nghĩ ra mọi phong trào tập thể như múa hát, tăng gia sản xuất… để các thầy cô đỡ buồn!” - thầy Dự không giấu nổi những “sáng kiến” của mình.
Dẫn tôi xuống bếp ăn của học sinh nội trú, chỉ vào những giá đựng nồi, đen nhẻm bồ hóng: “Khi nào bí phong trào, lại huy động các thầy cô vào rừng tìm cây, làm lại giá để nồi cho tất tật 215 học sinh!”.
Dứt bữa “mèn mén thay cơm”
Cô giáo Phạm Thị Tuyển, sinh năm 1980, quê ở Nam Định, hiện là Hiệu trưởng Trường THCS Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang). Mới 33 tuổi, nhưng cô Tuyển già dặn như hơn 40, lúc nào cũng tất ta tất tưởi. Chồng cô Tuyển là trung úy Vũ Hữu Nam, cán bộ Đồn Biên phòng 169 - Lũng Cú (BCH BĐBP tỉnh Hà Giang).
Tiếng là ở cùng địa danh, nhưng có khi cả tháng vợ chồng mới gặp nhau một lần, vào ngày tranh thủ cuối tuần, bởi Nam lọ mọ công tác đặc thù ở các địa bàn, Tổ công tác mà có đọc tên cũng chẳng ai biết.
Vợ chồng Nam - Tuyển có hai đứa con, đứa đầu con trai mới 3 tuổi đã gửi về dưới Ba Vì (Hà Nội) nhờ ông bà nội chăm hộ, còn đứa sau con gái, bé quá nên phải cắp nách gà vịt, vừa dạy học vừa chăm con.
Tôi biết Tuyển cách đây hai năm, hồi ấy hạn nặng, lúa nương của người Mông địa đầu Lũng Cú, vốn đã bao đời quắt queo vì thiếu nước, nay đến hơi ẩm để rặn ra hạt cũng không có, nên theo nhau chết khô chết xác.
|
Mất mùa lúa, không có gạo cho con mang đến trường ăn học, người Mông Lũng Cú đành nộp ngô thay gạo cho thầy cô giáo, nửa phó mặc - nửa tủi hờn.
Nhận những bao ngô, các thầy cô người miền xuôi ngơ ngác mấy ngày, mãi mới nghĩ ra cách đem xay, mang lọc, đưa lên đồ thành món mèn mén cho học sinh ăn thay cơm. Cái món mèn mén, đám du khách lớt phớt dưới xuôi thường xuýt xoa “đặc sản truyền thống”, thực ra là bột ngô, chỉ khi không có cơm mới đành phải ăn, nay đám trẻ con tí tuổi đã quen ăn cơm cũng phải cố gắng nuốt, phùng cả má trợn cả mắt và không ít đứa suýt tắt thở vì nghẹn.
Nhìn học sinh ăn khổ ăn sở, cô Tuyển lầm lũi phóng xe máy ra chợ huyện Đồng Văn, mang “danh dự của cá nhân Hiệu trưởng, vợ Bộ đội Biên phòng” mua chịu mỗi ngày mấy cân mỡ lợn để bếp ăn nấu được món thịt mỡ kèm canh rau cải, cho con trẻ trôi thìa bột ngô.
|
Vẫn nhớ buổi chiều hôm ấy vào hỏi chuyện, Tuyển gục đầu trên bàn, mãi mới ngẩng dậy tím mặt kể: “Có đoàn khách vào thăm trường đúng giờ ăn, thấy các cháu khổ sở ăn bột ngô, cứ nức nở khen ngon rồi nói ăn uống thế là sung sướng - đầy đủ!” và hỏi tôi: “Cứ thử cho các ông bà ấy ăn bột ngô một ngày xem có chịu được không, nữa là trẻ con?”…
Dĩ nhiên, mấy ngày sau đó, những nhà hảo tâm dưới xuôi tặng cho học sinh của Tuyển không chỉ gạo, lương thực mà cả bát đĩa, nồi niêu, đồ dùng nấu nướng… để dứt cảnh “mèn mén thay cơm”.
Gặp lại tôi, cô Tuyển thực thà: “Học sinh như con mình. Không lo được cho chúng, thì còn dạy và nói được ai?”…
Dọc biên cương bây giờ, còn lưu bao câu chuyện về những người con gái - con trai còn rất trẻ, mới rời giảng đường miền xuôi lên miền núi dạy học và nằm xuống bởi mưa lũ, bệnh tật… ngay tại điểm trường mà họ đã hoặc vừa gắn bó, linh hồn họ trong trắng tuổi đôi mươi, lửng lơ cùng lá xanh - hoa trắng. (còn tiếp)
Mai Thanh Hải
Bình luận (0)