Vừa cười nói vui vẻ, hôm sau đã chọn... kết thúc cuộc đời
Tại một chương trình truyền hình, diễn viên, người mẫu Diệp Lâm Anh chia sẻ cô đang mắc căn bệnh... trầm cảm cười. Cô cho biết trầm cảm cười có biểu hiện là lúc nào đối mặt với thế giới xung quanh, mình cũng muốn bản thân thật mạnh mẽ, phải cười, phải vui nhưng khi tự đối diện với chính mình thì ngược lại hoàn toàn. Chia sẻ của nữ người mẫu được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Đặng Khánh An, cố vấn phòng khám TestSGN, tâm lý gia tại Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trầm cảm cười không phải tên gọi chính thức trong y văn mà là tên gọi nói về một số người có triệu chứng trầm cảm nhưng sự xáo trộn về chức năng sống không rõ nét. Họ vẫn trong cơn trầm cảm nhưng duy trì chức năng tương tác xã hội như thông thường, người khác khó nhận ra họ đang trong trạng thái trầm cảm cho đến khi những vấn đề xấu hơn xảy đến như tự sát.
Thạc sĩ, bác sĩ tâm thần học Nguyễn Trung Nghĩa, tác giả sách Câu chuyện đằng sau một bác sĩ tâm thần, công tác tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec (Hà Nội), cho biết cần lưu tâm đến dạng thức biểu hiện của trầm cảm cười, vì các triệu chứng có vẻ "ẩn", khó phát hiện nên có thể chúng ta sẽ không kịp thời hỗ trợ cho chính mình hoặc những người xung quanh. Mọi người thấy rằng không phải người trầm cảm nào cũng liên tục ở trong trạng thái trầm buồn, đau khổ, mệt mỏi, bế tắc, tuyệt vọng muốn chết và bi quan với mọi thứ.
Bác sĩ Trung Nghĩa kể: "Từng có một bạn trẻ đã chọn chấm dứt cuộc sống của mình. Dường như mọi người đến dự đám tang đều ngơ ngác, bất ngờ và thảng thốt bởi chưa tin được chuyện đang xảy ra là thật. Những người quen biết đều thấy rằng cuộc sống trước đó của bạn hoàn toàn bình thường. Mới ngày hôm qua, ở chỗ làm người ta còn thấy bạn cười nói vui vẻ, thậm chí còn hứng thú bàn bạc về những dự tính cho tương lai. Ấy thế mà bạn lại chọn kết thúc. Qua một lá thư và những trang nhật ký để lại, mọi người mới biết rằng bạn đã ở trong tình trạng trầm cảm một thời gian dài trước đó nhưng không ai hay biết".
Rất nguy hiểm
Nói về những nguyên nhân dẫn đến hội chứng này, thạc sĩ Đặng Khánh An cho biết về mặt sinh học, họ có những gien tiềm ẩn nguy cơ mắc trầm cảm. Về tâm lý cá nhân, người trẻ bị áp lực đồng trang lứa, xu hướng chạy theo thành tích học tập. Các bạn thiếu kỹ năng để hóa giải stress và định hình lại giá trị cá nhân. Việc có hệ giá trị tiêu cực thì cũng dễ góp phần tạo nên trầm cảm. Về khía cạnh xã hội, công nghệ chi phối đời sống, làm cho những kết nối giữa con người thật càng ngày càng giảm về chất lượng, lệ thuộc vào kênh truyền thông gián tiếp như mạng xã hội. Khi chúng ta rơi vào tình trạng khó khăn, mối quan hệ kém chất lượng thì cũng làm giảm nguồn lực ứng phó với trầm cảm.
Theo thạc sĩ Đặng Khánh An, dấu hiệu nhận biết trầm cảm cười rất khó nếu mình không có mối quan hệ đủ thân thiết với người này. Nhìn biểu hiện bên ngoài, thấy họ năng động, hoạt bát, năng suất làm việc không giảm. Nếu có mối quan hệ thân thiết với họ thì chúng ta có cơ hội để nghe được những tâm sự, cảm giác mệt mỏi, chán nản, tự ti về bản thân... Họ chỉ than thở thoáng qua chứ không có biểu hiện rõ nét của người trầm cảm. Khi tín hiệu cầu cứu bị bỏ qua, họ có cảm giác thất vọng bởi vì những lời kêu cứu đó không được lắng nghe, thấu hiểu, càng ngày càng thất vọng, chìm đắm trong cơn trầm cảm cá nhân.
"Ban ngày, bước ra khỏi nhà, họ như một người khác; chỉ khi về với không gian của chính mình thì họ mới thật sự bộc lộ cơn trầm cảm. Bên ngoài cười tươi vui vẻ nhưng khi về đến phòng, họ gục xuống khóc, gào thét với sự đau khổ, một số người có cảm giác dữ dội hơn", thạc sĩ Đặng Khánh An nói.
Thạc sĩ, bác sĩ tâm thần học Nguyễn Trung Nghĩa cho biết nhiều thân chủ của anh mô tả rằng họ như sống hai cuộc đời, hoặc là như bị đa nhân cách. Buổi sáng ở công ty, họ có thể là một người khác, nhưng buổi tối ở nhà lại trở thành một người khác hoàn toàn.
"Ban đêm có lẽ là khoảng thời gian đáng sợ nhất của người trầm cảm. Ai trong chúng ta chắc hẳn cũng đã trải qua ít nhất một vài đêm khó ngủ. Lúc đó, điều gì xuất hiện trong tâm trí của bạn? Có phải là hàng loạt suy nghĩ, trăn trở và lo âu? Đối với người trầm cảm, đó là khi những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu trỗi dậy, tấn công liên tục vào tâm trí, trong khi họ không có bất cứ thứ gì xung quanh để bảo vệ cho bản thân. Đây cũng chính là khoảng thời gian những thôi thúc làm tổn thương bản thân, niềm mong mỏi kết thúc cuộc sống xuất hiện và dễ thành hiện thực nhất", thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa nói.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết qua quan sát, quá trình thăm khám bệnh nhân, anh nhận thấy hiện nay chứng trầm cảm cười đã phổ biến hơn và số lượng người mắc hội chứng này đang có dấu hiệu tăng. Bác sĩ Nghĩa mong rằng người trẻ hãy quan tâm hơn để quan sát và thấu hiểu bản thân mình. Bởi vì buồn không phải là vấn đề duy nhất, đôi khi vấn đề còn nằm đằng sau những nụ cười.
Thạc sĩ Đặng Khánh An khuyên bạn trẻ nếu có dấu hiệu của trầm cảm cười thì đến thăm khám ở chuyên khoa tâm lý, tâm thần của bệnh viện đa khoa. Trong trường hợp có triệu chứng nặng như mất kiểm soát hành vi, mất ngủ dài, ảo thanh gây tiếng nói giả, thì đến thăm khám ở bệnh viện tâm thần để được bác sĩ hỗ trợ hiệu quả. Nếu như không có những can thiệp hiệu quả và kịp thời, sẽ làm suy giảm chức năng nhanh chóng, tạo ra những khủng hoảng dẫn đến những hành vi thương tâm.
Bình luận (0)