Những người mẹ trên màn ảnh nhỏ

26/11/2021 06:10 GMT+7

Hình ảnh người mẹ được khai thác đa chiều trong phim truyền hình Việt . Tuy nhiên thời gian qua, có không ít hình ảnh bà mẹ gây ra những ý kiến trái chiều, tranh cãi, thậm chí khiến khán giả… khiếp sợ.

Nhân vật bị làm quá ?

Vào thời điểm bộ phim Sống chung với mẹ chồng chuẩn bị lên sóng (2017), NSND Lan Hương đã nửa đùa nửa thật rằng bà lo con dâu và hơn nữa là phía ông bà thông gia không biết sẽ nghĩ gì khi xem bà vào vai bà Phương - bà mẹ chồng ghê gớm, khắc nghiệt trong bộ phim Sống chung với mẹ chồng. Diễn viên Bảo Thanh, người thủ vai con dâu của bà Phương trong phim, cũng công nhận: “Mẹ chồng mà như trong phim thì quá kinh khủng”. Khi đó, đã có những ý kiến cho rằng nhân vật và chuyện phim có phần bị làm quá so với thực tế. Còn theo diễn viên Bảo Thanh, cô từng gặp những bà mẹ chồng giống khoảng 50% nhân vật bà Phương.

Hình ảnh trong phim Thương ngày nắng về

VFC

Nhân vật bà Hoài trong phim Hãy nói lời yêu (vừa lên sóng VTV3 cách đây không lâu) cũng gây ra những phản ứng trái chiều từ phía khán giả khi được xây dựng là người mẹ độc đoán, tham vọng, cực đoan đến nghiệt ngã với con cái. Thậm chí, con trai của bà Hoài đã tự tử vì không chịu nổi sự đay nghiến, chửi bới và hơn hết là những áp lực từ những kỳ vọng lớn lao của người mẹ.

Biên kịch Huyền Lê của bộ phim cho biết nhân vật bà Hoài được lấy cảm hứng từ thực tế xã hội. “Có nhiều bà mẹ rất độc đoán, dù xuất phát từ tình yêu thương con, nhưng họ lại yêu con không đúng cách. Họ nghĩ mình đã lớn tuổi, có kinh nghiệm, đã trải đời nên luôn đúng, còn các con non nớt và luôn sai. Những người mẹ như thế trong đời sống có rất nhiều”, chị lý giải và nói thêm: “Có nhiều người phản hồi với tôi rằng, họ thấy một phần bản thân mình trong bà Hoài, bởi họ cũng đặt nặng chuyện thành tích của con, kỳ vọng vào con rất nhiều. Có thể họ chưa đến mức thái quá như bà Hoài, nhưng đôi lúc vô tình đã biến mình thành những bà mẹ như thế”.

Một bộ phim cần gần gũi với đời sống, mà trên thực tế trong đời sống không có ai hoàn hảo cả. Bởi vậy, những nhân vật (trong đó có những nhân vật bà mẹ) trong phim được xây dựng với những mảng màu sáng tối khác nhau. Ngoài ra, việc khai thác nhân vật với những khiếm khuyết còn là cách để nhà làm phim truyền tải thông điệp

Một đạo diễn

Nhiều nhân vật bà mẹ trong những phim truyền hình được phát sóng gần đây khiến khán giả tranh cãi vì mang những tính cách xấu xa, ích kỷ, tham lam, hoặc nhu nhược, yếu đuối. Chỉ riêng trong phim Hương vị tình thân, có thể điểm ra 3 nhân vật bà mẹ có những tính cách khác nhau mang đến những phản ứng cảm xúc khác nhau cho người xem và nhiều người cho rằng khó có thể “yêu” nổi bà mẹ nào: một bà Sa luôn tham vọng đến mức “máu lạnh” với chính con ruột của mình; một bà Bích đanh đá, tham lam, ích kỷ; một bà Xuân nông nổi, nhẹ dạ cả tin, nhưng thích áp đặt suy nghĩ cho người khác.

Theo nhìn nhận của một đạo diễn, một bộ phim cần gần gũi với đời sống, mà trên thực tế trong đời sống không có ai hoàn hảo cả. Bởi vậy, những nhân vật (trong đó có những nhân vật bà mẹ) trong phim được xây dựng với những mảng màu sáng tối khác nhau. Ngoài ra, việc khai thác nhân vật với những khiếm khuyết còn là cách để nhà làm phim truyền tải thông điệp. Như biên kịch Huyền Lê lý giải, việc xây dựng nhân vật bà Hoài như vậy cũng là cách để nhà làm phim cảnh tỉnh cho người xem, nhất là những bậc phụ huynh. “Chúng tôi muốn những ông bố, bà mẹ khi xem phim sẽ nhìn nhận lại bản thân. Nếu ai đó thấy mình có phần nào như bà Hoài thì hãy đừng để mọi việc không bị đẩy đi quá xa”, chị bày tỏ.

Hình ảnh trong phim Thương ngày nắng về

VFC

Chờ đợi của khán giả

Dù mới phát sóng vài tập đầu tiên trên VTV3, bộ phim Thương ngày nắng về (đạo diễn: NSƯT Vũ Trường Khoa và Bùi Tiến Huy) đang thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả với câu chuyện về bà Nga và 3 người con gái.

Phim được “Việt hóa” từ kịch bản phim Mother of mine của kênh KBS (Hàn Quốc). Nhóm biên kịch và biên tập phim đã cùng làm việc từ 2 năm trước và vẫn tiếp tục hoàn thành kịch bản khi bộ phim bắt đầu lên sóng. Nguyễn Thủy, biên tập của phim, cho hay khi bắt đầu làm kịch bản, chị đã nói với các thành viên của nhóm biên kịch rằng hãy kể ra những tính cách mình yêu nhất, khó chịu nhất và cả bất lực nhất về những người mẹ của họ và những người mẹ mà họ biết. “Mong muốn của chúng tôi là xây dựng một bà mẹ thật gần gũi, với những nét tính cách phổ biến nhất. Và bà Nga của chúng tôi là tổ hợp tính cách của các bà mẹ của hội biên kịch và các bà mẹ mà hội ấy nhìn thấy”, chị chia sẻ.

Từng vào vai những bà mẹ ghê gớm, NSƯT Thanh Quý đã “thỏa mãn” mong muốn bấy lâu khi được vào vai bà mẹ tần tảo, lam lũ. Mất chồng sớm, bà Nga với quán bún riêu nuôi 3 con gái khôn lớn. Luôn hy sinh, lo toan cho các con, nhưng bà Nga cũng là bà mẹ hay áp đặt và nhiều lời. Chính điều đó khiến bà và các con có lúc mâu thuẫn, xung khắc. Dù vậy, cuộc sống có như thế nào, bà Nga vẫn luôn ở bên các con với câu thần chú “Có mẹ đây rồi!”. “Những cảm xúc của người mẹ với những đứa con gần đến mức tôi không phải diễn nữa. Nhìn 3 diễn viên, tôi luôn cảm thấy tình yêu với chúng tràn đầy, như những đứa con thật của mình”, NSƯT Thanh Quý chia sẻ.

Sau nhiều hình ảnh người mẹ “đáng sợ” trong phim truyền hình Việt phát sóng thời gian qua, có lẽ Thương ngày nắng về sẽ “xoa dịu” khán giả với hình ảnh người mẹ thân thương và ấm áp. Và sau 2 năm kể từ thành công của bộ phim Về nhà đi con cùng việc khắc họa hình ảnh người cha, Thương ngày nắng về được chờ đợi sẽ thỏa mãn khán giả về một bộ phim đặt hình ảnh người mẹ làm trung tâm, mang lại nhiều cảm xúc với những câu chuyện xúc động và ý nghĩa về tình cảm và giá trị gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.