Những người ôm cột câu cá

01/07/2012 03:29 GMT+7

Tấm ảnh những người ngồi câu cá trên cột giữa biển của nhiếp ảnh gia Steve McCurry khiến tôi có thêm một lý do để đến Galle (Sri Lanka) vốn rất nổi tiếng với pháo đài cổ.

Và ở Galle, trong khi những anh chàng chạy tuk tuk hào hứng vẽ lộ trình đi xem câu cá trên cột thì một số người địa phương lắc đầu bảo: “Ngày nay khó mà tìm thấy hình ảnh có tính biểu tượng của Sri Lanka này. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp!”.

Những người ôm cột câu cá
Một góc phố cổ bên trong pháo đài cổ ở Galle - Ảnh: Phương An

Hòn đảo hình giọt nước

Hòn đảo hình giọt nước nằm trên Ấn Độ Dương đang sở hữu 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm: kinh đô cổ Polonnaruwa, cổ thành - cung điện Sigiriya, cố đô Anuradhapura, phố cổ và pháo đài của Galle, đền Răng Phật ở Kandy, ngôi đền hang động Dambulla, khu bảo tồn rừng Sinharaja, và cao nguyên trung tâm Sri Lanka.

Dấu vết của người Ấn, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh vẫn được lưu giữ tại đây, làm nên sự pha trộn đặc sắc của kiến trúc thuộc địa và những đền đài, thành phố xưa cũ. Thiên nhiên xanh tươi với rừng vàng biển bạc cũng là món quà tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng Sri Lanka. Nhà du hành vĩ đại Marco Polo đã ghi lại sau những cuộc hải trình lênh đênh của mình rằng, Sri Lanka là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới.

Nhưng tất cả những điều mỹ miều đó không phải là cái đích cuối cùng của chuyến đi bụi bặm này. Ngay khi đứng bần thần trước vẻ đẹp của những ngôi nhà nhỏ, màu trắng và giản đơn trong khu vực pháo đài cổ của Galle, hay khi cởi giày nhón chân trần trên đất nóng lang thang trong đền đài lăng tẩm và nghiêng mình trước chiều dài lịch sử của những di sản thế giới, tôi vẫn muốn đi tìm cho mình một hình ảnh khác: hoang sơ và dân dã hơn - như vẻ đẹp trong đôi mắt thâm sâu của những người bản xứ. 

Từ những chiếc cột sắt sót lại

Còn nhớ trận động đất và sóng thần năm 2004 tại Ấn Độ Dương đã làm tổn hại nặng nề vùng duyên hải Sri Lanka khiến hơn 35.000 người chết, hơn 21.000 người bị thương và hơn 500.000 cư dân phải di tản. Thành phố Galle xinh đẹp nằm ở miền nam phút chốc trở thành một mớ hỗn độn và lềnh bềnh. Ông Fazal Jiffry Badurdeen - chủ quán Royal Dutch Cafe trong khu vực phố cổ Galle- đưa cho tôi cuốn album ông chụp quang cảnh tiêu điều, mất mát của Galle sau thảm họa, ngay khi vừa hỏi thăm tôi từ đâu tới. Fazal hồi tưởng: “Đó là một ngày tồi tệ và không thể quên được trong cuộc đời tôi. Galle suy sụp. Nhưng bạn phải biết rằng, phố cổ - nơi chúng ta đang đứng đây, mọi thứ trong khuôn viên pháo đài này, đều được an toàn”.

500 gia đình ngư dân làm nghề câu cá trên cột cách trung tâm thành phố Galle khoảng 20 km đã không may mắn được như thế. Không có tài liệu chính thức cho biết câu cá trên cột có từ khi nào tại Sri Lanka. Nhưng theo lời kể của các lão ngư địa phương, thì phương thức này bắt đầu xuất hiện sau Thế chiến 2 do một số ngư dân muốn thay đổi cách làm cũ, số khác không đủ tiền mua thuyền. Ban đầu, họ ngồi trên các tảng đá nhô trên biển. Nhưng do “đất chật người đông”, không đủ đá cho cả làng cùng câu, vài người nảy ra ý tưởng dùng những chiếc cột sắt còn sót lại sau chiến tranh, cắm xuống biển. Nhưng rồi đến cột sắt cũng không đủ mà làm, ngư dân Galle mới phát hiện rằng cọc gỗ đủ mạnh để trở thành điểm tựa cho họ duy trì truyền thống câu cá trên cột.

Đó là những cọc gỗ dài khoảng 3-4 mét, được cắm xuống đáy biển với mực sâu khoảng nửa mét. Ngư dân ngồi trên một thanh ngang ở độ cao 2 mét, một tay ôm cột, một tay cầm cần. Cá câu được sẽ bỏ vào bao cột quanh hông hoặc treo trên cọc. Trước đây, người ta chỉ dùng lá dừa làm bao đựng cá. Ngày nay, để tiện lợi và nhanh chóng, lá dừa được thay bằng bao sợi tổng hợp. 

Thử thách lòng kiên nhẫn

Những người ôm cột câu cá 2
Ngư dân đang giúp du khách câu cá trên cột tại bãi biển cách trung tâm thành phố Galle 20 km - Ảnh: Phương An

Đến Galle ngắm những người đàn ông vạm vỡ, da đen bóng, mặc xà rông, đầu quấn vải, ngồi câu cá trên cột, thường mang chung một câu hỏi: “Sao không dùng lưới bắt cá?”. Câu trả lời của người Galle có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên: Dùng lưới tạo ra xung động lớn sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của cá, dần dần chúng bỏ sang vùng nước khác. Trong khi đó, câu cá trên cột hạn chế được rất lớn sự tác động này. Thế nên ngư dân ở đây vẫn kiên nhẫn với những cây cọc gỗ, chiếc cần, ngày ít nhất hai lần, mỗi lần vài giờ đồng hồ, thường vào các buổi: bình minh, ban trưa hoặc hoàng hôn.

Tuy nhiên, trận sóng thần 2004 đã cuốn phăng nhiều thứ, trong đó có nghề trồng cọc câu cá của ngư dân ngoại ô thành phố Galle. Người lái tuk tuk chở tôi đi tìm hình ảnh mang đậm tính biểu tượng của Sri Lanka đã nói như thế. Những bãi cọc không người trong buổi hoàng hôn ráng đỏ. Bức tranh đẹp thiếu mất những điểm nhấn sinh động nhất. Vài đồng xu lẻ bán được từ những con cá nhỏ chỉ cỡ 5 cm thật khó để giữ gìn và duy trì một thói quen lâu đời. Trong cơn khó khăn, những tác động khách quan càng dễ có cơ hội chen chân.

Khi được kéo tay ra biển để thử làm ngư dân trong vài phút đồng hồ, rồi sau đó rơi vào cuộc tranh luận về số tiền tip khá lớn được đề nghị thẳng thừng, và nhận ánh nhìn thất vọng của những người ôm cọc câu cá thật sự, tôi hiểu cái nghề truyền thống này đang đứng trước thử thách lớn thế nào. Dẫu sao, trong một buổi chiều nhẹ ở thành Galle, sau chặng đường hơn 20 cây số trên tuk tuk, tôi cũng đã tìm được một bãi cọc có người, với biển rất xanh, cát rất vàng, những rạn san hô nhấp nhô và những chú cá lượn vòng. Và những con người bán mặt cho biển đang bị thử thách cả lòng kiên nhẫn của chính mình!  

Hơn 3 lần trên những chuyến tuk tuk ở Sri Lanka, tôi nhìn thấy hình Tổng thống Mahinda Rajapaksa được dán hoặc treo trong xe. Namal - một thanh niên 28 tuổi chạy tuk tuk mà tôi gặp ở Nuwara Eliya, cao nguyên miền trung Sri Lanka - nói với vẻ tự hào: “Ông ấy là thần tượng của chúng tôi”.

Mahinda Rajapaksa là Tổng thống Sri Lanka từ năm 2005 đến nay. Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2005-2009), Mahinda Rajapaksa với những biện pháp cứng rắn của mình đã giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1983 giữa quân đội chính phủ và lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil. Trong vòng 26 năm đẫm máu và khốn khó ấy, nhiều vùng ở Sri Lanka trở thành chấm đen trên bản đồ du lịch. Tháng 5.2009, nội chiến kết thúc. Tháng 1.2010, Mahinda Rajapaksa tái đắc cử. Và đến tháng 8 cùng năm, lệnh hạn chế du lịch được bãi bỏ trên toàn quốc. Điều này cho phép du khách dễ dàng trở lại với xứ đảo Tích Lan lần đầu tiên kể từ những năm 1990 khói lửa.

Chỉ mất chưa tới 15 phút để hoàn tất thủ tục xin visa vào Sri Lanka qua mạng. Mọi thứ đều đơn giản và nhanh chóng đến bất ngờ. Hình thức này được áp dụng kể từ ngày 1.1.2012, phí visa theo đó cũng được giảm đáng kể, 20 USD đối với các nước không nằm trong vùng Nam Á.

Nguyễn Vũ Phương An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.