Với họ, đối diện và khống chế thành công con vi rút gây kinh hoàng cho cả thế giới này là hồi ức khó quên. Những ngày này, Corona - vi rút được coi có “mối quan hệ” với chủng vi rút SARS 17 năm trước đang hoành hành tại Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, người từng trực tiếp lao vào “cuộc chiến SARS” tại Việt Nam từ 13.3.2003 tiếp tục phải tham gia các chương trình phòng chống vi rút Corona bây giờ. Chị Phạm Thị Ngọc Dung, y tá trưởng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cũng là người trải qua hai mùa dịch.
Ám ảnh, kinh hoàng vì dịch SARS
Tại VN, dịch SARS bắt đầu bùng phát từ cuối tháng 2.2003 và được khống chế, chấm dứt hoàn toàn vào ngày 18.4.2003. Ngày 28.3.2003, Bộ Y tế đã ra quyết định đóng cửa hoàn toàn Bệnh viện Việt Pháp để khử khuẩn vì có 44 y, bác sĩ nhiễm bệnh, trong đó có 6 trường hợp đã tử vong. 10 bệnh nhân còn lại được chuyển sang Viện Y học lâm sàng bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp.
Nói về dịch bệnh Corona, bác sĩ Hồng Hà khuyến cáo dịch bệnh như SARS hay Corona hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, cộng đồng phải có chung ý thức phòng bệnh. Khi có triệu chứng sốt cao, người nhức mỏi phải lập tức đến các cơ sở y tế để khám, chữa bệnh và nói rõ biểu hiện của mình để y, bác sĩ có phương pháp can thiệp, điều trị tốt nhất và tránh dịch bệnh lây lan. Tính cảnh giác của tất cả các cơ sở y tế, các y, bác sĩ đều phải đề cao. Nếu có trường hợp sốt cao nhập viện, phải có biện pháp bảo hộ và chẩn đoán, khám chữa bệnh thận trọng.
|
|
Còn chị Phạm Thị Ngọc Dung bồi hồi nhớ lại: “Đồng nghiệp của tôi tham gia phòng chống SARS ngày ấy đều mang trong đầu tâm lý lo lắng, hoang mang, sợ hãi và một chút ngại ngần. Nhưng trên khuôn mặt họ không thể hiện điều đó. Tất cả như đã chuẩn bị sẵn sàng ra trận thôi. Vậy mà, đã có bạn đồng nghiệp của chúng tôi bị lây nhiễm SARS, có những đồng nghiệp đã ra đi mãi mãi”.
|
Vượt qua những điều không tưởng
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư lúc đó còn nhiều thiếu thốn, máy thở cũng thiếu. Sau này, chính phủ Nhật Bản hỗ trợ cấp tốc hai máy thở để sử dụng. Tuy nhiên, các y, bác sĩ phải “sáng chế” những thiết bị hỗ trợ thở độc nhất vô nhị. “Chúng tôi tìm dụng cụ tự chế để cố định mặt nạ bằng cao su từ săm xe đạp, đục lỗ, móc rồi chụp vào đầu khẩu trang N95, dùng cho bệnh nhân thở máy không xâm nhập nhằm duy trì lượng ô xy hóa trong máu bệnh nhân để không nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Hà kể.
Về phía nhân viên y tế, họ còn thiếu cả dụng cụ phòng hộ cơ bản nhất, đó là khẩu trang đảm bảo tiêu chuẩn. Chị Phạm Thị Ngọc Dung thổ lộ: “Chúng tôi phải sử dụng cùng lúc hai khẩu trang y tế thông thường, hoặc khẩu trang vải để phần nào ngăn ngừa sự lây nhiễm. Nhiều dụng cụ phòng hộ khác như áo choàng ngoài để tiếp xúc với người bệnh tránh lây nhiễm khi họ ho, hắt hơi bắn vào người... chúng tôi phải lấy áo choàng phát cho người nhà người bệnh thay thế áo phòng hộ. Sau một thời gian mới được Tổ chức Y tế thế giới và một số tổ chức khác viện trợ các trang thiết bị phòng hộ cá nhân, dung dịch sát khuẩn tay nhanh...”.
Họ đã chiến thắng vi rút SARS như thế nào ?
Bắt đầu từ việc tìm hiểu, suy luận và áp dụng biện pháp lưu thông không khí. Bác sĩ Hà nhớ lại: “Khi sang Bệnh viện Việt Pháp, nhìn thấy (phòng bệnh nhân - PV) bên đó đóng cửa làm không khí ít được lưu thông, nên khi tiếp nhận các bệnh nhân, chúng tôi quyết định mở cửa thông thoáng buồng bệnh để giảm mật độ vi rút ở trong môi trường bệnh viện, hạn chế sự lây nhiễm. Sau hai tuần theo dõi không có nhân viên nào bị mắc bệnh, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Có lẽ biện pháp này có hiệu quả. Vì thế, tất cả các nhân viên y tế, những người vào khu vực bệnh viện không một ai bị lây nhiễm, góp phần khống chế dịch SARS”.
Bước tiếp theo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư là tất cả các bệnh nhân được cách ly, theo dõi, chăm sóc điều trị. Những bệnh nhân đã thuyên giảm không còn suy hô hấp được chuyển lên khu cách ly. Các bệnh nhân diễn biến nặng nằm tại phòng hồi sức cấp cứu để được theo dõi sát, điều trị hỗ trợ tích cực như: thở ô xy, hỗ trợ hô hấp bằng thở máy không xâm nhập, điều trị kháng sinh chống bội nhiễm, sử dụng Corticoid cho những trường hợp mắc Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển người lớn (ARDS) để cải thiện ô xy hóa máu và chống xơ phổi, điều trị các bệnh nền, nâng cao thể trạng, chăm sóc dinh dưỡng.
|
“SARS là bệnh truyền nhiễm nên có giai đoạn bệnh nguy kịch. Mình phải duy trì được lượng ô xy hóa trong máu bệnh nhân. Người nhẹ thì duy trì khoảng 3 - 4 ngày, người nặng thì khoảng hơn một tuần. Khi người bệnh vượt qua được giai đoạn nguy kịch này thì cơ thể sẽ tự hồi phục, khỏi dần. Mấu chốt là phải duy trì được ô xy trong cơ thể người bệnh để diễn biến suy hô hấp không nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Bình luận (0)