Những người thầy lặng lẽ nơi trường cai nghiện ngày 20.11

20/11/2014 14:15 GMT+7

(TNO) Cũng là một ngôi trường, cũng có những người thầy đứng trên bục giảng, cũng có những học viên ngồi dưới chăm chú nghe giảng. Nhưng, ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 ở trung tâm Nhị Xuân không ồn ào náo nhiệt, không rợp cờ hoa.

 
Các học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm Nhị Xuân chuẩn bị tờ báo tường để tặng giáo viên tại đây nhân ngày 20.11

Sáng nay 20.11, khắp nơi tưng bừng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Suốt đoạn đường từ trung tâm thành phố về xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, ngang những ngôi trường đâu đâu cũng tràn ngập cờ, hoa. Các thầy cô trông đẹp hơn, cười tươi được nhiều học sinh kính tặng những gói quà, lẵng hoa thân yêu.

Thế nhưng, tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề - giải quyết việc làm Nhị Xuân (xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, do Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM quản lý nơi giúp đỡ các học viên lầm lạc thoát khỏi ma túy) vẫn như những ngày thường. Các học viên cai nghiện ma túy vẫn sinh hoạt theo lịch hằng ngày. Các thầy áo xanh vẫn đứng trên bục giảng. 

Khi được hỏi về ngày 20.11, các học viên đủ mọi lứa tuổi, thành phần cho biết, mỗi người góp chút sức, biểu lộ hết tình cảm với các thầy thông qua tờ báo tường nho nhỏ bằng chính các sáng tác của mình.



 
Báo tường của các học viên cai nghiện

Học viên Phan Ngọc H. (34 tuổi), tốt nghiệp Đại học mở, đã ở Trung tâm 17 tháng cho biết ngày 20.11 khiến anh thêm nhiều cảm xúc và thấy rất hối hận với những gì mình đã trải qua. H. chia sẻ là rất nhớ những thầy cô từng dạy mình hồi cấp 2, cấp 3. Theo H., lúc trước cứ ngày 20.11, H. cùng các bạn tập trung tại nhà của một cô giáo dạy cấp 3 để nấu ăn và chơi tại nhà cô cả ngày hôm đó. H cũng rất nhớ người thầy đã dạy H năm lớp 6 và luôn dìu dắt những năm học cấp 2.
 
Học viên Phan Ngọc H. đang xem lại bài cảm nhận của mình trên tờ báo tường tặng các giáo viên tại Trung tâm Nhị Xuân

Mỗi học viên có một hoàn cảnh, quê quán khác nhau... nhưng khi bộc lộ cảm xúc về những giáo viên tại trung tâm, họ đều có những điểm chung là tình cảm sâu sắc với những người thầy nơi này. Có những người thầy lớn tuổi được học viên gọi bằng "bố" một cách trìu mến. Sau gần 2 năm học tập, sinh hoạt họ đã coi đây như mái nhà của mình, những người thầy ở đây như người thân trong gia đình.

Thầy Vũ Hữu Nhân, đang dạy các học viên trình độ bậc tiểu học. Thầy Nhân cho biết, học viên cai nghiện ma túy phần lớn trình độ văn hóa rất thấp, khi sử dụng ma túy thì trí nhớ giảm và khả năng tiếp thu chậm. Không những thế, các bạn đã quen sống tự do, thích gì làm đó không theo khuôn khổ. Khi vào trung tâm rất khó khăn bước đầu để hòa nhập. Với các học viên lớn tuổi thì rất ngại học, tiếp thu chậm nên thường phải kéo dài thời gian so với quy định của giáo trình tiểu học. Thầy Nhân cho biết thêm, so với các giáo viên ở các trường THCS thì các giáo viên ở đây phải kiên nhẫn, chuyên tâm hơn rất nhiều lần.

Thầy Phạm Văn Rising chia sẻ, nhiều học viên không được gia đình thăm nuôi cũng trở nên chán nản, nhiều học viên lúc đầu không chịu học, chỉ dự cho hợp quy chế nhưng khi cố gắng uốn nắn thì đã chấp nhận học nghề. Sau khi ráp được động cơ, cho động cơ nổ thì sung sướng vô cùng. Sau khi về nhà, nhiều học viên cũng đã vận dụng những kiến thức đã học được để hành nghề kiếm sống...

Trung tâm có những chuyên đề để trang bị cho học viên trong quá trình cai nghiện, giúp họ những kỹ năng sống sau khi hòa nhập với xã hội. Thầy Tống Văn Hùng, một trong những giáo viên chuyên dạy chuyên đề cho học viên chia sẻ, vì các học viên thuộc nhiều thành phần khác nhau, khả năng tiếp thu cũng khác nhau. Nhưng sau những lớp chuyên đề thì đều bộc lộ những thay đổi trong sinh hoạt, trong cách nghĩ.

 
Các học viên được các thầy áo xanh dạy văn hóa, từ những lớp xóa mù chữ đến bậc THPT


Các học viên đủ mọi lứa tuổi chăm chú lắng nghe thầy Vũ Hữu Nhân giảng môn toán bậc tiểu học


Các học viên chuẩn bị được hoàn gia được trang bị kiến thức về dự phòng tái nghiện


Thầy Tống Văn Hùng trong một buổi nói chuyện với học viên về chuyên đề dự phòng tái nghiện

Các học viên trong giờ dạy nghề sửa xe gắn máy sáng 20.11

Nhiều học viên đầu đã 2 màu tóc nhưng vẫn cố gắng học nghề để sau này hòa nhập với xã hội

Thầy Phạm Văn Rising đang dạy các học viên nguyên lý hoạt động của động cơ đốt trong
  

Các học viên được phổ cập kiến thức tin học tại trung tâm


Thầy Nguyễn Hoàng Phúc đang hướng dẫn học viên thực hành đánh văn bản


Chăm chú trình bày bài thực hành tin học văn phòng


Các học viên trong giờ học kỹ năng sống


Thầy Phan Thanh Bình được các học viên hát chúc mừng ngày 20.11 


Học viên Nguyễn Văn Đ. (Bình Định) thực hành kỹ năng truyền đạt trước các học viên cùng lớp, Đ. chia sẻ qua những lớp kỹ năng thì tích lũy được nhiều bài học. Học được đức tính giản dị, kiên trì, quý trọng sức lao động, quý trọng thời gian


Khi nhắc về ngày 20.11, thầy Hùng nhớ mãi ngày 20.11.2001. Tối hôm đó các học viên mời thầy đến phòng của họ, căn phòng tối đen không một ánh đèn, tĩnh mịch. Bất ngờ một cây pháo bông nhỏ được đốt lên và các học viên đồng thanh hát bài Ơn Thầy. Sau bài hát các học viên nói lời ghi ơn và tặng thầy một cành bông được hái ở trong viên. Kỷ niệm này khiến thầy Hùng nhớ mãi khi mỗi khi đến ngày 20.11.

 
 
Bài, ảnh: Độc Lập

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.