Những người thầy tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời trò

20/11/2017 18:45 GMT+7

Trong cuộc đời của mỗi người, ngoài bố mẹ, thì người thầy có sức ảnh hưởng vô cùng lớn tới nhân cách, tri thức suốt những năm tháng về sau.

Cậu học trò chăm chỉ trở thành nhà khoa học
Tiến sĩ Trần Quang Huy (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) xúc động kể lại một trong những người thầy đã tạo ra bước ngoặt cuộc đời mình là PGS-TS Vũ Anh Phi. Vào năm 2000, khi ấy PGS-TS Vũ Anh Phi đang là Trưởng bộ môn vật lý vô tuyến, Khoa Vật lý của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội. Theo tiến sĩ Huy, thầy Vũ Anh Phi không những có kiến thức uyên bác mà còn có khả năng nhìn người và chuyên môn kỹ thuật rất giỏi nữa.

Tiến sĩ Trần Quang Huy kể lại: “Ngày ấy, trông thầy rất nghiêm khắc, nên bọn mình rất ngại khi tiếp xúc và nói chuyện. Thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho mình. Chỉ khi nào bí quá mới dám đến để nhờ thầy giảng giải rồi lại lặng lẽ quay về làm thí nghiệm. Sau gần 6 tháng ra trường, mình quay lại thăm thầy, chính cuộc gặp ngày hôm ấy với sự tin tưởng của thầy đã làm thay đổi cuộc đời mình từ đó tới giờ.

Thầy Vũ Anh Phi nói: "A, Huy đây rồi, thầy đợi em mãi”. Thoáng giật mình, bởi vì không nghĩ rằng thầy nhớ tên mình mà còn đợi mình nữa. Vì ngày ấy, thầy hướng dẫn rất nhiều sinh viên, trong đó có nhiều sinh viên xuất sắc và có thành tích học tập nổi bật”.

tin liên quan

Làm thầy thì… khó!
Từ thời cổ đại, Khổng Tử từng cho rằng: 'Làm người thì khó'. Theo đó, có thể suy luận rằng: Làm thầy thì càng khó hơn, vì thầy là người dạy trò làm người, nên người. Khó có thể nói hết cái khó của việc làm thầy hiện nay.

Thầy tiếp tục: “Có một vị trí, họ muốn thầy giới thiệu người đến làm, em là người đầu tiên thầy nghĩ đến và thấy em phù hợp nhất với vị trí này. Thầy chưa nói với ai cả mà chỉ mong em đến để thầy giới thiệu".

Sau khi hỏi về vị trí làm việc, mình có hỏi thầy "Vì sao thầy lại chọn em để giới thiệu ?" Thầy bảo: "Thầy đã quan sát em trong suốt quá trình làm khóa luận, ngày mưa cũng như nắng, em rất chăm chỉ đến phòng để thí nghiệm và đo đạc. Công việc này thực sự thích hợp cho những người như em".

Thú thực rằng, lúc ấy mình cứ cố làm để cho có kết quả báo cáo thôi, chứ cũng không biết rằng dù ít giao tiếp nhưng thầy vẫn luôn dõi theo từng hành động của học trò. Mình đã đồng ý đến phỏng vấn và đã được nhận vào làm. Công việc ấy gắn với mình từ ngày ra trường cho tới bây giờ”.

Đến nay, tiến sĩ Trần Quang Huy đã có 50 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, hơn 25 công trình trên tạp chí khoa học trong nước, là đồng chủ biên cuốn sách chuyên khảo Atlas vi rút gây bệnh cho người, tham gia biên soạn một số sách chuyên khảo trong nước và quốc tế... Hướng nghiên cứu mà tiến sĩ Huy đang theo đuổi hiện nay là công nghệ nano trong chẩn đoán, tiêu diệt mầm bệnh và xử lý môi trường. Anh cũng vừa được bầu là thành viên của Viện Hàn lâm khoa học trẻ toàn cầu.

tin liên quan

'Cô ơi, con đã biết pha nước chanh'
Ngồi cùng các bạn lau chén, đũa, Trần Đăng Minh Sơn, lớp 6 Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) đã reo lên: 'A, đây là đũa cô ơi'.

Cái tát nghiêm khắc giúp trò trưởng thành

Đối với tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, đến nay dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn không thể quên được người thầy nghiêm khắc đã giúp mình trưởng thành.

Tiến sĩ Vinh kể: “Mấy chục năm rồi con chưa bao giờ quên được cái lỗi của mình và cái tát của thầy khi con còn học lớp hai ở trường tiểu học thị xã Thái Bình. Ngày ấy, lớp học luôn có cái bồ đựng rác để góc lớp. Học sinh làm trực nhật quét lớp và bỏ rác vào đó. Giờ ra chơi con là kẻ đầu têu cùng 2 bạn khác lấy cái bồ rác ra làm bóng đá tung toé rác ra lớp. Khi hết giờ ra chơi thầy hỏi trò nào làm việc ấy. Các bạn thưa con là “thủ phạm”. Thầy liền bắt lên đứng trước lớp khoanh tay và tát một cái rất đau. Hẳn lúc đó thầy giận lắm... Sau đó con còn bị thầy phạt đứng úp mặt vào tường đến khi tan trường”.

tin liên quan

'Người thầy lớn nhất đời tôi là ba'
Ba tôi đã đi xa, ông chưa từng được nhận từ tôi một bông hoa, tấm thiệp nào, nhưng tự sâu thẳm trong tim mình, ông là người thầy lớn nhất đời tôi.

Nhưng cái tát ấy, theo tiến sĩ Vinh, là cần thiết. “Nếu không có cái tát ấy, không có sự giáo dục nghiêm khắc của thầy rất có thể tôi không được như ngày hôm nay. Mặc dù ngày hôm nay tôi luôn phản đối sự hà khắc và nghiêm khắc thái quá của một số thầy cô giáo, nhưng bài học của thầy tôi không bao giờ quên vì nó giúp tôi trưởng thành”.

Đối với tiến sĩ Võ Nguyên Sơn, giảng viên Trường ĐH Duy Tân, một trong 2 người vừa nhận được giải thưởng Newton danh giá cách đây vài hôm, hình ảnh người thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp miệt mài làm việc với trò từ 8 giờ sáng tới 9 giờ đêm luôn khiến anh nhớ mãi.

Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn ẢNH: S.V
“Còn nhớ, tôi và một người bạn cứ sáng sáng là chực trước cửa phòng thí nghiệm bộ môn Viễn thông (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) để vào sớm. Lúc đề tài gặp khó khăn, thầy Phạm Anh Tuấn cùng chúng tôi làm việc từ sáng tới đêm. Khi đề tài vào giai đoạn kết thúc, cần phải kết nối vào mạng thực tế của bộ môn để chạy, thầy đã lật nền gạch lên để luồn cáp mạng, kết quả là bị thầy trưởng bộ môn khiển trách rất nặng. Chỉ vì hết lòng với trò mà thầy bị như vậy, nhìn thầy buồn mà bọn tôi thấy thương thầy quá”.

Theo tiến sĩ Sơn, hình ảnh người thầy luôn hết mình vì học trò, không quản ngại khó khăn hay những thiệt thòi trong cuộc sống để truyền đạt kiến thức, đã giúp Sơn có được cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về nghề dạy học. “Đức tính và tấm lòng ấy của thầy Phạm Anh Tuấn có ảnh hưởng rất nhiều tới tính cách của mình, giúp mình trở thành một con người như ngày hôm nay”, tiến sĩ Sơn xúc động.

Những giáo viên quyết liệt đổi mới - ảnh 6
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.