Những người trẻ đi ngược thời gian

02/10/2018 08:21 GMT+7

Trong dòng chảy cuồn cuộn của thời đại công nghệ, thì những học sinh của Dự án Chuông Gió lại đi ngược thời gian, tìm về những bản sắc văn hóa Việt xưa để kết nối chúng với xã hội hiện đại.

Dự án Chuông Gió được một nhóm học sinh (HS) Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam thành lập từ năm 2016 và hiện được điều hành bởi HS từ khắp các trường THPT trên địa bàn TP.Hà Nội.
Chia sẻ về việc thành lập dự án, Lê Nguyễn Trà My, HS lớp 12 Trường chuyên Hà Nội Amsterdam, Trưởng ban tổ chức dự án, cho biết: “Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và những trào lưu, văn hóa của nước ngoài du nhập vào VN đã phần nào khiến những vẻ đẹp truyền thống, những nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc dần bị mai một, dần bị lãng quên. Chúng tôi, những người trẻ, mang trong mình hoài bão lớn lao là kết nối văn hóa Việt xưa và nay, bằng việc tạo nên các hoạt động văn hóa dân gian, để làm sống dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống đang dần bị mai một”.

Dự án đã chọn phố đi bộ Hà Nội và các trường học để tổ chức các hoạt động văn hóa, nhằm hướng đến tất cả mọi người, đặc biệt là những du khách nước ngoài và các HS tiểu học muốn tìm hiểu về văn hóa VN…
Đặc biệt, dự án hướng đến trẻ em để nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống, nên nhiều hoạt động được tổ chức ở các trường tiểu học tại Hà Nội. Hoạt động “Ngày xửa ngày xưa” được tổ chức tại Trường tiểu học An Hưng (Q.Hà Đông) đã mang đến cho các HS những trải nghiệm thú vị qua các trò chơi dân gian; về thăm làng gốm Bát Tràng; dạy các em cách làm đèn hoa đăng, làm mặt nạ, viết thư pháp… Hoạt động này đã giúp các em thêm yêu và trân trọng nét đẹp văn hóa của cha ông.
Hầu hết những HS tham gia dự án đều có thành tích học tập và rèn luyện cao ở các trường THPT…
Chia sẻ về việc tham gia dự án, Phùng Ngọc Uyên, HS Trường THPT Chu Văn An, cho biết: “Mặc dù sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội nhưng mình chưa bao giờ biết đến những nét đẹp văn hóa từ việc làm tranh Đông Hồ hay viết thư pháp… cho đến khi tham gia Dự án Chuông Gió. Dự án đã không chỉ giúp mình và các bạn trẻ tăng cường kiến thức về văn hóa, mà hơn hết còn giúp mình có được sự tự tin, tìm kiếm những kỹ năng mà bản thân chưa bao giờ khai thác hết”.
Uyên cũng cho biết, khi tham gia hoạt động của dự án, Uyên có trách nhiệm xã hội hơn và có thể thấy được một hình ảnh văn hóa khác biệt thế nào, so với việc chỉ tiếp cận qua các phương diện truyền thông. Từ đó càng thôi thúc Uyên muốn gìn giữ và lan tỏa những nét đẹp văn hóa truyền thống tới những người xung quanh.
Trưởng ban tổ chức dự án Lê Nguyễn Trà My cũng cho biết: “Dự án mong muốn sẽ là một “chuyến tàu” kết nối những giá trị truyền thống với xã hội hiện đại để tôn vinh nét đẹp của đất nước và con người VN”.
Trà My bày tỏ, trong cả hiện tại và tương lai, đội ngũ Dự án Chuông gió luôn cố gắng thay đổi hết mình để đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống trở nên gần gũi, trở thành một phần cuộc sống của người dân VN, đồng thời đem lại ấn tượng đẹp với du khách nước ngoài khi đến VN.
Dự án đã tổ chức thành công 8 sự kiện văn hóa gây ấn tượng. Trong đó, sự kiện "Một Nét Việt" tổ chức trên phố đi bộ Hà Nội vào tháng 7.2017 giúp mọi người được trải nghiệm văn hóa miễn phí thông qua các hoạt động: làm gốm, làm chuồn chuồn tre, vẽ mặt nạ giấy bồi… Hoạt động này đã thu hút khoảng 400 người tham gia. Sự kiện “Xưa” tổ chức tháng 6, trên phố đi bộ Hà Nội với các hoạt động: làm đèn hoa đăng, làm chuồn chuồn tre và viết chữ thư pháp (được các nghệ nhân hướng dẫn), cũng thu hút đông người tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.