Những người trẻ 'không biết phải làm sao' khi lâm vào cảnh này...

14/10/2021 14:45 GMT+7

Dù tình hình dịch Covid-19 đang chuyển biến tích cực, thế nhưng việc lưu thông đi lại giữa các tỉnh, thành còn khó khăn. Điều này khiến nhiều người trẻ lâm vào cảnh "không biết phải làm thế nào"...

Nhiều người trẻ mong chờ các xe chạy liên tỉnh nhanh chóng hoạt động trở lại một cách bình thường và thông suốt

lê thanh

Lực bất tòng tâm

Hai chị em Lê Phương Uyên và Lê Phương Thảo (ở H.Phú Tân, Cà Mau) đã rơi vào cảnh thất nghiệp khi dịch Covid-19 bùng phát ở TP.HCM và trở về quê kể từ tháng 6.

Đến nay, công ty thủy hải sản hoạt động lại và hai chị em mong được quay lại TP.HCM để làm việc nhưng bế tắc. "Xe khách chưa được chạy. Từ Cà Mau lên TP.HCM rất xa nên chúng tôi không thể di chuyển bằng xe máy. Chưa kể việc phải đáp ứng nhiều yêu cầu mới đi qua được cửa ngõ ở các tỉnh. Do đó, chúng tôi chẳng biết phải làm sao", Uyên nói.

Còn Thảo nhớ lại: "Chúng tôi về quê với mấy bộ quần áo và đồ đạc, vật dụng... còn y nguyên ở phòng trọ. Nếu giờ ở quê luôn thì đồ đạc không biết phải như thế nào. Còn muốn trở lại TP.HCM thì cũng không được".

Không chỉ riêng Thảo và Uyên, còn có nhiều người trẻ cũng rơi vào cảnh tương tự. Họ mong muốn trở lại TP.HCM để làm việc nhưng lực bất tòng tâm trong khi vẫn phải trả tiền trọ (dù được giảm) mỗi tháng.

"Phòng trọ có 5 người, đều làm công nhân quê ở Bình Định, Bình Thuận, Kon Tum và Quảng Trị. Người nào cũng trở về quê kể từ tháng 6. Giờ đây, ai cũng mong có thể trở lại thành phố để làm việc nhưng chẳng thể, mà lý do chủ yếu là không có phương tiện di chuyển", Trần Thị Thanh Ngân (28 tuổi, quê ở Quảng Trị), chia sẻ.

Nhiều người thuê mặt bằng buôn bán ở TP.HCM nhưng thời gian qua về quê nhưng hiện tại vẫn chưa thể quay trở lại TP.HCM

Lê thanh

Những người thuê mặt bằng kinh doanh cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì chưa thể quay trở lại TP.HCM khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội từ đầu tháng 10.

Chẳng hạn, anh Lê Thành Tân, chủ cửa hiệu hớt tóc trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Q.Bình Tân, vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng 6 triệu/tháng (đã được giảm 2 triệu) dù tiệm đóng cửa.

"Tôi về quê ở Quảng Ngãi từ cuối tháng 6. Đến nay, TP.HCM cho phép tiệm hớt tóc mở cửa từ đầu tháng 10 nhưng tôi không biết làm sao để trở lại thành phố. Chán quá!", anh Thành Tân (34 tuổi) tâm sự.

Một số trường hợp không thể gồng gánh tiền thuê mặt bằng nên buộc phải tìm cách sang nhượng mặt bằng thuê, nhưng "lực bất tòng tâm". "Tôi có quán cà phê trên đường Lê Thiệt, Q.Tân Phú. Tôi rao sang mặt bằng cả hai tháng nay nhưng chẳng ai đoái hoài. Giờ mỗi tháng phải chịu tiền thuê gần chục triệu đồng. Quán với đồ đạc ở TP.HCM, còn tôi thì ở quê. Chẳng biết sao mà lần", anh Hồ Dũng (34 tuổi, quê ở Bạc Liêu), tâm sự.

Chủ nhà cũng... mếu

Trong khi đó, chủ nhà cũng rơi vào cảnh khốn đốn khi chứng kiến những người thuê trả phòng, bỏ về quê vì dịch Covid-19.

"Trước đây, dãy trọ của tôi có 17 phòng lúc nào cũng kín người thuê. Giờ đây, 8 phòng là trả hẳn và 9 phòng còn lại chỉ có đồ đạc, còn người thuê thì ở quê. Tôi cũng không thể tự ý mở cửa phòng trọ dọn đồ rồi đăng tin tìm người khác thuê. Tôi không biết phải làm sao", bà Phan Thị Thu Hương (48 tuổi, chủ dãy trọ trên đường số 5, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân), cho biết.

Phòng trọ cho thuê cả tháng nay nhưng vẫn chưa có người đến ở

LÊ THANH

Tương tự, ông Lê Hữu Danh (42 tuổi, chủ dãy trọ trên đường Hoàng Xuân Hoành, Q.Tân Phú), cho biết hiện tại chỉ có 2/14 phòng trọ của ông là có người ở. Còn 12 phòng trọ thì rơi vào cảnh "được thuê" nhưng người thuê về quê tránh dịch, bỏ lại tất cả đồ đạc trong phòng.

"Tôi có hỏi thì họ bảo chưa biết khi nào sẽ vào lại được. Tôi cũng không nỡ đơn phương chấm dứt hợp đồng vì lỡ họ vào được thì không biết ở đâu, rồi nếu dọn đồ đạc của họ thì cũng không biết phải để ở đâu", ông Danh chia sẻ. Do đó, nhiều người trẻ đang ở quê mong muốn sớm có thể trở lại TP.HCM để làm việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.