Đó là Nguyễn Minh Khoa và Nguyễn An Lương, sinh viên Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Vào thời điểm sinh viên, học sinh sắp kết thúc năm học, hai chàng trai này chợt nghĩ, tại sao không kinh doanh gì đó nhân dịp mùa chia tay? Và huy hiệu nhựa chính là sản phẩm họ nghĩ đến và lựa chọn. “Vì vật lưu niệm này không lạ lẫm gì với giới trẻ, đồng thời là một món quà ý nghĩa, tượng trưng cho sự gắn kết, đồng nhất của tập thể nên chúng tôi quyết định sản xuất mặt hàng này”, Lương kể.
Một số sản phẩm huy hiệu nhựa của Lương và Khoa - Ảnh: X.P |
Quyết tâm thực hiện, chỉ sau 2 ngày có ý tưởng họ đã bắt tay vào “làm ăn”. Hùn hạp lại số tiền tích cóp được trong những ngày đi làm thêm được hơn 20 triệu đồng để đi mua máy dập. Xưởng sản xuất được đặt ngay tại phòng ở của Lương. Sau đó tự mỗi người phát huy khả năng của bản thân: Khoa thiết kế trang web cho xưởng để mở văn phòng giao dịch tại địa chỉ: xuonghuyhieu.com; Lương thì khảo sát thị trường, tìm cách giới thiệu đến khách hàng. Và đặc biệt, liên tục tìm kiếm tài liệu để tham khảo và tự học về lĩnh vực sản xuất huy hiệu nhựa trên mạng.
|
“Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên những ngày đầu tiên, sản phẩm làm ra có tỷ lệ lỗi đến 50-60%”, Khoa nhớ lại. Nhưng chính những bài học thất bại ban đầu này đã khiến cả hai không những không từ bỏ ý định làm giàu mà còn quyết tâm và cố gắng hơn. Họ tìm kiếm những người cùng nghề để tiếp thu kinh nghiệm, những mẹo nhỏ để có thể tối ưu hóa tất cả các công đoạn của dây chuyền sản xuất huy hiệu nhựa, tạo ra sản phẩm hoàn hảo. Đến nay, Lương cho biết sản phẩm làm ra rất ít khi mắc lỗi, không có tình trạng sai màu, nhạt màu hay trầy xước. Ngoài ra, với mức giá bán thấp, phù hợp túi tiền học sinh sinh viên; trả lời đơn đặt hàng nhanh; giao hàng miễn phí trong thời gian sớm nhất… nên xưởng huy hiệu đã nhận được khá nhiều lời khen của khách hàng.
Sau ba tháng, họ đã có được những thành công bước đầu khi liên tục nhận được đơn đặt hàng từ các lớp học bậc THPT, ĐH, CĐ và sắp sửa lấy lại vốn ban đầu. Đặc biệt, cả hai đang “đua với thời gian” để hoàn thành đơn đặt hàng 10.000 sản phẩm từ một công ty. Chính vì thế trong thời gian này, họ phải làm việc liên tục với những công đoạn: in, cắt, dập, đóng bao cho huy hiệu nhựa.
Khoa cho biết, mùa chia tay của sinh viên học sinh chỉ là gợi ý cho ý tưởng kinh doanh này. Trong thời gian tới chắc chắn sẽ mở rộng đến các đối tượng khác như: các hội, nhóm trên cộng đồng mạng; câu lạc bộ tình nguyện, học thuật ở các trường ĐH, CĐ. “Và có thể sẽ sản xuất những huy hiệu nhựa để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam dành cho người nước ngoài”, Lương tiết lộ.
Được biết, trong thời gian tới cả hai sẽ mở rộng xưởng, qua đó có thể tạo việc làm thêm cho các sinh viên.
Xuân Phương
>> Có gan làm giàu
>> Làm giàu từ thất bại của cha
>> Bí thư xã đoàn làm giàu nhờ nuôi heo
>> Làm giàu từ vườn 3 tầng
>> Giúp thanh niên tự tạo việc làm, làm giàu tại quê hương
>> Đề xuất quỹ hỗ trợ thanh niên tự tạo việc làm
>> Tự tạo việc làm - tại sao không ? - Vốn vay không thiếu
>> Tự tạo việc làm - tại sao không? - Nơi gia sư không đóng tiền phí
>> Tự tạo việc làm - tại sao không? - Thoát nghèo từ trồng mai kiểng
>> Tự tạo việc làm - tại sao không ? - Gợi ý của chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế
>> Để khỏi thất nghiệp: Tự tạo việc làm
>> Tự tạo việc làm - tại sao không ?
Bình luận (0)