Nhiều người trẻ theo đuổi
Đỗ Văn Nhiệm (23 tuổi), ngụ 9/2A, hẻm 160 Huỳnh Thị Hai, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM, hiện đang là voice talent. Vốn học chuyên ngành về tiếng Nhật, nhưng nhận thấy bản thân có khả năng và đam mê với thu âm giọng nói nên Nhiệm chọn gắn bó lâu dài với voice talent. Chàng trai gen Z bắt đầu công việc này từ khi là sinh viên năm nhất.
Sau khi đầu tư một căn phòng có trang bị thiết bị thu âm đạt tiêu chuẩn ở nhà, Nhiệm đã tự học và tập nghe nhiều để bổ trợ cho giọng đọc của mình. Với Nhiệm, khi làm nghề phải đảm bảo 2 yếu tố là chất giọng tốt và cảm xúc bên trong bản thân. Mỗi người phải tự rèn luyện kỹ năng và hiểu được cảm xúc của mình vì mỗi thể loại sẽ đòi hỏi những cảm xúc khác nhau.
Bằng tài năng và sự kiên trì, Nhiệm đã tạo ra một công việc với thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống mà trước đó anh không nghĩ đến. Nhiệm cho biết, tùy nội dung, thương hiệu mà có mức giá cho giọng đọc khác nhau.
Ngoài được người quen giới thiệu, Nhiệm cũng tìm kiếm các công việc liên quan giọng đọc ở mạng xã hội. Anh chàng tiết lộ: "Theo kinh nghiệm khi tìm kiếm các công việc trên mạng xã hội, cần cẩn thận kiểm tra tài khoản, tránh bị lừa lấy giọng hoặc dụ dỗ vào các nhóm kiếm tiền ảo".
Tương tự, Đào Thanh Việt Phương (26 tuổi), ngụ 219/29 Đỗ Thị Lời, P.11, Q.3, TP.HCM đang là MC, BTV với 5 năm kinh nghiệm. Trong quá trình làm việc, Phương tình cờ biết đến công việc thu âm giọng nói và biến nó thành nghề tay trái. “Mình bắt đầu công việc này từ khi đọc bản tin cho chương trình Thị trường trong ngày trên kênh 87.7MHz của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM cách đây 1 năm rưỡi. Hiện tại thế mạnh của mình vẫn thiên về mảng tin tức”, Phương kể.
Chia sẻ về hành trình luyện tập, Phương cho hay: "Đây là một hành trình rất dài. Mình bắt đầu sửa phát âm trước và mỗi buổi sáng, mình dành 15 phút để khởi động toàn bộ cơ miệng, tập hơi bụng. Mình chọn thử thách bản thân bằng cách luyện đọc mỗi ngày một thể loại".
"Tùy vào dự án cộng tác nên có mức thu nhập khác nhau. Nếu chịu khó nỗ lực rèn luyện thì chi phí cho giọng nói sẽ tăng lên từng ngày. Ban đầu khi mới vào nghề, một sản phẩm thu âm mình có thể nhận được 300.000 - 500.000 đồng. Sau khi có nhiều kinh nghiệm hơn thì chi phí tăng lên tầm 1 triệu đồng/sản phẩm", Phương nói thêm.
Chia sẻ về niềm đam mê trở thành voice talent, Nguyễn Thị Minh Thư (22 tuổi), ngụ KP6, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức, TP.HCM, cho biết: "Năm nhất đại học, mình tham gia vào câu lạc bộ Phát thanh của ký túc xá, dần dần mình luyện tập các kỹ năng và yêu thích công việc này hơn. Đây là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập và quan trọng là thỏa niềm đam mê của mình. Công việc này còn cho mình các mối quan hệ và kiến thức mới".
Làm thế nào để trở thành một voice talent sáng giá?
Theo ông Huỳnh Sang, giám đốc SC media, chuyên gia radio, podcast, không dễ để trở thành một voice talent: “Không phải cứ rèn luyện là đạt được đẳng cấp voice talent. Trước hết phải có tố chất bẩm sinh, sau đó người làm nghề phải không ngừng nỗ lực học tập, tiếp thu, dung nạp những kỹ năng về nghề”.
Để trở thành một voice talent thực thụ, người làm nghề cần phải điều chỉnh chất giọng, phát âm thông qua các kỹ năng, kỹ thuật, bài tập về phát âm, rèn luyện làn hơi, cao độ, trường độ, ngắt nhịp, nhả chữ, ngữ điệu… và luyện tập ngay trong lúc giao tiếp.
“Người làm nghề cần phải kiên nhẫn dành khoảng thời gian nhất định nào đó trong ngày để tập, đừng nản. Phải nghe những giọng đọc voice talent trên các sản phẩm quảng cáo, nghe đài nhiều hơn để cảm nhận cái hay của người ta. Phải rèn luyện cách đọc các thuật ngữ, câu chữ nước ngoài… Có như vậy thì may ra kiếm tiền được khi theo nghề. Thực tế, có nhiều người xuất phát là giọng địa phương nhưng sau thời gian rèn luyện chăm chỉ, giọng đọc được cải thiện rất nhiều, thậm chí nghe ngày càng chuẩn”, ông Huỳnh Sang nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Sang cũng cho biết chất giọng của mỗi người phải xuất phát từ nội lực, tố chất, rèn luyện mà ra. Nghe hay, nghe dở cũng phải là giọng thật. Người làm nghề cần phải nghiêm túc luyện tập, tránh ỷ lại vào các thiết bị, phần mềm chuyên dụng để điều chỉnh chất giọng. "Với yêu cầu đòi hỏi chất lượng ghi âm cao, buộc chúng ta phải ghi, thu âm trong không gian phòng thu đạt chuẩn như các phòng thu chuyên nghiệp ở nhà đài, các studio làm nghề sản xuất sản phẩm truyền thông, lồng tiếng… Còn lại, ở cấp độ đọc dẫn thông thường, thậm chí đọc một bản tin trên đài, thu một chương trình ngắn thì chỉ cần những thiết bị như chiếc micro, điện thoại thông minh, máy tính có cài phần mềm biên tập âm thanh", vị này chia sẻ.
Ông Huỳnh Sang cũng chỉ rõ giọng đọc radio, bản tin, TVC sẽ rất khác nhau. Chất lượng giọng đọc radio, bản tin có rất nhiều cấp độ, nhưng giọng đọc TVC lại khác. Sản phẩm TVC cần được nâng cấp bước đầu bằng giọng nói để gây ấn tượng với khán, thính giả nên nhà sản xuất sàng lọc rất kỹ, chấp nhận trả tiền cao để tìm được giọng đọc tốt, hấp dẫn...
"Nghề voice talent hiện chưa có trường lớp đào tạo chính quy. Những người đang là voice talent vốn có tố chất nên tự học, tự rèn giũa là chính. Rồi từ kinh nghiệm của mình, họ truyền dạy lại cho lớp sau qua các khóa học ngắn hạn tự mở. Bản thân tôi nghĩ, bây giờ ở Việt Nam, nếu có một học viện đào tạo giọng nói, có lẽ sẽ tạo sức hút không nhỏ", ông Huỳnh Sang bày tỏ.
Bình luận (0)