Những người trẻ yêu biển

11/11/2018 07:29 GMT+7

Yêu biển, yêu môi trường, muốn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, những bạn trẻ của cộng đồng Save Our Seas Việt Nam (SOS VN, Bảo vệ biển VN) có nhiều hoạt động thiết thực, mong trả lại cho biển vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

Người sáng lập ra cộng đồng này là Nguyễn Đại Phúc, 25 tuổi, đang làm việc trong lĩnh vực du lịch. Trăn trở khi dẫn khách đi dặm dài đất nước, tới đâu cũng bắt gặp những bãi biển ngập ngụa trong rác thải, Phúc quyết định cùng những người bạn yêu biển tìm giải pháp thiết thực, phát huy hết khả năng của người trẻ.
Sợ hãi với túi ni lông trên bờ biển
Nguyễn Thị Tuyết Ngân, sinh viên ngành sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TP.HCM), vẫn rất nhớ câu chuyện thôi thúc cô gia nhập gia đình SOS VN hồi tháng 9 vừa qua: “Tôi có một tuần tham gia chương trình bảo vệ rùa biển ở Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận. Mỗi ngày thức giấc, công việc của chúng tôi là gom rác thải ở bờ biển, để đám rùa có thể đẻ trứng an toàn. Không có nhà máy xử lý rác thải, chúng tôi phải gom rác thành từng bãi lớn và đốt”.
Tuyết Ngân, Phương Thảo
Tuyết Ngân, Phương Thảo

Ngân yêu thích xê dịch, cô gái quê ở Đồng Nai đã di chuyển tới rất nhiều bãi biển, vườn quốc gia ở VN. Cô rút ra kết luận khá buồn: “Nơi nào càng có nhiều dấu chân khách du lịch, nơi đó càng nhiều rác”.

Mỗi ngày thức giấc, công việc của chúng tôi là gom rác thải ở bờ biển, để đám rùa có thể đẻ trứng an toàn. Không có nhà máy xử lý rác thải, chúng tôi phải gom rác thành từng bãi lớn và đốt
Nguyễn Thị Tuyết Ngân
Sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TP.HCM)

“Chúng tôi chạy eDNA (một dạng xét nghiệm trong phòng thí nghiệm) tại trường, kết quả cho thấy trong nước biển có cả mô của cá tra, cá lóc, những loài sống trong nước ngọt. Có một thực tế, nhiều du thuyền, nhà hàng nổi, resort sang trọng vẫn vô tư xả thải và ném rác thẳng xuống biển”, Ngân âu lo.
Phạm Thị Phương Thảo, sinh viên ngành dược, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đang đảm nhiệm vai trò đối ngoại tại SOS VN. Cô gái trẻ rong ruổi gần hết 63 tỉnh thành của VN bị ám ảnh về những bãi biển, hòn đảo mới năm nào còn hoang sơ, xinh đẹp, bây giờ quay trở lại đã chìm trong rác. Đó là động lực để cô tham gia SOS VN, mong muốn cùng các bạn trẻ khác có thể đổi thay thực tế.
“Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 3 năm trước không hề nhiều rác như bây giờ. Hay như biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) quê tôi, nhìn đâu cũng thấy túi ni lông, chai lọ. Nhiều hòn đảo không có nhà máy xử lý rác, họ đành phải gom rác từ đảo về đất liền, nhưng rồi xử lý không triệt để, rác lại trôi ra biển. Cứ thế thành một vòng luẩn quẩn”, Thảo chia sẻ.
Ước mơ về những ngôi nhà gạch sinh thái
Ra đời tháng 9.2018, đến nay SOS VN đã thu hút hàng trăm tình nguyện viên vào những hoạt động nhằm thay đổi nhận thức của con người về hành vi xả rác thải, đặc biệt hướng tới người dân, du khách ở những vùng biển. Các bạn trẻ tổ chức nói chuyện về bảo vệ biển, bán hàng từ vật liệu thân thiện với môi trường… Bên cạnh đó, cộng đồng gồm các học sinh, sinh viên ở TP.HCM cùng khảo sát, nói chuyện với người dân H.Cần Giờ về bảo vệ biển... Ngày 8 và 9.12 tới, chương trình “36 giờ giải cứu và món quà của biển” được cộng đồng này tổ chức tại bãi biển công viên Cần Thạnh, Cần Giờ.
Với Nguyễn Thị Tuyết Ngân, cô luôn trăn trở làm sao có thể biến rác thải, chai lọ, túi ni lông gom được thành những thứ hữu ích. Từ đó, ý tưởng xây dựng các công trình phục vụ cho cộng đồng tại chính những vùng biển bằng gạch sinh thái ra đời.
“Túi ni lông gom được sẽ làm khô, sau đó nén chặt vào các chai nhựa làm thành gạch sinh thái, có thể dùng xây nhà vệ sinh công cộng, nhà vui chơi cho trẻ em, thư viện... Đây là cách mà nhiều quốc gia đã làm thành công”, Ngân cho hay.
Theo kế hoạch, tháng 3.2019, SOS VN sẽ có 15 - 20 ngày tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hoặc đảo Tam Hải (Quảng Nam) cùng dọn rác, nói chuyện với người dân và du khách, cùng làm gạch sinh thái từ rác thải, sau đó cùng nhau xây lên những công trình đầu tiên... 
Ý kiến
Hy vọng mỗi tỉnh thành sẽ có những cộng đồng cùng bảo vệ vùng biển quê mình, giống như SOS VN. Quê tôi ở Nam Định, thật đáng buồn khi tới những bãi biển như Quất Lâm, nhìn rác thải sinh hoạt, túi bóng, chai nước, vỏ trái dừa trôi nổi ngập ngụa… Du khách sẽ rời xa biển của chúng tôi. Rác sẽ giết chết cá tôm, đồng thời những hạt vi nhựa sẽ nhiễm vào cá tôm, sò, ốc... Con người ăn chúng và dần nhiễm bệnh.
Phan Phương Linh
Cựu sinh viên Trường ĐH Văn hóa, Hà Nội
Nhiều vùng biển tươi đẹp của VN đang bị hủy hoại bởi rác thải, đặc biệt rác thải nhựa. Sẽ không bao giờ nhặt hết rác trôi dạt vào bờ biển nếu con người còn lạm dụng đồ nhựa và xả rác bừa bãi, không tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu. Chúng tôi hy vọng, những việc như gom rác trên bờ biển hay nói chuyện với người dân, du khách về rác thải… sẽ dần dần truyền cảm hứng cho nhiều người hơn, thay đổi trong họ ý thức, biết nghĩ đến lợi ích chung của cộng đồng, trước khi xả thải ra biển.
Bùi Thị Thủy
Sáng lập Tổ chức Green & Book Ambassadors

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.