(TN Xuân Nhâm Thìn) Họ đều là những người đã hoặc sắp bước vào độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng vẫn tận tụy với công việc cả đời đeo đuổi, truyền cho giới trẻ những kinh nghiệm quý báu và ngọn lửa đam mê.
Cận thị đại vương
Đó là biệt danh thuở nhỏ do một người thầy của GS-TS Trần Văn Khê đặt cho. Đến bây giờ, sau khoảng 80 năm, GS Khê vẫn thường nhắc lại câu chuyện này.
|
“Cái tình thiệt lớn”
Có mặt trong những buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần tại nhiều trường học, GS-TS Trần Văn Khê chia sẻ với đông đảo học sinh: “Hồi nhỏ, tôi có một người bạn học tên Phước to con, có võ Bình Định và hay ăn hiếp bạn bè. Một hôm, Phước đang đánh bạn thì tôi nhảy ra can. Phước nói: “Chuyện này không ăn thua đến cậu. Muốn ăn đòn không?”. Tôi nói: “Không biết ai ăn đòn ai?”. Phước thách: “Dám đánh nhau không? Vậy hôm sau hẹn ra đồng”. Đến hẹn, chúng tôi kéo nhau ra đồng và đánh nhau bất phân thắng bại suốt một tiếng đồng hồ. Thầy giáo chúng tôi biết chuyện, khuyên hai đứa hòa nhau. Thầy bảo: “Phước có nước da đen, thầy sẽ đặt cho tên Lọ chảo đại vương. Còn Khê cận thị, thầy đặt là Cận thị đại vương. Hai đứa bây đều có võ sao không hiệp sức để bênh vực những đứa yếu?”. Tôi thấy mình nhỏ hơn bạn 2 tuổi nên gọi Phước là “đại ca”. Còn anh Phước rất khoái, gọi tôi là tiểu đệ”.
Phải ghi nhớ ba chữ để tự sửa mình và ứng xử cho đời tốt đẹp hơn, đó là: tâm-đức-nhẫn
|
||
GS-TS Trần Văn Khê |
||
GS Khê nhìn nhận: “Ban đầu, chúng tôi xung đột nhau. Nhờ thầy tôi tôn trọng học trò, học trò kính thầy nên chúng tôi nghe lời thầy. Từ đó, chúng tôi trở thành đôi bạn thân”. Và ông nhắn nhủ: “Thầy cô cực nhọc, chịu khó soạn bài, giảng bài để trao cho mình kiến thức. Dù có chuyện gì không bằng lòng với thầy cô thì cũng phải biết tôn sư trọng đạo”.
“Cận thị đại vương” ngày nào nay đã ngoài 90 tuổi, di chuyển bằng xe lăn, mang trong người nhiều chứng bệnh. Thế nhưng ông vẫn tận tình hướng dẫn cho học sinh thực hành ngon lành bốn thế võ “hất, chụp, chặt, xô” khiến nhiều người trầm trồ kinh ngạc. GS Khê khuyên: “Học võ là để tự vệ chứ không phải để đánh nhau hay ăn hiếp người khác”.
GS Khê cũng thường kể lại tình bạn đặc biệt giữa mình với ông Nguyễn Hữu Ngư (tức là nhà thơ, nhà báo Nguiễn Ngu Í) - một người bạn cùng học Trường Pétrus Ký ngày trước (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM). GS Khê bày tỏ: “Chúng tôi cho đi mà không cần nhận lại. Ai ngờ, lại nhận được cái tình thiệt lớn”. Rồi ông tâm tình cùng những bạn trẻ: “Các con nên thương yêu, che chở đùm bọc nhau. Tình cảm học trò rất đẹp, đừng để mâu thuẫn phải đánh nhau. Các con học chuyện xưa để biết xử sự chuyện nay”.
GS-TS Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). 6 tuổi ông đã biết đàn kìm, 8 tuổi biết đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc. Sau khi sang Pháp du học (năm 1949), ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án “Âm nhạc truyền thống VN”. Ông nguyên là GS Trường ĐH Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc - UNESCO. |
Người lớn là lan can cầu
Một nữ sinh Trường THCS Châu Văn Liêm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đề nghị: “Xin thầy chia sẻ kinh nghiệm cho chúng con biết cách ứng xử với mọi người cũng như với cuộc sống sau này?”. GS Khê thân tình: “Văn hóa được thể hiện trong cách ăn uống, cách mặc, đối đãi... như thế nào. Trong gia đình hiện nay, tôi thấy nhiều bạn ứng xử với cha mẹ mình chưa đủ phép. Chẳng hạn, khi cha mẹ dặn dò: “Con đừng đi chơi khuya quá, kẻo tổn hại sức khỏe, con nghe không?”. Đứa con nói: “Nghe rồi, OK”. Như vậy là không quý trọng tình thương của cha mẹ, cứ nghĩ cha mẹ hãm tự do của mình. Thực ra, cha mẹ, thầy cô như lan can cầu để mình khỏi té xuống sông chứ không phải cấm mình đi qua cầu”.
Theo GS Khê, tình trạng đối nhân xử thế bây giờ “loạn xà ngầu” cả lên. Ông gợi ý: “Khi người ta làm gì gây bất bình thì mình phải xác định tại sao người ta đối đãi với mình như vậy? Không phải người ta gây một tiếng, mình gây lại hai tiếng là được. Trong trường học không dạy văn hóa ứng xử nên các con cố gắng tự tìm hiểu, phải ghi nhớ ba chữ để tự sửa mình và ứng xử cho đời tốt đẹp hơn, đó là: tâm-đức-nhẫn”.
Còn người viết bài này cứ nhớ mãi câu nói ấm áp của GS-TS Trần Văn Khê sau mỗi câu chuyện ông kể cho học sinh: “Cám ơn mấy con đã chịu khó ngồi nghe”. Văn hóa ứng xử của “cây đại thụ” âm nhạc truyền thống Việt Nam thể hiện ở mỗi chi tiết tưởng chừng nhỏ nhoi như vậy.
Như Lịch
Để đời là “bể sướng” Công việc của cả cuộc đời ông là hướng mọi người đến suy nghĩ có phương pháp để ra các quyết định đúng. Tôi đề nghị PGS-TSKH Phan Dũng - Giám đốc Trung tâm sáng tạo khoa học - kỹ thuật (TSK) thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - chọn một câu mà ông tâm đắc nhất trong hơn 30 năm đi truyền bá phương pháp luận sáng tạo và đổi mới (PPLST-ĐM) ở Việt Nam và nước ngoài. Không ngần ngại, ông nói chậm từng từ: “Hạnh phúc, số phận của mỗi người tùy thuộc nhiều vào việc người đó trong suốt cuộc đời của mình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định như thế nào”.
Nhân nào quả đó Ông bảo đừng bao giờ chỉ nghĩ sáng tạo là một cái gì đó quá lớn lao, xa vời, kiểu như giải Nobel. “Khi đưa ra bất kỳ cái gì đồng thời có tính mới và tính ích lợi là sáng tạo”, ông nói rồi đưa ví dụ cụ thể: So với đời trước, chìa khóa xe gắn máy đời sau có răng đối xứng, người dùng tra vào ổ chiều nào cũng được, không phải mất thời gian để xoay chìa khóa ngược lại hay nhớ. Như vậy cái sau mới hơn cái trước và mang lại thêm ích lợi. Đó là sáng tạo. Sáng tạo nhằm giải quyết một vấn đề nhất định. Ông đúc kết đơn giản: “Tôi giải quyết được vấn đề, ra quyết định đúng. Nghĩa là sáng tạo”.
Ông dẫn giải rằng cuộc đời mỗi người là chuỗi các vấn đề cần giải quyết, chuỗi các quyết định cần phải ra. Vấn đề có thể bắt đầu từ những câu hỏi rất nhỏ chẳng hạn như hôm nay mặc gì, cho cả nhà ăn gì, mua sắm cái gì... cho đến những vấn đề lớn như làm sao đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Ông dạy phương pháp suy nghĩ để giải quyết vấn đề, giúp mọi người có thể suy nghĩ tốt hơn, ít trả giá hơn, hạnh phúc hơn. Chính vì vậy, trong các lớp học của ông có đầy đủ thành phần xã hội từ tiểu thương, nội trợ, xích lô, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ, nhà tu hành, cán bộ quản lý, doanh nhân... Tất cả ngồi chung một lớp, học chung một bài học để từ đó vận dụng vào công việc, cuộc sống riêng của mình. Qua những bản thu hoạch cuối khóa của học viên, người đọc thấy được những kết quả áp dụng PPLST-ĐM. Chị tiểu thương tìm ra cách tối ưu vừa kiếm tiền vừa chăm sóc gia đình. Bà nội trợ cảm thấy hạnh phúc, hài lòng, sắp xếp mọi thứ chỉn chu và hợp lý với hàng đống công việc không tên. Một bác sĩ dù bị áp lực chuyên môn, vẫn có thời gian đầu tư vào nghiên cứu khoa học với những công trình có giá trị quốc tế. Anh kỹ sư vận dụng để cải tiến công việc kỹ thuật cho hiệu quả và tiết kiệm hơn. Một doanh nhân thành đạt học để giải quyết mâu thuẫn vợ chồng âm ỉ bấy lâu nay...
Ông nói vui: “Hồi còn nhỏ, khi mình làm điều gì sai thường bị người lớn mắng: “Sao dại thế, làm cái gì cũng phải nghĩ trước chứ!”. Nhưng trước khi làm thì có ai dạy nghĩ đâu, chỉ chờ làm sai thì mắng”. Và thế là ông dành cả cuộc đời để đi tìm và học các quy luật của tư duy vì ông tin rằng ai cũng muốn mình suy nghĩ giải quyết vấn đề tốt, ra những quyết định đúng để “đời là bể khổ” trở thành “bể sướng”. Duyên tiền định Khi đang học về vật lý thực nghiệm ở Liên Xô, từ một buổi tán gẫu với mấy sinh viên Xô viết về những vấn đề liên quan đến tư duy sáng tạo, ông biết tin Hiệp hội Các nhà sáng chế và hợp lý hóa Liên Xô vừa thành lập Học viện Sáng tạo sáng chế, thế là ông đăng ký học ngay. Năm 1971, ông trở thành một trong những học trò đầu tiên của thầy Genrikh Saulovich Altshuller, tác giả của Lý thuyết giải các bài toán sáng chế (TRIZ), một lý thuyết rất mạnh trong PPLST-ĐM. Ông tâm sự: “Cho đến bây giờ và cả sau này, tôi vẫn nghĩ rằng tôi đến với TRIZ một cách tất yếu. Nghĩa là nếu điều này không xảy ra vào năm 1971 thì nhất định có lần tôi bắt gặp TRIZ và đi theo TRIZ đến suốt cuộc đời còn lại của mình”. Hầu như với lứa học trò nào ông cũng khẳng định cuộc đời ông chia thành 2 giai đoạn rõ ràng: trước và sau khi đến với TRIZ. Ông thừa nhận: “Có nhiều lợi ích tôi nhận được nhờ áp dụng TRIZ, năng suất và hiệu quả công việc tăng lên, sai lầm và trả giá giảm đi. Hai trong số những việc làm tôi tự hào là rút ngắn được thời gian làm luận án từ tiến sĩ lên tiến sĩ khoa học (chỉ 2 năm, thay vì trung bình 20 năm) và phổ biến PPLST-ĐM ở Việt Nam”. Ông đi nhiều nước để giảng dạy và nói chuyện về TRIZ, có những hội nghị quốc tế mà ông là một trong 2 diễn giả chính (keynote speaker). Đối tượng nghe ông nói ở nước ngoài thường là những giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo các cấp. Ở các nước, một khóa học TRIZ có khi lên đến vài ngàn USD. Chẳng hạn ở Anh, một khóa học trong 5 ngày thì mỗi ngày một học viên phải trả 400 bảng. Ở Việt Nam, khóa học về PPLST-ĐM đến nay chỉ có 720 ngàn đồng/người trong 15 buổi. Trong thời buổi những gì liên quan đến tâm lý, tư duy, sáng tạo là thời thượng thì ông dễ dàng thành lập công ty để đi nói chuyện, làm diễn giả lấy tiền tính giờ theo USD. Thế nhưng ông bảo: “Nếu tôi mở công ty liệu các trường có đủ tiền trả cho những buổi nói chuyện của tôi? Cái chúng tôi muốn là PPLST-ĐM được đưa vào dạy trong các nhà trường của Việt Nam”. Thế là ông vẫn miệt mài, nhẫn nại cùng với các đồng nghiệp của mình ở TSK mở những khóa học với kinh phí vừa túi tiền người có thu nhập thấp để tiếp tục đeo đuổi ước mơ mọi người Việt Nam đều được học PPLST-ĐM. Như ông nói, thỉnh thoảng ông vẫn đi thỉnh giảng ở các công ty để kiếm thêm tiền phát triển TSK. Ông đã hoàn thành việc biên soạn bộ sách Sáng tạo và đổi mới (Creativity and Innovation) gồm mười quyển nhằm đưa PPLST-ĐM đến đông đảo bạn đọc cả nước. Ông cho rằng, về nguyên tắc, có thể soạn giáo trình PPLST-ĐM để dạy từ bậc mẫu giáo đến 2 năm đầu tiên của ĐH. Ông đau đáu với một niềm tin: “Nếu như toàn bộ dân số Việt Nam được tiếp xúc với PPLST-ĐM thì sẽ có một dân tộc gồm những người biết tư duy sáng tạo có phương pháp khoa học, có kỹ năng chứ không phải theo kiểu thử và sai. Và đó sẽ là một dân tộc khác với bây giờ”. Thùy Ngân |
Chuyên gia phản biện Nếu phản biện giáo dục được xem là một “nghề” tại Việt Nam, Giáo sư (GS) Phạm Phụ phải là một trong những người được xếp vào đội ngũ tiên phong. Mấy tháng nay ông bị bệnh phải nằm ở nhà, các hội thảo, hội nghị về giáo dục, nhất là giáo dục đại học thiếu những góp ý hùng hồn của ông dường như trở nên buồn hẳn.
Người vượt rào GS Phạm Phụ sinh ra trong một gia đình nghèo tại Quảng Ngãi. Bố mất sớm nên dù là con một, mẹ ông cũng từng buộc ông nghỉ học khi học xong cấp 1 để ở nhà phụ giúp gia đình. Nhưng, trước sự quyết tâm của ông, mẹ ông tiếp tục đồng ý cho con đi học. May mắn là sau đó ông được cấp học bổng 12 kg gạo/tháng để theo đuổi học tập.
Ông tự nhẩm tính mình ngồi trên ghế nhà trường, tính cả ĐH, chỉ khoảng 15 năm, chưa đủ thời gian để nhận bằng cử nhân như hiện nay. Tất cả mọi thành công đến với ông sau này đều do quá trình tự học, tự mày mò nghiên cứu. Cử nhân Phạm Phụ khi ấy học lên tiến sĩ cũng chủ yếu nhờ tự học. Ông làm luận văn tiến sĩ về hệ thống thủy điện mà không hề có bất kỳ một giáo viên hướng dẫn nào. Chỉ đến khi luận văn hoàn thành mới có một hội đồng được thành lập ở Bộ Giáo dục - Đào tạo để chấm đề tài. Sau năm 1975, ông lại “vượt rào” dự tuyển kỳ thi tiếng Anh để đi học... thạc sĩ tại Học viện Công nghệ châu Á - AIT (Thái Lan). Là tiến sĩ rồi đi học thạc sĩ là một quyết định ngược, nhưng đây lại là bước ngoặt thay đổi cuộc đời ông. Cùng với thời gian được biệt phái làm chuyên viên của Việt Nam tại Ban thư ký Ủy ban Quốc tế Mekong (1986 - 1988), ông có cơ hội tìm hiểu giáo dục đại học các nước để từ đó so sánh và góp ý cho giáo dục đại học Việt Nam. Từ khoa, từ trường, viết báo, rồi từ uy tín của mình, ông được mời góp ý cho các hội nghị trên cả nước và trở thành thành viên của Hội đồng Quốc gia giáo dục. Ông kể: “Tìm hiểu sâu hơn, kỹ hơn giáo dục đại học trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển hy vọng có thể lấp chút ít vào “chỗ trống” của Việt Nam. Chuyện nghiên cứu và phản biện giáo dục đại học đối với tôi cũng là “vượt rào” vì chuyên ngành của tôi là thủy điện. Mừng là có nhiều người chịu để cho tôi nói, dù nhiều khi người ta không lắng nghe”. Vào năm 1990, ông cũng đã “vượt rào” khi thành lập Khoa Quản lý công nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Cho đến lúc đó, chưa có tiền lệ một khoa mới thành lập lại có chương trình thạc sĩ trước chương trình cử nhân, lại là chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh thuộc loại sớm nhất tại Việt Nam, đầu vào chủ yếu là kỹ sư. Cũng chưa hề có tiền lệ một giáo sư về thủy điện, không hề có bất kỳ bằng cấp nào về lĩnh vực này lại đứng ra thành lập, làm trưởng khoa và đứng lớp, dạy cả thị trường chứng khoán trước khi Việt Nam có thị trường chứng khoán. Thà im lặng chứ không nói theo Nhắc đến GS Phạm Phụ, người ta nhớ đến những góp ý thẳng thắn và hùng hồn, dữ liệu đầy đủ, xoáy sâu vào tận ngóc ngách của mỗi vấn đề giáo dục. Đã từ nhiều năm nay, các cuộc hội nghị giáo dục từ bắc tới nam đều ít khi vắng mặt ông. Đã bốn tháng nay, bị tai nạn ảnh hưởng đến chân, GS Phạm Phụ phải nằm ở nhà. Không được hòa vào dòng chảy của giáo dục, ông buồn. Sự thẳng thắn của GS Phạm Phụ đôi khi làm nhiều người e ngại giùm cho ông. Nhưng ông cười xòa: “Tôi không ngại khi phản biện. Bởi, mỗi điều tôi nói ra đều dựa trên sự công tâm, góp ý xây dựng, luận chứng khoa học chính xác và đề nghị cách giải quyết cụ thể. Thực tình thì tôi vẫn chưa đủ can đảm vì đôi khi tôi cũng ngồi im dù không đồng ý, nhưng nói theo và nói không phải như mình đã suy nghĩ kỹ thì không bao giờ”. Theo ông, việc phản biện giáo dục hiện nay đa phần vẫn còn hơi cảm tính, chưa đi vào gốc gác của vấn đề. Phản biện phải khoa học mới có thể thuyết phục người khác. Thậm chí, ở mức cao hơn, phải có một hội đồng, tập hợp ý kiến phản biện theo phương pháp khoa học về vấn đề nào đó, để đưa ra giải pháp. Việt Nam có Hội đồng Giáo dục quốc gia, nhưng đã nhiều năm nay không có hoạt động gì. Đăng Nguyên |
Bình luận (0)