Những người 'vác tù và hàng tổng': Đưa làng lên phố

10/08/2019 05:54 GMT+7

Trong 9 năm làm tổ trưởng tổ dân phố , ông Nguyễn Trọng Hát (66 tuổi) đã vận động người dân hiến đất mở đường, thành lập thư viện, sân chơi cho thiếu nhi, phòng tập thể dục miễn phí cho người dân...

Ngôi làng của ông vì thế đã trở thành khu phố khang trang, sạch đẹp.
Ông Hát vốn là cựu chiến binh, về nghỉ hưu năm 2010 thì năm 2011 đảm nhận “chức” trưởng thôn, sau là tổ trưởng tổ dân phố Nguyên Xá 2, P.Minh Khai, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đến tháng 6 vừa qua, ông bị ốm nặng nên không thể làm được nữa. Nhưng trong 9 năm đó, ông đã để lại nhiều công trình có dấu ấn với quê hương và mang lại lợi ích vô giá cho cộng đồng.

Vận động hơn 100 hộ dân hiến đất mở đường

Những người “vác tù và hàng tổng”: Đưa làng lên phố

Ông Hát lúc còn khỏe mạnh đã làm phát thanh viên tại thư viện ông xây dựng cho khu phố

Đến tổ dân phố Nguyên Xá 2 bây giờ, không ai nghĩ rằng mấy năm trước nơi đây vẫn còn là một làng quê đường sá chật chội. Con đường phố Nguyên Xá trước nhỏ hẹp, nay đã là đường nhựa rộng lớn, đủ cho 2 ô tô tránh nhau. Các cửa hàng kinh doanh cũng mọc lên san sát, biến con đường làng quê thành một trung tâm sầm uất.
Kể về việc mở con đường này, ông Hát cho biết ông đã vận động 111 hộ dân hiến đất mở đường mà không đền bù đồng kinh phí nào. “Dự án không có tiền đền bù, vì vậy, tôi đã thuyết phục người dân hiến đất với mục tiêu mở đường rộng thì họ kinh doanh có lợi hơn. Phải biết cách vận động. Người có chức sắc, đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng vận động trước, nhân dân vận động sau”, ông Hát chia sẻ.
Ông Hát cũng kể, trong quá trình vận động, những hộ dân chưa đồng thuận, thậm chí là chống đối, ông vận động sau cùng. Còn những người tự nguyện hiến trước, được biểu dương trong hệ thống loa truyền thanh địa phương, xã cũng tổ chức hội nghị khen thưởng. Vì thế, dự án đã thành công khiến con đường rộng chưa đến 3 m được mở rộng thành 5,5 m, dài khoảng 1 km. Hầu hết các hộ dân đều hiến hơn 10 m2, đặc biệt có một hộ hiến tới 30 m2, toàn đất thổ cư. “Hộ hiến nhiều nhất lại là gia đình chống đối, nhưng sau khi tôi phân tích thiệt hơn thì họ đã đồng thuận”, ông Hát kể.
Ngoài việc mở rộng đường phố, ông Hát còn vận động được 4 gia đình ở ngõ 132 trong tổ cũng hiến đất mở rộng đường để con ngõ rộng hơn, không bị thắt cổ chai. Đặc biệt, khi làng lên phố, nhiều cửa hàng mở ra kinh doanh nên khu chợ trong làng ít người mua bán, ông Hát đã sáng kiến xây dựng khu chợ thành phòng tập thể dục miễn phí cho bà con. “Thiết bị được vận động tài trợ và lấy từ kinh phí cho thuê mấy gian chợ mặt tiền. Từ ngày chợ thành phòng tập với nhiều trang thiết bị như bàn bóng bàn, máy chạy, đạp xe… mỗi ngày có 50 - 60 người đến tập”, ông Hát khoe.

Biến bãi rác thành vườn hoa

Công dân tiêu biểu thủ đô

Những việc làm của ông được bà con tin yêu và nhiều năm ông đã được các cấp lãnh đạo khen thưởng. Trong 2 năm 2016 và 2017, ông là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của thủ đô, được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt việc tốt. 
Trong những năm làm tổ trưởng tổ dân phố, ông Hát còn vận động xây dựng được 2 khu vui chơi cho trẻ em ở những bãi rác tự phát trong làng: một khu rộng 200 m2, một khu 160 m2. Để làm được 2 công trình này, có lúc ông Hát phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm đến tính mạng. “Đây là những khu đất công, nhưng khi giải phóng thì có người ra nhận đất của mình và kéo xã hội đen đến đe dọa giết cả nhà tôi”, ông kể. Hỏi ông có sợ không thì người lính già nói giọng dứt khoát: “Tôi chả sợ gì”. Tuy nhiên, ông cho biết thấy ông bị đe dọa và vất vả nên người nhà ông ngăn không cho ông làm nhưng ông bảo: “Chi bộ nhất trí rồi, người dân nhất trí rồi thì phải làm thôi”. Và chỉ sau một thời gian ngắn, hai khu vui chơi của trẻ em đã lần lượt được khánh thành. Bãi rác xưa giờ đã khang trang sạch đẹp như công viên với những thiết bị vui chơi hiện đại được xã hội hóa từ người dân.
Đặc biệt, ông tổ trưởng luôn mong muốn mang tri thức về cho người dân, nên cất công xây dựng một thư viện sách tại nhà văn hóa thôn. Ông nói rằng, thấy có những thông tin chỉ trong sách mới có nên ông tập hợp các loại sách với 22 lĩnh vực để mở thư viện cho con em và nhân dân được cập nhật những kiến thức. Hiện thư viện có khoảng hơn 2.000 cuốn sách thì ông đóng góp gần một nửa. “Tôi mang 500 - 600 quyển sách ở nhà lên và bỏ tiền mua 200 cuốn nữa và cũng tự bỏ tiền mua giá sách với tổng số gần 10 triệu đồng”, ông Hát nói. Số tiền đó bằng gần 2 tháng lương của ông, nhưng ông bảo mang tri thức đến cho bà con thì không tính được bằng tiền. Cũng tại thư viện này, ông còn thành lập “đài truyền thanh” của thôn do chính ông làm phát thanh viên. Cứ đều đặn hằng ngày ông thông tin cho bà con những thông tin cần thiết về chủ trương, chính sách và tuyên truyền về những gương người tốt việc tốt để giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, sự đoàn kết trong khu dân cư…

Xin nghỉ hưu sớm để đi tìm đồng đội

Không chỉ là người tổ trưởng dân phố bình dị, nhiệt tình với công tác xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, 12 năm qua ông Hát còn lặng lẽ đi tìm hài cốt của đồng đội nằm lại ở chiến trường Bình Trị Thiên. Ông chia sẻ, năm 19 tuổi, ông vào quân ngũ và từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Ông may mắn sống sót trở về, còn đồng đội ông nhiều người đã nằm lại chiến trường, chưa tìm thấy mộ. Vì thế, ông luôn day dứt muốn tìm được để đưa họ về với gia đình, quê hương. “Cách đây hơn chục năm, khi trở lại thăm chiến trường xưa, gặp lại bạn bè đồng đội, tôi đau đáu khi biết tin còn rất nhiều đồng chí của mình vẫn còn nằm lại trong rừng. Khi ấy, tôi đang là Giám đốc Xí nghiệp 3, Công ty đầu tư xây dựng bưu điện. Trăn trở nhiều đêm, tôi quyết định xin nghỉ hưu sớm, khi mới 53 tuổi để dành thời gian, toàn tâm toàn ý với việc đi tìm đồng đội”, ông Hát kể.
Vậy là cứ những ngày nghỉ, ông Hát lại xách ba lô lên đường vào trận địa năm xưa. Ông đi bộ hàng chục ki lô mét vào sâu trong rừng, lần mò qua từng con suối, từng gốc cây. “Nhiều lần đi mà vẫn không có manh mối gì, nhiều phen lạc giữa rừng, nhưng cứ quay lưng là lại cứ như có ai đó níu chân không cho về. Tôi thắp hương thành kính nói với các anh là sẽ quay lại, nhất định sẽ tìm các anh về”, ông xúc động kể.
Hơn 12 năm, 24 lần ông Hát tay cầm dao phát rừng tìm lối đi, đêm ngủ lại nơi rừng sâu. Khi tìm ra mộ đồng đội là ông báo cho gia đình đón các anh trở về. Với bao vất vả, ông Hát đã tìm và đưa được 16 đồng đội về an nghỉ ở quê nhà. Phần lớn kinh phí đi lại đều do ông tích cóp, dành dụm và của con cái ông cho. “Tâm nguyện của tôi là mong có nhiều sức khỏe để tìm được anh em, đưa họ về với quê hương, gia đình. Còn sức khỏe là tôi còn đi...”, ông Hát nói. Mong muốn như thế nhưng vì quá ham công tiếc việc, nên tháng 8.2018, ông Hát thấy chân tay run rẩy, đi không vững nữa. Đi khám thì bác sĩ cho biết ông mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, nên ông đành ngậm ngùi gác lại công việc để chữa bệnh.
Đưa tay thấm những giọt mồ hôi lăn dài trên trán, khó nhọc dẫn tôi đi tham quan những công trình của khu phố do ông góp công xây dựng, ông Hát nói: “Tâm huyết nhất trong 9 năm làm tổ trưởng tổ dân phố của tôi là được người dân tin yêu!”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.