Những nguy cơ gây ung thư bàng quang có thể phòng ngừa

26/06/2023 11:06 GMT+7

Theo Bệnh viện K T.Ư (Hà Nội), ung thư bàng quang thường gặp ở người lớn tuổi, ngoài 60. Với nam giới từ tuổi trung niên, ung thư bàng quang là bệnh hay gặp nhất sau ung thư tiền liệt tuyến. Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang cao gấp 3 lần nữ giới.

CẦN UỐNG ĐỦ NƯỚC

Theo Bệnh viện (BV) K T.Ư, uống không đủ nước có liên quan nguy cơ gây ung thư bàng quang. Nước uống có vai trò rất quan trọng trong đời sống và cơ thể con người. Nước đào thải các chất độc hại trong cơ thể ra bên ngoài thông qua tiểu tiện. Nếu uống không đủ nước, các chất độc hại sẽ lưu lại trong hệ thống tiết niệu gây ra bệnh lý dẫn đến ung thư bàng quang. Lượng nước cần thiết hằng ngày đối với người trưởng thành là 1,5 - 2 lít. Người làm việc và hoạt động trong môi trường mất nhiều mồ hôi cần lượng nước nhiều hơn.

Những nguy cơ gây ung thư bàng quang có thể phòng ngừa - Ảnh 1.

Minh họa 3D tế bào ung thư bàng quang

Shutterstock

Trong nước uống có hàm lượng asen vượt ngưỡng cho phép cũng là nguy cơ của ung thư bàng quang. Chất asen có trong nước uống từ lâu đã được nhiều chuyên gia cảnh báo về mức độ độc hại và có nguy cơ gây ung thư bàng quang. Nước uống từ giếng, nguồn nước mới hoặc hệ thống nước công cộng không đáp ứng được tiêu chuẩn về nồng độ asen rất dễ gây bệnh ung thư bàng quang.

HÚT THUỐC LÁ KHÔNG CHỈ GÂY UNG THƯ PHỔI

Chuyên gia BV K T.Ư cho biết: "Lâu nay hầu như cộng đồng vẫn biết hút thuốc lá có hại trực tiếp đến phổi, gây ra ung thư phổi. Hút thuốc ở tuổi càng trẻ nguy cơ càng cao. Thống kê cho thấy thuốc lá gây ra rất nhiều nguy cơ ung thư cho cơ thể, bao gồm cả ung thư đường tiết niệu. Đây là nguyên nhân gây ra 60 - 70% số người mắc ung thư bàng quang. Người hút thuốc có nguy cơ ung thư bàng quang cao gấp 3 lần so với những người không hút thuốc. Hút thuốc cũng liên quan khoảng 50% các ca ung thư bàng quang ở cả nam và nữ".

Cũng theo chuyên gia BV K T.Ư, người hút thuốc hít vào, các chất gây ung thư trong khói thuốc lá được hấp thụ từ phổi và đi vào máu. Từ máu, chúng được lọc qua thận và tập trung trong nước tiểu. Những hóa chất này trong nước tiểu có thể gây tổn hại các tế bào lót bên trong của bàng quang làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.

Ung thư bàng quang cũng có liên quan đến một số phơi nhiễm nghề nghiệp, tiếp xúc lâu dài với các hóa chất độc hại. Người lao động trong các ngành công nghiệp có thể có nguy cơ bị ung thư bàng quang nếu tiếp xúc với những chất độc hại mà không có phương tiện bảo vệ.

CÓ XU HƯỚNG TRẺ HÓA

Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư bàng quang sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn những người không có yếu tố gia đình ảnh hưởng.

Thống kê cho thấy thuốc lá gây ra rất nhiều nguy cơ ung thư cho cơ thể, bao gồm cả ung thư đường tiết niệu. Đây là nguyên nhân gây ra 60 - 70% số người mắc ung thư bàng quang. Người hút thuốc có nguy cơ ung thư bàng quang cao gấp 3 lần so với những người không hút thuốc.


Chuyên gia BV K T.Ư

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như: viêm đường tiết niệu, sỏi thận mãn tính không điều trị dứt điểm, viêm niệu đạo, sán máng, nhiễm HPV 16, tiền sử chiếu xạ vùng chậu...

Các loại ung thư khác nhau có thể có nguyên nhân khác nhau. Theo một số nghiên cứu, một trong những loại ung thư phổ biến nhất ngày nay là ung thư bàng quang, chiếm khoảng 3% trong tổng các bệnh ung thư phổ biến và xếp thứ 2 trong các loại ung thư đường tiết niệu.

Theo BV K T.Ư, ung thư bàng quang đang có xu hướng trẻ hóa do liên quan môi trường sống, môi trường làm việc, nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm cũng như việc hút thuốc lá trong giới trẻ.

Hệ tiết niệu là nơi đào thải những cặn bẩn của cơ thể trong quá trình sống. Vì vậy, mỗi người cần duy trì cho mình một cuộc sống lành mạnh, tránh các yếu tố nguy cơ để giúp hệ tiết niệu khỏe mạnh, tránh các bệnh nguy hiểm như ung thư bàng quang.

Nếu thấy cơ thể có các triệu chứng bất thường như: tiểu ra máu, tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát, mệt mỏi, chán ăn, đau tức bụng... phải đến thăm khám bác sĩ, nhất định không bỏ qua. Bác sĩ có thể thông qua các xét nghiệm, chẩn đoán để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.