Trao đổi với chúng tôi, TS Abalkina cho biết theo thống kê ban đầu của bà, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia mua bài từ "công xưởng" International Publisher với 9 vị trí tác giả được mua, nhưng trên thực tế số lượng khách hàng đến từ Việt Nam có thể còn nhiều hơn.
Có dấu hiệu hoạt động công bố bất thường
Chẳng hạn như trường hợp ông Ph.K.H, một tác giả đến từ Trường ĐH T. Theo nghiên cứu của TS Abalkina được giới thiệu trên tờ Science, hai bài báo của TS Ph.K.H đăng liền nhau trên cùng Tập 35, Số 4 của tạp chí Digital Scholarship in the Humanities thuộc NXB ĐH Oxford, đó là bài “A statistical view to study the aphorisms in Nahj al-Balaghah” (trang 881 - 885) và bài “Statistical approaches in literature: Comparing and clustering the alternatives of love in Divan of Hafiz” (trang 886 - 892). Hai bài báo này đều được công bố vào cùng ngày 21.10.2019 với cấu trúc và cách viết tương tự nhau cùng rất nhiều phần giống hệt nhau, không khác nhau một chữ hay một dấu câu nào.
Hình chụp trang web 123mi.ru (trên) cho thấy bài báo của Ph.K.H đã được rao bán nhiều tháng trước khi công bố trên tạp chí Digital Scholarship in the Humanities vào ngày 21.10.2019 (dưới) |
Dương Tú |
Hình chụp trang web 123mi.ru phiên bản ngày 7.6.2019 cho thấy hai bài báo của ông Ph.K.H đã được rao bán nhiều tháng trước khi công bố trên tạp chí Digital Scholarship in the Humanities. Phần tóm tắt (abstract) tại thời điểm bài báo được rao bán hoàn toàn không thay đổi khi bài báo được công bố chính thức.
Đáng chú ý, ở bài thứ hai, ông Ph.K.H có một đồng tác giả đứng tên đầu ghi địa chỉ VN là B.A.T ở Trường ĐH C., một đồng tác giả khác là Mohammad Reza Mahmoudi ghi địa chỉ làm việc tại ĐH Fasa (Iran), và một tác giả Nga. Điều đáng ngạc nhiên là Mohammad Reza Mahmoudi lại đứng tên tác giả liên hệ trong một bài báo khác mang tên “Statistical comparison between the alternatives of love in the poems of Sa’adi and Moulana” đăng trên cùng tạp chí Digital Scholarship in the Humanities vào ngày 17.9.2019, tức là sớm hơn một tháng so với hai bài liên quan tới Ph.K.H nói trên.
Trong bài báo thứ 3 này, Mohammad Reza Mahmoudi lại ghi địa chỉ làm việc là cả Trường ĐH T. lẫn ĐH Fasa, và dùng địa chỉ thư điện tử học thuật của Trường ĐH T. Cấu trúc, cách viết và nhiều nội dung trong bài thứ 3 này cũng giống hệt hai bài của ông Ph.K.H. Nói cách khác, toàn bộ 3 bài báo này được đúc từ cùng một khuôn và đều được International Publisher rao bán trên trang 123mi.ru trước khi chúng được công bố..
Một dấu hiệu bất thường khác mà chúng tôi nhận thấy khi nhìn vào danh sách công bố của ông Ph.K.H, đó là tác giả này mới công bố bài báo đầu tiên năm 2019, nhưng sang năm 2020, số bài báo đã tăng vọt lên 23. Đến năm 2021, ông Ph.K.H vẫn duy trì năng suất công bố rất cao, 21 bài. Đồng thời, Mohammad Reza Mahmoudi và B.A.T vẫn là hai đồng tác giả quen thuộc nhất trong số hơn 80 đồng tác giả của ông Ph.K.H với số bài báo đứng tên chung lần lượt là 20 và 15 bài. Cần nói thêm rằng ông Ph.K.H chỉ mới tốt nghiệp chương trình đào tạo tiến sĩ tại Đài Loan vào năm ngoái.
Vì sao tồn tại thị trường sôi động 'mua - bán' bài báo khoa học?
Nhà toán học nghiên cứu văn bản tôn giáo và văn chương Hồi giáo ?
Trước khi giới thiệu công trình nghiên cứu của TS Abalkina, tờ Science đã liên hệ với tác giả Ph.K.H, vị này chối là không biết gì về dịch vụ mua bán bài báo trên trang 123mi.ru, và giải thích “Tôi không có tiền tài trợ để làm nghiên cứu, nên tôi không có đồng nào để mua các bài báo này, cũng như không có áp lực nào để làm như vậy”.
Trả lời chúng tôi, ông Ph.K.H cũng nói không chịu áp lực công bố quốc tế, làm là vì đam mê, rồi nhiều người cũng động viên nên muốn chứng minh năng lực. Thu nhập chính của bản thân, theo ông Ph.K.H là nhờ vào việc dạy thêm. “Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ tôi đã về Việt Nam, gia đình có trung tâm dạy thêm nên tôi dạy tại đây (ngoài giờ dạy chính cho trường ĐH)”, ông Ph.K.H chia sẻ. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao hai bài báo của ông Ph.K.H được rao bán trên trang 123mi.ru lại liên quan tới các văn bản tôn giáo và văn chương Hồi giáo, trong khi bản thân ông là nhà toán học ở Việt Nam, thì ông Ph.K.H giải thích chuyên ngành của mình là thống kê ứng dụng nên làm được các mảng ứng dụng công cụ thống kê cho vấn đề xã hội nào đó.
Lùm xùm xung quanh xét ứng viên giáo sư, phó giáo sư, tại ai?
Ông Ph.K.H cũng xác nhận là có mối quan hệ hợp tác thường xuyên với tác giả Mohammad Reza Mahmoudi từ Iran, 2 người cùng chuyên ngành thống kê nên có nhiều điểm chung để làm nghiên cứu. Qua mối quan hệ thân thiết với 2 giáo sư Đài Loan mà ông Ph.K.H quen Mohammad. Qua Mohammad lại quen với Yu Tian từ Thiểm Tây, Trung Quốc (là một đồng tác giả với ông Ph.K.H trong bài báo được rao bán trên trang 123mi.ru). Một đồng tác giả khác trong bài báo này là người Nga (Galina Nikolaevna Pudikova) thì ông Ph.K.H không quen, mà Mohammad quen.
Ph.K.H cũng cho biết mình chỉ quen vài người trong số hơn 80 đồng tác giả, rồi giải thích: “Các bài báo có tên tôi (hầu như đều có đóng góp mới được có tên), tôi đóng góp lúc thì thảo luận ý tưởng, chỉnh sửa Anh văn, chỉnh sửa ngữ pháp, lúc thì chứng minh, lúc thì hỗ trợ viết code, lúc thì chỉnh sửa Latex… Tuy nhiên có một điều là ông Mohammad Reza Mahmoudi từ Iran, có quá nhiều mối liên hệ (quen biết nhiều quá, tôi không thể kiểm soát), nên mời nhiều người làm chung, để tốc độ ra bài báo nhanh. Tôi không hài lòng việc này nên đã nói không thích hợp tác như vậy và đã dừng lại”.
Về nghi vấn tự đạo văn (hai bài báo có cấu trúc và cách viết tương tự nhau và rất nhiều phần giống hệt nhau, không khác nhau một chữ hay dấu câu nào, và giống với bài báo thứ ba của Mohammad), ông Ph.K.H cho rằng đó là loạt bài nghiên cứu dùng công cụ như nhau, đối tượng nghiên cứu cũng không khác nhau lắm nên xảy ra tình trạng như vậy. “Bản thân sẽ rút kinh nghiệm”, Ph.K.H nói.
Đăng tải trên tạp chí của các nhà xuất bản nổi tiếng
Theo TS Abalkina, bà phát hiện ít 419 bài báo mà International Publisher rao bán sau đó đã được công bố trên nhiều tạp chí. Hơn 100 bài báo trong số này đã được đăng tải trót lọt trên 68 tạp chí của các nhà xuất bản nổi tiếng như Elsevier, Springer Nature, Wiley-Blackwell, Taylor & Francis, Oxford University Press và Wolters Kluwer. Khách hàng của International Publisher có tên trong các bài báo được TS Abalkina phát hiện bao gồm hơn 800 người làm việc tại trên 300 trường đại học ở 39 quốc gia.
Hai tác giả Việt Nam khác, được cho là khách hàng của International Publisher là N.Đ.Q và N.V.K, cả 2 đều công tác tại một bộ môn Trường ĐH G., với bài báo “Supply chain management for enhancing telecommunications company customer loyalty index” đăng vào tháng 10.2020 trên tạp chí International Journal of Supply Chain Management (tạp chí này đã bị loại khỏi Scopus vào năm 2020 do quan ngại về hành vi xuất bản bất thường). Đồng tác giả bài này với N.Đ.Q và N.V.K là một người có tên Olga Kolosova. Xem xét các bài báo khoa học khác mà 2 tác giả Việt Nam này đã công bố, chúng tôi nhận thấy họ chưa từng hợp tác với tác giả Olga Kolosova trước đó, cũng như không hợp tác tiếp sau bài báo này nữa.
Chúng tôi chọn liên hệ với tác giả N.Đ.Q, vì ông này là phó giáo sư, và là trưởng bộ môn, trong khi đồng tác giả kia chỉ mới có học vị thạc sĩ. Tuy nhiên, ông N.Đ.Q đề nghị chúng tôi “có gì thì hỏi K.”. Khi chúng tôi gọi điện cho N.V.K để hỏi về việc bài báo được trang 123mi.ru rao bán nhiều tháng trước khi công bố, người này trả lời chúng tôi rằng cần gì cứ viết mail. Cho đến nay, sau nửa năm chúng tôi gửi mail, tác giả N.V.K vẫn chưa hồi âm.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của TS Abalkina, International Publisher được cho là còn bán được hai vị trí tác giả cho khách hàng Việt Nam trong bài báo “Russia’s foreign policy priorities in the Asia-Pacific region” đăng ngày 17.8.2021 trên tạp chí Journal of Public Affairs. Tác giả đầu tiên, đồng thời là tác giả liên hệ của bài báo này là Ng.Th.H.O, địa chỉ làm việc ở Học viện C. Tác giả còn lại là Ph.T.Nh ghi địa chỉ là Trường ĐH V.
Bình luận (0)