Họ là những nhà văn vào chiến trường với một tâm nguyện là viết văn, nhưng cuộc chiến khốc liệt đã chọn nghề cho họ: Làm báo trước đã, viết văn tính sau!
Trên 40 nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực khác nhau vừa có cuộc “tìm về” đẫm nước mắt trên đất Quảng Nam. Tóc bạc da mồi, chân đi không còn vững, nhưng những cụ ông, cụ bà chuẩn bị bước vào tuổi tám mươi này vẫn còn nguyên vẹn ký ức thanh xuân từ hơn 50 năm trước.
Bấy giờ, họ là những chàng trai, cô gái đang tuổi hai mươi đã tạm biệt Hà Nội để tăng cường cho chiến trường Khu V đang vào hồi khốc liệt nhất. Trong số những chàng trai cô gái thanh xuân vào chiến trường Quảng Nam những năm tháng đầy trời lửa đạn ấy có những người ấp ủ một ước nguyện lãng mạn của tuổi trẻ: sẽ viết những trang văn mang hơi thở nóng hổi của chiến trường. Tuy nhiên, thực tế cuộc chiến đã buộc họ tạm gác lại mọi dự định để làm công việc của một người lính: phát nương làm rẫy để tự cứu mình vượt qua cái đói, trực tiếp cầm súng ra trận cùng bộ đội, vừa chiến đấu như một chiến binh vừa đưa tin chiến trận với tư cách là nhà báo.
Các nhà văn, nhà báo tại vùng rừng Trà My (Quảng Nam) thời chống Mỹ |
Nhà văn Cao Duy Thảo cung cấp |
Văn nhường cho báo
Nhà văn Cao Duy Thảo, tác giả truyện ngắn Thời gian nổi tiếng vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, là người vào chiến trường từ rất sớm (1966), nhớ lại: “Tôi học trường điện ảnh, ấp ủ viết kịch bản phim nhưng khi vào Khu V, tôi mới biết thực tế chiến trường không như mình tưởng tượng từ hồi còn ở Hà Nội. Khu V hồi đó có tờ Tạp chí Văn nghệ nhưng ưu tiên hơn cả vẫn là những bút ký nặng tính báo chí, phản ánh cho được không khí của quân và dân ta ở các mặt trận. Để thực hiện yêu cầu ấy, các nhà văn trẻ thay nhau khoác ba lô “hạ sơn”, bám theo các đơn vị bộ đội trực tiếp tham gia các chiến dịch như một người lính thực thụ. Chẳng hạn như anh Nguyễn Chí Trung (từng làm trợ lý Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - PV) cùng Sư đoàn 2 tham gia đánh trận Ba Gia nổi tiếng cả nước vào mùa hè năm 1965 hoặc trực tiếp chỉ huy diệt một ổ hỏa lực đã từng gây thương vong rất lớn cho bộ đội ta trong trận Khâm Đức (Quảng Nam) năm 1972. Anh Trung là nhà văn có nhiều giai thoại nhất chung quanh việc “đi thực tế” để lấy tư liệu viết báo, viết văn của Khu V”.
Không trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Khu V nhưng nhà thơ Thanh Thảo rất “thuộc” những người bạn của mình. Ông kể vào cuối năm 1970, tại Quảng Bá, Hội Nhà văn VN có mở một lớp cấp tốc “bồi dưỡng” cho những cây bút vừa tốt nghiệp các khoa văn, sử của các trường đại học nhưng đam mê sáng tác để họ nắm các kỹ năng viết văn trước khi đi B. “Tôi mơ ước được tham dự lớp học “danh giá” ấy nhưng chẳng được nên chọn con đường làm phóng viên chiến trường Nam bộ thuộc Ban Binh vận và đi thẳng vào miền Nam”. Từ một nhà báo chuyên nghiệp, Thanh Thảo trở thành một nhà thơ nổi tiếng khi ông tham gia Trại sáng tác Khu V ngay sau ngày hòa bình do nhà văn Nguyễn Chí Trung làm trại trưởng.
Những nhà văn tương lai của lớp học ở Quảng Bá sau này nhiều người thành danh trong văn học như Nguyễn Khắc Phục, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Trí Huân, Vũ Thị Hồng (vợ nhà văn Chu Lai)… hoặc thành danh trên chính trường như Phạm Quang Nghị, Nguyễn Đức Hạt.
Các văn nghệ sĩ Khu V viếng ngôi mộ gió cùng bia tưởng niệm nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý |
Trần Đăng |
Những trang viết dang dở
Những trang văn trong tưởng tượng khi còn ở Hà Nội của lớp nhà văn trẻ lúc bấy giờ đã nhường chỗ cho những lo toan bộn bề hơn, trong đó có các trang báo nóng hổi được viết ngay giữa chiến trường. Ngoài việc viết báo, những nhà văn này luôn tìm cách giữ ngọn lửa đam mê văn học bằng việc viết nhật ký. Có thể xem những trang nhật ký của Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong như những phác thảo cho các quyển tiểu thuyết dày dặn sau này. Rất tiếc, cuộc chiến tranh quá khốc liệt đã khép lại bao dự định của họ. Cuốn Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong ghi lại toàn bộ diễn biến của chiến trường mà ông chứng kiến, cho đến khi ông cùng 3 đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng trước khi hy sinh tại xã Duy Tân, H.Duy Xuyên, Quảng Nam vào mùa hè năm 1971.
Còn Dương Thị Xuân Quý, sau nhiều tháng ở nhà giữ rẫy, tháng 3.1968, chị về vùng sâu ở phía đông H.Duy Xuyên, Quảng Nam và vĩnh viễn tan vào mảnh đất này sau một trận phục kích của lính Nam Triều Tiên mà cho đến hôm nay, không một ai có thể biết thân xác của chị gửi vào đâu trên mảnh vườn của một gia đình ở xã Duy Thành này. Những trang nhật ký dở dang, những bài báo chép vội trên đường của nữ phóng viên Dương Thị Xuân Quý mãi mãi dừng lại cùng tuổi 28 của chị.
Các anh các chị đã ngã xuống giữa chiến trường như những chiến sĩ quả cảm. Thân thể đã tan vào hư vô nhưng những trang viết của các anh các chị thì còn mãi với hậu thế.
Bình luận (0)