Những nhóm đối tượng nào tới đây phải đóng BHXH bắt buộc?

15/03/2023 10:02 GMT+7

Cho rằng chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất, tới đây sẽ mở rộng thêm một số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Bổ sung 3 nhóm đối tượng

Việc bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đang được Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến tại dự thảo luật BHXH (sửa đổi).

Những nhóm đối tượng nào tới đây bắt buộc phải đóng BHXH bắt buộc?   - Ảnh 1.

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất hộ kinh doanh cá thể thuộc nhóm tham gia BHXH bắt buộc

T.H

Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện cả nước có hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể, gấp 6 lần số lượng doanh nghiệp. Còn theo số liệu cơ quan thuế quản lý thì cả nước có hơn 1,7 triệu lượt hộ nộp thuế. Tuy nhiên, hiện nay, nhóm này chưa thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, chỉ có rất ít chủ hộ kinh doanh cá thể hiện đang tham gia BHXH tự nguyện.

Theo Bộ KH-ĐT, ước năm 2022, cả nước có khoảng 29.000 hợp tác xã (HTX) hoạt động, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia, trong đó có 970.000 người lao động làm việc trong khu vực HTX. Tuy nhiên, theo báo cáo của cơ quan BHXH thì hiện nay mới có gần 7.000 HTX đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho khoảng 40.000 người lao động.

Bộ LĐ-TB-XH thông tin, qua tổng kết thi hành luật BHXH, pháp luật BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu, nguyện vọng và có khả năng, nhưng chưa được luật hóa để tham gia BHXH bắt buộc như: chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương; người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Vì vậy, trong lần sửa đổi luật BHXH này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng trên.

Đánh giá tác động của đề xuất này, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc mở rộng các đối tượng trên tham gia BHXH bắt buộc không có tác động về kinh tế đối với Nhà nước; ngược lại, sẽ giúp Nhà nước giảm áp lực trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động này khi họ đến tuổi nghỉ hưu hoặc đến tuổi hưởng trợ giúp xã hội.

Đối với Quỹ BHXH, đối tượng tham gia mở rộng sẽ làm tăng nguồn thu vào quỹ, đồng thời làm tăng nguồn chi từ quỹ trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trong trung hạn, việc gia tăng đối tượng tham gia sẽ giúp cải thiện khả năng cân đối tài chính của quỹ; trong dài hạn thì cần phải xem xét, đánh giá cụ thể hơn theo từng quỹ thành phần, đặc biệt là đối với quỹ hưu trí, tử tuất do vấn đề nợ lương hưu tiềm ẩn, số người tham gia càng nhiều, số nợ lương hưu tiềm ẩn càng lớn.

Đối với chủ hộ kinh doanh cá thể, khoảng 5,1 triệu chủ hộ kinh doanh cá thể hiện nay sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo đó, mỗi cá nhân chủ hộ sẽ phát sinh kinh phí đóng BHXH (25%, trong đó 22% vào Quỹ Hưu trí, tử tuất; 3% vào Quỹ ốm đau, thai sản) trong khoảng từ 500.000 đồng/tháng đến 9 triệu đồng/tháng (tương đương từ 6 triệu đồng/năm đến 108 triệu đồng/năm). Mức kinh phí cụ thể phụ thuộc vào mức đóng do người tham gia là chủ hộ kinh doanh lựa chọn tham gia dựa trên khả năng đóng góp.

Tuy nhiên, bù lại người tham gia là chủ kinh doanh cá thể sẽ được bảo vệ khỏi những rủi ro, được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; mức hưởng tương đương với mức đóng góp.

Lo phát sinh chi phí thực hiện thủ tục hành chính

Ngoài các ưu điểm trên, đề xuất này cũng có những tác động liên quan đến chi phí thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký tham gia và đóng BHXH.

Cụ thể, theo dự thảo, chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ phải tự đăng ký và đóng BHXH theo từng tháng. Do vậy, nếu không có hình thức đăng ký tham gia và phương thức thu tiền đóng phù hợp và tiện lợi, sẽ phát sinh chi phí đánh đổi đối với mỗi cá nhân là chủ hộ kinh doanh cá thể trong việc thực hiện quy định tham gia BHXH bắt buộc theo từng tháng.

Các hộ kinh doanh sẽ phải tự thực hiện các thủ tục này bởi không phải hộ nào cũng đủ lớn để có thể thuê hoặc có một cá nhân đảm nhiệm các công việc liên quan đến kê khai BHXH, nhân sự...

Đối với người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, cũng giống như đối với nhóm đối tượng chủ hộ kinh doanh cá thể, mỗi cá nhân thuộc đối tượng nêu trên sẽ phát sinh kinh phí đóng BHXH (25%).

Đối với người làm việc không trọn thời gian, người lao động và người sử dụng lao động sẽ phải đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất (người lao động 8%, người sử dụng lao động 14%), Quỹ Ốm đau, thai sản (người sử dụng lao động 3%) trên tiền lương của người lao động.

Việc này sẽ làm phát sinh chi phí cho người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên, bù lại người lao động và người sử dụng lao động đều nhận được lợi ích từ việc tham gia đóng góp vào Quỹ BHXH.

Về tác động xã hội, cơ quan soạn thảo cho rằng, việc quy định bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh cá thể có thể sẽ gây phản ứng đối với các chủ hộ do điều kiện của các chủ hộ kinh doanh khác nhau, hoạt động kinh doanh cũng khác nhau. Hiện nay, quy định tại dự thảo luật cũng chưa có sự phân biệt giữa chủ hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động và không còn hoạt động.

Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết theo kế hoạch, dự thảo luật BHXH sẽ lấy ý kiến các tầng lớp nhân đến hết tháng 4. Bộ LĐ-TB-XH sẽ hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ.

Sau đó, trong tháng 8, Chính phủ trình dự thảo luật BHXH sửa đổi để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong kỳ họp cuối năm. Tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra tháng 5.2024), Quốc hội dự kiến thông qua để luật BHXH có hiệu lực từ đầu năm 2025. 

Tính đến năm 2022, số người tham gia BHXH là 17,49 triệu người (tăng 34,02% so với năm 2016), chiếm 33,89% lực lượng lao động, chiếm 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 16,03 triệu người (tăng 24,74% so với năm 2016).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.