Những nông dân Indonesia quyết giữ đất trong cuộc bùng nổ khai thác niken

15/03/2023 15:31 GMT+7

Một số nông dân cho rằng tình trạng khai thác mỏ niken rầm rộ đang đe dọa quyền sử dụng đất của họ và gây hại cho môi trường trên đảo Wawonii ở Indonesia.

Ba người phụ nữ cầm mã tấu đứng canh gác trên đỉnh đồi trang trại của họ ở đảo Wawonii của Indonesia, hướng lưỡi mã tấu về phía những người khai thác niken đang khai mở đất rừng bên dưới.

"Tôi chĩa mã tấu vào mặt họ. Tôi nói với họ: 'Chúng tôi sẽ bảo vệ vùng đất này cho đến chết'", bà Royani (42 tuổi), một người dân trong làng, kể lại cuộc chạm trán gần đây với một số thợ mỏ, theo AFP ngày 13.3.

Nông dân Indonesia quyết giữ đất trong cuộc bùng nổ khai thác niken - Ảnh 1.

Dân làng đứng trên khu đất canh tác của gia đình đang bị giải tỏa để khai thác niken trên đảo Wawonii

AFP

Địa điểm khai thác là một phần trong cuộc đổ xô của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tới Indonesia, nước sản xuất niken lớn nhất thế giới, để khai thác kim loại quan trọng được sử dụng trong pin xe điện, thép không gỉ.

Trong khi đó, nhiều người dân và các nhóm nhân quyền nói rằng tình trạng bùng nổ như trên đe dọa quyền sử dụng đất của nông dân và gây hại cho môi trường ở những khu vực như Wawonii, thuộc vùng giàu tài nguyên Sulawesi, nơi sinh sống của chim Maleo và các loài linh trưởng, theo AFP.

Nông dân đối đầu thợ mỏ

Trước viễn cảnh mất đất và kế sinh nhai, khoảng chục người dân Wawonii thay phiên nhau canh gác, ngăn chặn những người xâm phạm từ một túp lều được bao quanh bởi những cây đinh hương - một loại gia vị của vùng nhiệt đới, trong khi máy móc khai hoang rừng gầm rú bên dưới.

Bà Royani đã tham gia nỗ lực bảo vệ vùng đất sau khi một công ty Indonesia chặt bỏ hàng trăm cây đinh hương của gia đình bà trong tháng 1. "Chúng tôi đau đớn khi chứng kiến vườn cây bị phá hủy sạch", bà nói.

Nữ nông dân Indonesia cầm mã tấu giữ đất trong cuộc bùng nổ niken - Ảnh 2.

Trẻ em bơi lội gần nơi neo tàu của một công ty khai thác niken tại Roko-Roko, trên đảo Wawonii ngày 7.2.2023

AFP

Bà Royani cho biết thêm bà muốn bảo vệ không chỉ đất đai của gia đình mình khỏi bị xâm lấn thêm mà còn của những người hàng xóm. Tuy nhiên, những người nông dân như bà đang đối đầu với những đối thủ không dễ dàng.

Nhu cầu niken trên toàn cầu tăng vọt đã đẩy các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng với công ty xe điện Tesla của Mỹ và công ty khai thác mỏ Vale của Brazil, chú ý đến Indonesia.

Hàng chục nhà máy xử lý niken đang mọc lên ở Sulawesi, một trong những hòn đảo lớn nhất thế giới, và thêm nhiều dự án khác đã được công bố.

"Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu"

Công ty khai thác niken PT Gema Kreasi Perdana (PT GKP), thuộc sở hữu của một trong những gia đình giàu có nhất Indonesia, đang sở hữu 1.800 hecta đất ở Wawonii. Người dân địa phương cho hay công ty đang tìm cách mở rộng quy mô khi cho nhân viên liên tục tiếp cận dân trên đảo để hỏi mua đất.

PT GKP, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia cũng như cơ quan năng lượng địa phương ở tỉnh Đông Nam Sulawesi đều từ chối bình luận.

Nữ nông dân Indonesia cầm mã tấu giữ đất trong cuộc bùng nổ niken - Ảnh 3.

Bức ảnh chụp ngày 8.2.2023 cho thấy các công nhân sử dụng máy xúc trong quá trình thăm dò quặng niken của Gema Kreasi Perdana (GKP) trên đảo Wawonii

AFP

Trong khi đó, nông dân trồng điều Hastati (42 tuổi), tuyên bố rằng dù giá đất có cao, ông cũng không muốn bán, sau khi một phần đất của ông đã bị giải tỏa.

Một số người biểu tình ở Wawonii đã bị bắt sau khi cuộc tranh chấp đất đai gây ra các cuộc biểu tình, bạo loạn và trong một số trường hợp là đối đầu vũ trang.

Hastoma, một nông dân trồng dừa 37 tuổi, nói rằng ông đã bị giam giữ 45 ngày trong năm ngoái sau các cuộc đụng độ giữa dân làng và thợ mỏ. Hastoma cho biết thêm hai hecta đất của ông đã bị tịch thu sau khi ông được thả.

Những người dân làng khác đã chặn xe của những người khai thác mỏ và đốt cháy thiết bị máy móc hạng nặng, trong khi một số người bắt những người khai thác làm con tin, trói họ bằng dây thừng trong tối đa 12 giờ.

"Nếu tôi giữ im lặng... nơi chúng tôi sống sẽ bị phá hủy. Tôi sẽ tiếp tục chiến đấu để bảo vệ khu vực của chúng tôi", Hastoma tuyên bố, theo AFP.

Nguyên nhân mâu thuẫn

Việc quản lý quyền sử dụng đất đai ở một số vùng tại Indonesia được cho là còn bất cập, nhưng một sắc lệnh của tổng thống Indonesia được ban hành năm 2018 đã công nhận quyền của nông dân đối với đất công mà họ sử dụng.

Trích dẫn luật năm 2007 được thiết kế để bảo vệ các khu vực ven biển và những đảo nhỏ như Wawonii, các tòa án đã nhiều lần đưa ra phán quyết có lợi cho các nguyên đơn phản đối đầu tư khai thác mỏ.

Tuy nhiên, Jakarta đang tận dụng các nguồn lực của mình để thu hút các nhà đầu tư, với nhiều cuộc tranh chấp đất đai bắt nguồn từ các yêu sách chồng chéo do thiếu kiểm tra quyền sở hữu đầy đủ, theo AFP.

"Vấn đề là giấy phép thường được chính phủ đơn phương cấp. Nhưng người dân đã canh tác trên mảnh đất đó trong nhiều năm. Đây là nguyên nhân dẫn đến những xung đột như thế", ông Benni Wijaya, thuộc nhóm vận động Hiệp hội cải cách ruộng đất, nhận định.

Nữ nông dân Indonesia cầm mã tấu giữ đất trong cuộc bùng nổ niken - Ảnh 4.

Bức ảnh chụp từ trên không ngày 10.2.2023 cho thấy một nhà máy luyện niken do Virtue Dragon Nickel Industry (VDNI) vận hành ở Morosi, tỉnh Đông Nam Sulawesi

AFP

Trong số các nhà đầu tư quốc tế hàng đầu có những công ty Trung Quốc. Dữ liệu của chính phủ Indonesia cho thấy các công ty Trung Quốc đã bơm 8,2 tỉ USD vào quốc gia Đông Nam Á này trong năm ngoái, cao hơn gấp đôi so với con số 3,1 tỉ USD của năm 2021.

Ở miền trung Sulawesi, nhiều công ty Trung Quốc đã thành lập các cơ sở xử lý quặng niken của riêng họ và thậm chí còn xây dựng một bảo tàng niken.

Những khoản đầu tư như thế đi kèm với những hệ lụy, đó là làm ô nhiễm trầm trọng hơn và gây căng thẳng về điều kiện làm việc tồi tệ tại các cơ sở do Trung Quốc điều hành, bao gồm cả cuộc bạo loạn gây chết người hồi tháng 1.

Ô nhiễm nguồn nước

Bờ biển phía đông nam Sulawesi đã gánh chịu tác động môi trường của các mỏ. Tại một ngôi làng ở vùng Pomalaa của hòn đảo, những ngôi nhà sàn nằm trên lớp bùn đỏ gỉ sét, nơi trẻ em bơi lội trong làn nước đục ngầu.

Người dân địa phương cho biết đất bị ô nhiễm từ các mỏ niken bị nước mưa cuốn trôi xuống biển, biến vùng nước ven biển Thái Bình Dương thành màu đỏ đậm.

"Khi chưa có mỏ, nước không như thế này. Nó rất sạch", một người dân làng tên Guntur (33 tuổi), cho biết.

Nữ nông dân Indonesia cầm mã tấu giữ đất trong cuộc bùng nổ niken - Ảnh 5.

Bức ảnh chụp từ trên không ngày 11.2.2023 cho thấy một khu vực rừng ngập mặn chìm trong nước bị ô nhiễm ở Pomalaa, phía đông nam Sulawesi

AFP

Ngư dân cũng phải chịu tác động của ô nhiễm niken, và Asep Solihin cho biết giờ đây ông phải đi xa hơn nhiều so với trước đây để đánh bắt.

"Chúng tôi chỉ có thể sống qua ngày. Trên đó là mỏ, dưới kia là bùn. Thế hệ kế tiếp thì sao?", ông Asep (44 tuổi), đã tham gia những cuộc biểu tình phản đối các dự án khai thác mỏ, nói.

Công ty nhà nước PT Aneka Tambang Tbk (Antam) là một trong những công ty được cấp phép khai thác trong khu vực. Tuy nhiên, thư ký công ty Syarif Faisal Alkadrie khẳng định với AFP rằng "không có hoạt động khai thác nào" ở đó.

Ông Syarif nhấn mạnh rằng "công ty luôn cam kết thực hiện các nguyên tắc thực hành khai thác tốt" trong các hoạt động của mình, đồng thời lưu ý rằng các công ty khác đã được nhượng quyền sử dụng đất và hoạt động gần đó.

"Không còn lựa chọn nào khác"

Tuy nhiên, không phải tất cả người dân địa phương đều phản đối các dự án. Một số công việc được đảm bảo nhờ các khoản đầu tư và những người khác thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ của họ tăng lên.

Ông Sasto Utomo (56 tuổi) đã mở một quán bán cua xốt tiêu đen và cơm chiên gần lò luyện kim ở Morosi. "Tôi hoàn toàn ủng hộ các nhà máy. Trước đây chúng tôi không thể bán được…thu nhập của tôi đã tăng lên", ông Utomo chia sẻ và cho biết thêm ông đã mua một ngôi nhà và đất nông nghiệp bằng số tiền kiếm được.

Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và Ngân hàng Thế giới đánh giá nước này đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo trong những năm gần đây, theo AFP.

Trong một bài phát biểu vào tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố đất nước của ông sẽ "tiếp tục phát triển" với mục tiêu đạt được vị thế quốc gia phát triển.

Nữ nông dân Indonesia cầm mã tấu giữ đất trong cuộc bùng nổ niken - Ảnh 6.

Bức ảnh chụp từ trên không ngày 11.2.2023 cho thấy một khu vực rừng ngập mặn chìm trong nước biển bị ô nhiễm ở Pomalaa, phía đông nam Sulawesi

AFP

Trong khi đó, những người nông dân như bà Royani cho hay họ sẽ không chịu khuất phục trước xu hướng công nghiệp.

"Chúng tôi có thể làm gì?", bà Royani đặt câu hỏi. Bà cho hay đang dành phần lớn thời gian trong ngày để canh gác chống lại những kẻ xâm phạm.

Ông Kisran Makati, giám đốc Trung tâm Vận động và Nghiên cứu Nhân quyền Đông Nam Sulawesi, cho rằng các nông dân như bà Royani buộc phải bảo vệ đất đai của mình hoặc có khả năng mất chúng mãi mãi. "Không còn lựa chọn nào khác", ông Kisran nhận định, theo AFP.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.