Tết Nguyên đán năm nay không thể về nhà, mong ước của họ là dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi để sớm được quây quần, đón Tết muộn bên gia đình.
“Nhớ lắm! Chỉ muốn về gặp con”
Chị Phạm Thị Giang (34 tuổi, công nhân nhà máy nhiệt điện Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh) đang ở khu cách ly tập trung nơi chị đang làm việc. Dù toàn bộ công nhân ở đây đã có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng để đảm bảo an toàn và thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, chị phải ở lại cách ly và làm việc bình thường.
Chị Giang cho biết, làm ở bộ phận vận hành hoá, phải có người trực 24/24 nên chị ở khu cách ly do nhà máy bố trí và làm việc bình thường theo ca đã được phân công trước đó. Làm công nhân nhà máy nhiệt điện hơn 10 năm nhưng chưa bao giờ chị phải sống xa nhà, không được gặp con cái nhiều ngày như vậy.
“Khu cách ly được công ty bố trí nên tôi sẽ ăn uống, sinh hoạt ở đấy và đi làm. Tết nhất đến nơi nhưng vẫn phải ở đây, không được về với con cái, phải đi làm theo ca kíp bình thường để đảm bảo công việc”, chị Giang cho biết.
|
Cũng theo chia sẻ của chị Giang, phòng cách ly chị ở có 3 người, những lúc cần tiếp xúc, chị buộc phải đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn. Công ty bố trí chỗ ở, phát khẩu trang, nước sát khuẩn nên chị không lo lắng về điều kiện sống chỉ lo tình hình của hai con (một bé 8 tuổi, một bé 3 tuổi) ở nhà.
“Chồng tôi cũng làm trong nhà máy nhưng trước đó nghỉ làm để trông con, cũng may điện thoại có mạng, hình ảnh đầy đủ nên tôi thường xuyên gọi điện về. Nhà cũng có camera nên rảnh tôi nhìn qua xem các con làm gì cho đỡ nhớ. Từ bé đến lớn các con chưa phải xa mẹ, thằng anh lớn còn đòi đi cách ly với mẹ, khổ mấy cũng chịu nhưng không cho nó vào được, buộc phải ở nhà”, chị Giang tâm sự.
Tết Nguyên đán năm nay chị dự định sẽ cùng cả nhà về quê ở Phủ Lý (Hà Nam) cùng gia đình. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trở lại dự định đó sẽ phải tạm gác lại, chấp nhận đón cái Tết không trọn vẹn.
“Ở nhà cũng có thức ăn dự trữ, hoa quả, bánh kẹo ngày Tết tôi cũng sắm từ trước đó. Giờ chỉ mong hết dịch để về chứ chán lắm, điều kiện sinh hoạt trong khu cách ly đầy đủ nhưng vẫn không thể sánh được với về nhà cùng gia đình”, chị Giang nói.
“Không dám gọi video vì sợ con khóc”
Anh Nguyễn Trường Sơn (34 tuổi) là công nhân vận hành của nhà máy Mạo Khê cũng phải đi làm bình thường như các đồng nghiệp khác dù đang ở trong khu cách ly. Nhà anh cách chỗ làm việc 2km nhưng anh không thể về nhà, không được gặp con do đang phải cách ly tập trung vì dịch Covid-19.
“Đặc thù vận hành ở nhà máy điện phải có người 24/24, thiếu một người cũng không được. Bình thường cứ hết ca làm việc sẽ về với gia đình nhưng năm nay buộc phải cách ly nên làm gì có Tết mà ăn. Tôi cũng tự động viên bản thân tình hình dịch bệnh chung, mỗi người cố gắng một tý để sớm về với vợ con, Tết nhất không có mình ở nhà cũng chán”, anh Sơn buồn bã nói.
Anh Sơn có hai đứa con (một bé lớp 4, một bé lớp 1), nơi làm việc và nhà ở hai phường khác nhau nên anh không thể về nhà gặp con. Dù rất nhớ nhưng anh không dám gọi video vì sợ các bé sẽ khóc, chỉ biết mong thời gian trôi nhanh để cuộc sống trở lại bình thường.
“Dịch bệnh nên buộc phải ở đây, các con ở nhà vợ chăm sóc. Giờ tôi không dám gọi video về nhà vì các con toàn khóc thôi, bọn trẻ thấy mình sẽ khóc nên chỉ gọi cho vợ, cho các con đá đưa mấy câu là được rồi”, anh Sơn ngậm ngùi.
|
Cùng hoàn cảnh với các đồng nghiệp khác, chị Hoàng Thị Dung (31 tuổi, ở phường Sao Đỏ, TP Chí Linh) phải gửi hai con cho bà ngoại còn chị cách ly tại nơi làm việc là nhà máy nhiệt điện Mạo Khê.
Dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp nên chị phải thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi đi làm. Nếu không có dịch, mùng 1 Tết Nguyên đán chị sẽ được nghỉ về ăn Tết với gia đình. Chồng chị làm bên đoàn thanh niên, đứng chốt cả ngày nên các con ở nhà cùng bà ngoại.
“Từ khi có thông tin dịch trở lại tôi ở lại nhà máy luôn, ngày nào cũng gọi 5 – 6 cuộc vì nhớ con nhưng không làm gì được. Cũng may các con nhà tôi từ bé quấn ông bà hơn nên cũng đỡ nhưng phải lâu nữa mới được về nhà. Chưa bao giờ phải xa nhà như vậy nên nhớ các con, gọi điện về nhà dặn không được đi chơi, chỉ ở nhà không các bác sĩ, công an sẽ bế con đi nên các bé cũng nghe lời, yên tâm hơn để làm việc”, chị Dung thở dài.
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Dung cho hay, ban lãnh đạo công ty đã hứa không có người nào không có Tết nhưng tạm xa gia đình khiến chị cảm thấy buồn và hụt hẫng.
“Niềm mong muốn lớn nhất của tôi ở thời điểm hiện tại là hết dịch, sức khoẻ mọi người tốt để sớm về với gia đình còn đâu chả mong gì thêm nữa”, chị Dung tâm sự.
Với những công nhân nhà máy nhiệt điện như chị Giang, anh Sơn và chị Dung dù đang ở trong khu cách ly nhưng họ vẫn cố giữ gìn sức khoẻ, làm tốt công việc để đảm bảo tiến độ. Tết nay không thể về với gia đình nên họ tự động viên nhau thời gian trôi nhanh và sẽ được đón Tết muộn cùng những người thân yêu.
Bình luận (0)