Bác sĩ trở thành doanh nhân xuất sắc châu Á
Xuất thân là một bác sĩ dinh dưỡng nhưng Tổng giám đốc Công ty Nutifood Trần Thị Lệ lại cho thấy bản lĩnh của một nữ tướng trên thương trường khi chèo lái con thuyền NutiFood nhiều lần vượt bão ấn tượng. Đặc biệt trong đại dịch, Nutifood không chỉ cho thấy sức sống của một thương hiệu Việt mà còn trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội trong lúc nguy nan. Đó là lý do Nutifood được tôn vinh “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” (bình chọn của Enterprise Asia) và Tổng giám đốc NutiFood - bác sĩ Trần Thị Lệ được tổ chức phi chính phủ hàng đầu về kinh doanh khu vực châu lục này vinh danh là “Doanh nhân xuất sắc châu Á”.
Từ trái qua: Bà Trần Thị Lệ, bà Cao Thị Ngọc Dung và bà Nguyễn Thị Mai Thanh |
nvcc |
Bác sĩ Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Công ty Nutifood, thừa nhận công ty đã phải chịu rất nhiều áp lực trong suốt hơn 2 năm đối mặt với đại dịch Covid-19. “Thời điểm đại dịch bùng phát, áp lực lớn nhất của công ty là làm sao đảm bảo sức khỏe cho tất cả cán bộ công nhân viên và sản xuất thông suốt để đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường. Chúng tôi coi sản xuất là nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe của người dân và đóng góp cho xã hội nên bằng mọi giá không thể ngưng sản xuất. Đến khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới thì lại áp lực làm sao cho chiến lược của công ty vẫn có thể triển khai hiệu quả”, bà Lệ nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, tặng hoa các đại diện nữ lãnh đạo quản lý, trí thức và văn nghệ sĩ tiêu biểu |
TT XVN |
Đó là lý do người ta thấy Nutifood có mặt trên khắp các “mặt trận” chống dịch. Từ tiếp sức cho các bác sĩ, đến bộ đội biên phòng vùng sâu vùng xa, các mái ấm tình thương; chương trình giảm giá tới 50% ở nhiều địa phương, thiếu shipper thì nhân viên công ty tình nguyện giao hàng. Lăn xả vào công việc thiện nguyện nhưng nói đến giải thưởng thì bác sĩ Lệ chỉ cười giản dị: “Lúc làm thì chỉ vì yêu thích, mong muốn được đóng góp nên càng không nghĩ tới giải thưởng cá nhân. Tất nhiên được ghi nhận thì cũng vui vì đó như một sự động viên cho mình nhưng không có giải thưởng thì lúc nào tôi cũng vậy. Nó như niềm vui sống của mình rồi. Quan điểm của tôi là làm việc gì cũng phải hết mình. Sống phải có ích, đóng góp được cho xã hội và cộng đồng”.
Hỏi bí quyết giúp đưa NutiFood “vượt bão” ấn tượng, “nữ tướng” của công ty thực phẩm dinh dưỡng hàng đầu VN khẳng định: Sự thành công và phát triển của công ty đến từ đóng góp của tất cả mọi người, từ Ban Giám đốc tới các cán bộ, công nhân viên, cho tới mỗi người lao động… không chỉ nhờ riêng cá nhân nào. Tất nhiên, doanh nghiệp cần sự định hướng về mặt chiến lược của những người đứng đầu, nhưng để thành công cần hài hòa tất cả các yếu tố đến từ mọi nguồn lực trong công ty. NutiFood luôn có định hướng lâu dài, bền bỉ với phương châm xuyên suốt được thấm nhuần là luôn đổi mới, đột phá và tinh thần muốn cống hiến cho xã hội.
“Phụ nữ làm kinh doanh thường có sự rắn rỏi, quyết đoán của đàn ông nhưng ngoài ra còn có thêm tính tỉ mỉ, kiên trì, chăm chút mọi thứ từng li từng tí, muốn cái gì cũng phải hoàn hảo. Đây có thể cũng là lợi thế giúp tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu phát triển, đặc biệt trong ngành dinh dưỡng. Mình hay để ý tới cái đẹp, muốn ăn ngon, dùng đồ dinh dưỡng nên sẽ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, luôn muốn đổi mới để tạo ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng. Nếu đây cũng được coi là bí quyết thì cứ tạm trả lời vậy đi”, bà Lệ kết thúc cuộc trò chuyện ngắn với chúng tôi bằng nụ cười.
“Nữ tướng” ngành kim hoàn VN
Cách đây 2 tuần, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là doanh nghiệp VN duy nhất nhận được danh hiệu “Nhà sản xuất, chế tác trang sức xuất sắc nhất của năm 2021” thuộc giải thưởng của ngành kim hoàn thế giới Jewellery World Awards (JWA).
Giải thưởng trên đã khẳng định năng lực chế tác nữ trang đẳng cấp quốc tế của PNJ. Nói đến công ty nữ trang này, hầu như từ khách hàng đến doanh nghiệp đều nghĩ ngay đến bà Cao Thị Ngọc Dung - người đã giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt nhất của PNJ từ ngày thành lập cho đến hiện tại gần 34 năm. Hiện bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ và là “linh hồn” của thương hiệu nữ trang nổi tiếng nhất VN. Bà cũng từng được tạp chí Forbes vinh danh là 1 trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á. Đây cũng là kết quả ghi nhận những nỗ lực không ngừng của vị nữ doanh nhân này trong quá trình phát triển PNJ nói riêng và ngành kim hoàn VN nói chung.
Bà Dung kể lại: Năm 1992 có một công ty của Úc đến TP.HCM đề nghị hợp tác sản xuất nữ trang thì thành phố giao cho PNJ. Nhưng sau khi nghiên cứu, bà quyết định không hợp tác nữa mà sẽ tự đầu tư bởi VN đã có thế mạnh về nghề thủ công truyền thống. Kể từ đó, PNJ liên tục đầu tư máy móc, cho kỹ sư đi đào tạo trong và ngoài nước... Kết quả trong vòng 15 năm trở lại đây, VN đã không hề thua bất cứ nước nào trong khu vực về chế tác, kỹ thuật sản xuất trang sức. PNJ cũng là đơn vị có đội ngũ chuyên gia thiết kế, sáng tạo gần 100 thành viên được đào tạo chuyên nghiệp cùng lực lượng nghệ nhân, thợ kim hoàn lành nghề hơn 1.000 người và luôn chú trọng đội ngũ kế thừa.
Các hoạt động thiện nguyện gần đây của vị nữ doanh nhân này thực hiện gắn liền với vai trò người đứng đầu Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) với gần 600 hội viên. “Chỉ cần còn sức và có thể làm được là còn quyết tâm và không hề sợ hiểm nguy từ dịch bệnh”, bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ.
“Bông hồng thép” ngành cơ điện lạnh
Tháng 8.2020, một cuộc chuyển giao quyền lực tốn không ít giấy mực của ngành truyền thông khi bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) - sau 35 năm ngồi ghế thuyền trưởng REE, đã chính thức “trao chìa khóa” đảm nhận vị trí Tổng giám đốc cho ông Huỳnh Thanh Hải.
Trong bài phát biểu, bà nhấn mạnh: “35 năm trước, đúng thời điểm VN có chính sách đổi mới, tôi được trao chiếc chìa khóa đảm nhận vị trí Tổng giám đốc. Công ty không có vốn liếng, tài sản, nhưng tôi cần được chọn một đội ngũ trẻ để cùng dấn thân xây dựng REE. Tôi từng nói với lãnh đạo tiền nhiệm như thế. Tôi ước mơ xây dựng REE là một công ty uy tín, dù chưa lớn, nhưng phải đẹp, tốt, để đời… Tuy VN tại thời điểm đó khó khăn, tôi lao vào làm việc với khát vọng thành công, tinh thần tự hào dân tộc đã thôi thúc để tôi dẫn dắt đội ngũ xây dựng REE như hôm nay. Tôi tiếp nhận những điều mới mẻ, như đón nhận một món quà quý giá: cổ phần hóa, phát hành trái phiếu quốc tế, niêm yết cổ phiếu, đi tiên phong áp dụng điều lệ tốt nhất”.
Nhiều mỹ từ gắn cho bà như người tiên phong, thuyền trưởng REE, riêng cá nhân mình, bà tự nhận là týp phụ nữ cấp tiến, có tố chất lãnh đạo từ nhỏ, luôn học hỏi, tìm tòi cái mới. Bà bộc bạch: “Hết 3 quý trong năm qua, ngành cơ điện hầu như không làm gì, ngay cả quý cuối năm, khi xã hội trở lại bình thường mới thì ngành cũng chưa thể bắt tay vào phục hồi ngay được. Cá nhân tôi có 3 tháng làm việc ở nhà, tự xây dựng nếp “work from home” cho mình và lực lượng lao động. Một thói quen được hình thành và những tưởng rằng chúng ta cũng thấy thoải mái khi làm việc tại nhà. Thế nhưng, xã hội thực ra thay đổi liên tục, chỉ sau gần nửa năm mở cửa trở lại, nhu cầu đi làm, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp… vẫn vô cùng quan trọng. Cho nên, mảng cho thuê văn phòng, mảng cơ điện lạnh phát triển trở lại. Các tòa nhà không bao giờ ngưng hoạt động vĩnh viễn, có chăng chỉ tạm ngưng và sau đó là tăng tốc xây mới. 20 - 30% tiện ích của một tòa nhà phụ thuộc phần lớn vào hệ thống cơ điện lạnh. Nó là “trái tim” của tòa nhà. Một môi trường làm việc thoáng khí, luồng gió luôn tươi mới hay không, phụ thuộc vào thiết kế và trang thiết bị của hệ thống thông gió của tòa nhà mang lại. Các nhà cung cấp cơ điện lạnh phải đưa được nội dung “fresh air” vào từng chi tiết khi cung ứng. Đó cũng là triết lý kinh doanh của tôi, phải luôn tươi mới, “fresh” liên tục và phải luôn đặt mọi thứ trong tình trạng giám sát kỹ, không nên chủ quan lơ là”. Tuy nhiên, với REE, không chỉ có mảng kinh doanh cho thuê bất động sản, cơ điện lạnh mà nhiều năm qua đã đầu tư vào năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và trở thành mục tiêu dài hạn của công ty này.
Nữ doanh nhân luôn có tố chất đặc biệt
PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp, nhận định: Với nữ giới làm doanh nhân, nếu không có tố chất đặc biệt, khó nói đến thành công. Đó là sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, có tính tự lập tự cường cao, dám hy sinh theo đuổi mục tiêu đến cùng... Nên xét một cách nào đó, doanh nhân nữ thường chịu nhiều thiệt thòi hơn doanh nhân nam trong tố chất mạo hiểm, khả năng chịu đựng... Song với những doanh nhân nữ thành đạt, có vị trí xã hội nhất định, rõ ràng họ đã đánh đổi nhiều thứ và có tố chất quyết đoán mạnh mẽ hơn nhiều.
Thế nên, xét về khía cạnh nào thì doanh nhân nữ thành đạt đáng nhận được sự ủng hộ, khen thưởng, trân trọng của xã hội bởi khí khách của họ. Nên nhớ, rất nhiều doanh nghiệp mà thuyền trưởng là nữ, bên dưới lại có nhiều nhà quản lý, nhân viên nam giỏi. Họ, nếu không có khí phách, không có khả năng tổ chức đáng nể, làm sao “thu phục” được những người là phái nam, giỏi về chuyên môn, lĩnh vực nào đó. Như nói trên, nữ giới vẫn bị thiệt thòi nếu không nói là hy sinh. Một ngày với nam doanh nhân trong 24 tiếng, có thể bỏ ra 12 - 14 giờ để làm việc, còn lại nghỉ ngơi. Nhưng nữ doanh nhân lại không thể, nhiều yếu tố khiến họ mất sự tập trung, phân tâm hơn nên thời gian dành cho cá nhân của họ rất ít hơn nhiều.
Có một nghiên cứu mới đây về doanh nhân nữ đáng quan tâm là họ có thể quản lý điều hành mọi ngành nghề, không phân biệt, ngành công nghiệp nặng, cơ khí…. Song song đó, cũng có những ngành mà chỉ nữ doanh nhân làm, nam doanh nhân không làm được. Chẳng hạn, các lĩnh vực nhấn mạnh yếu tố nhân văn, con người thì doanh nhân nữ là lợi thế lớn. Chính Liên hiệp quốc đưa thuật ngữ này vào từ ngữ chính thống từ năm 2019. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố nhân văn, yếu tố con người trong một doanh nghiệp bằng đo lường sự thỏa mãn hài lòng của người lao động, chứ không phải nhắm đến sản phẩm đó. Như vậy, doanh nhân nữ có lợi thế hơn, có cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn, tình cảm, thiện chí hơn… nam doanh nhân.
PGS-TS Nguyễn Mạnh Quân
Bình luận (0)