Những ông bà “bầu” cứng đầu

24/02/2012 03:42 GMT+7

Cải lương năm nay rất hiu hắt. Nhưng trong bối cảnh đó vẫn có những đốm lửa sáng lên. Lửa được giữ bằng cái tâm, quyết không bỏ nghề…

Cải lương năm nay rất hiu hắt. Nhưng trong bối cảnh đó vẫn có những đốm lửa sáng lên. Lửa được giữ bằng cái tâm, quyết không bỏ nghề…

Đạo diễn Nguyên Đạt nổi tiếng là “ông bầu” dám hy sinh nhà cửa, vợ con vì cải lương. Lận đận lao đao cả chục năm trời nhưng quyết không lùi bước, dù phải vào nhà tập thể của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM vừa ở vừa giảng dạy, rồi dựng tuồng, viết kịch bản, tổ chức biểu diễn. Tết vừa rồi, hầu như cải lương Sài Gòn im hơi lặng tiếng, chỉ một mình anh bỏ hơn 100 triệu đồng dựng vở Cưới vợ năm rồng tại rạp Nam Quang diễn suốt từ mùng 1 tới mùng 7, mà lại hát suất trưa, vì buổi tối thuộc quyền khai thác của các nhóm tấu hài. Đồng nghiệp phán một câu: “Gan trời! Nhưng chúng tôi phải nể Nguyên Đạt”.

Danh hài Hoài Linh đã “máu lửa” cùng với Nguyên Đạt, vì chính anh cũng yêu cải lương không kém. Hoài Linh đóng vai chính trong vở, ca diễn cực kỳ có duyên. Nhưng anh còn nhiệt tình đến mức đi sớm, đứng ngay cửa rạp chào mời bà con vô mua vé. Nguyên Đạt nói: “Hát đến 3, 4 suất mà Hoài Linh không nói gì đến cát sê. Ảnh vậy đó, nhìn xuống rạp thấy ít khách là không đòi tiền, cứ để cho tụi tôi trang trải chi phí trước đã. Nhiều sô ảnh còn hát giúp không, để anh em gây quỹ. Chưa kể, vì hát nơi này mà anh đã hủy mấy sô nơi khác”. Đầu năm, Nguyên Đạt không lời lãi gì nhưng anh cười rất vui vì cải lương sáng đèn.

 
Hoài Linh (giữa, vai Long Gia), Vân Hà (Ngọc Long), Võ Minh Lâm (Kim Long) trong vở Cưới vợ năm rồng  - Ảnh: H.K

Kênh truyền hình HTVC và Công ty Mekong Artist của nghệ sĩ Linh Huyền cũng làm một nghĩa cử đẹp khi dàn dựng vở Trúng độc đắc tại Nhà hát TP.HCM vào đầu năm. Bà bầu Linh Huyền chịu lỗ mấy chục triệu để cải lương giữ lửa ngày xuân. Và chị cũng đã giữ lửa cho cải lương từ nhiều năm nay bằng các vở như Bà chúa thơ nôm, Một ông hai bà, chương trình Hồn Việt… 

Người giữ lửa đáng được tuyên dương là ban lãnh đạo và anh em nghệ sĩ Nhà hát Trần Hữu Trang, suốt năm qua đã mở lớp đào tạo diễn viên trẻ rồi chăm chút từng em. NSƯT Bạch Tuyết - một trong những người thầy tâm huyết, nói: “Chúng tôi dạy chính quy lẫn truyền nghề thực tế, nên các em tiến bộ rất nhanh. Nâng niu lắm, bởi các em là thế hệ tiếp nối. Tại sao mình không trồng cây, mà cứ đòi hái quả!”. Cho nên, điều kỳ diệu đã xảy ra khi có đến 8 học viên của lớp này lọt vào vòng chung kết giải Trần Hữu Trang (diễn ra từ 18 - 25.2 tại TP.HCM).

Bạc Liêu - cái nôi của vọng cổ, và Cà Mau - vùng “địa linh nhân kiệt” của cải lương, cũng có số người trẻ lọt vào chung kết nhiều nhất so với các địa phương khác. Rải rác tỉnh nào cũng có người trẻ say mê cải lương, chấp nhận bước vào con đường khó khăn và thử thách. Nhìn họ thanh xuân trên sàn diễn, chợt chạnh lòng, không biết có trái tim nào đồng cảm để tạo điều kiện cho họ theo nghề? Hay là không rạp, không tuồng, họ sẽ phải chạy sô tạp kỹ, ngọn lửa dần lụi tàn đau xót?

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.