Những ông quan... đi lạc

15/06/2020 04:24 GMT+7

Bộ LĐ-TB-XH vừa bất ngờ thay đổi kế hoạch thanh tra năm 2020.

Thay vì thanh tra về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như đã định, bộ này sẽ tập trung vào việc thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo, trọng tâm là rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc.
Một trong những lý do của sự thay đổi này chính là một loạt sai phạm trong việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, khi dư luận và cơ quan chức năng phát hiện tình trạng đưa tên người nhà cán bộ, lãnh đạo vào danh sách hộ cận nghèo để nhận tiền hỗ trợ tại nhiều địa phương. “Hộ cận nghèo” là những hộ rất giàu “ở cạnh hộ nghèo” đã trở thành chuyện bỡn cợt đầy chua xót trong dư luận những ngày qua.
Đại dịch Covid-19 đã đặt đất nước vào những điều kiện đặc biệt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lần phát biểu tại Quốc hội mới đây đã nói, có lẽ từ khi thành lập nước vào năm 1945 tới nay, đây là lần đầu tiên Chính phủ hỗ trợ tiền cho người dân thay vì huy động sự ủng hộ.
Các gói hỗ trợ lên tới gần 100.000 tỉ đồng cho người dân, theo người đứng đầu Chính phủ, có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Thế nhưng, sự đặc biệt ấy dường như không làm thay đổi mối lo về sự trục lợi chính sách của một số cán bộ, lãnh đạo tại địa phương.
Ngay từ khi đề xuất đầu tiên về gói hỗ trợ 62.000 tỉ được đặt lên bàn nghị sự của cơ quan Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lưu ý: không để trục lợi chính sách hỗ trợ người dân. Song, tình trạng “bò đi lạc vào nhà quan”, “quan đi lạc vào hộ cận nghèo” vẫn tái diễn.
Thật đau lòng khi phải thừa nhận thực tế rằng, cứ mỗi khi Chính phủ có chương trình hỗ trợ người dân bị thiệt hại trong thiên tai, dịch bệnh thì một bộ phận không nhỏ cán bộ chính quyền địa phương lại coi đó như một cơ hội để trục lợi. Đó là điều được chính các đại biểu Quốc hội nói tại hội trường Diên Hồng của nhà Quốc hội, trên sóng truyền hình trực tiếp 2 ngày trước đây. “Ăn của dân không từ thứ gì” là nhận xét rất đau lòng nhưng rất thực.
Vì vậy, thực hiện thanh, kiểm tra đến nơi đến chốn để xử lý nghiêm những cán bộ trục lợi, tìm cho ra những “con bò đi lạc vào nhà quan”, những “ông quan đi lạc vào hộ cận nghèo” là việc người dân rất trông đợi lúc này. Bởi chắc chắn rằng, đây không chỉ là hiện tượng cá biệt hay hy hữu tại một vài địa phương.
Thế nhưng, quan thì xa, bản nha thì gần, dù Chính phủ, các bộ, ngành có “ba đầu sáu tay” cũng không thể kiểm soát hết được một khi các bản nha đã muốn trục lợi. Do đó, quan trọng hơn những cuộc thanh tra rầm rộ mà nhiều khi hời hợt, hình thức, chỉ khi có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn những kẻ cơ hội “đi lạc” vào bộ máy lãnh đạo dù ở cấp nào, đất nước mới hết những ông quan luôn tìm cách đi lạc để trục lợi bất chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.