(TNO) Trước bài phát biểu gây sốc của HLV Toshiya Miura, những ông thầy ngoại khác như Karl-Heinz Weigang, Falko Goetz, Edson Tavares, Alfred Riedl... đều để lại những cảm nhận khá tiêu cực về Bóng đá Việt Nam trước khi ra đi.
>> Nhận xét của HLV Miura đúng nhưng chưa khách quan
>> HLV Miura căng thẳng với Bóng đá Việt Nam
>> VFF cần HLV giỏi để 'chia lửa' với ông Toshiya Miura
>> Khó tìm người làm phó cho HLV Miura
>> HLV Miura tiếp tục hướng về cầu thủ trẻ
|
* HLV Alfred Riedl: "Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc!"
Năm 1998, nhà cầm quân người Áo lần đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi, ông đã nhận ra rất nhanh rằng, những người làm Bóng đá Việt Nam chỉ chăm chú vào đội tuyển quốc gia để chạy theo thành tích mà quên đi rằng bóng đá trẻ mới là cái gốc mà bất cứ nền bóng đá nào cũng phải đầu tư và phát triển.
Sau đó, ông đã có nhận xét rất chính xác và được coi là bất hủ: “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc".
* HLV Karl-Heinz Weigang: "Các anh bán trận này bao nhiêu?"
Tiger Cup 1996 tổ chức tại Singapore, một năm sau thành công ngoạn mục của đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 18 với ngôi vị á quân.
Đội tuyển Việt Nam thi đấu ở bảng A, cùng các đội Indonesia, Myanmar, Lào và Campuchia. Trước khi đặt chân tới Singapore, toàn đội đã có chuyến tập huấn dài ngày tại Đức, quê hương của HLV Weigang, với những thông báo khả quan.
Mọi chuyện bắt đầu xấu đi khi đội tuyển Việt Nam có một trận thắng chật vật ngày ra quân trước đội yếu nhất bảng, Campuchia, 3-1 và lên đến đỉnh điểm là trận hòa 1-1 trong thế rượt đuổi tỷ số với Lào. Có được kết quả hòa này là nhờ cú sút phạt chính xác của tiền đạo Lê Huỳnh Đức trong hiệp 2, cú sút mà sau này được gọi là cú “đá bể nồi cơm đồng đội”.
Ngay thời gian nghỉ giữa hai hiệp trận gặp Lào, HLV Weigang đã nổi cơn thịnh nộ lớn tiếng đe dọa đuổi về nước nhóm cầu thủ thi đấu sa sút rất khó hiểu từ đầu giải. Thậm chí, ông Weigang còn vừa hỏi vừa chỉ tay vào ví: “Các anh bán trận này bao nhiêu?".
Rất may sau đó, trước tài thuyết khách khéo léo của Trưởng đoàn Tô Hiền, ông Weigang đã đồng ý để 4 “nghi can” ở lại, tiếp tục thi đấu và giành chiến thắng 4-1 trước Myanmar, thủ hòa Indonesia 1-1 để vào bán kết.
Trước đó, cũng chính ông Tô Hiền là người đã đứng ra dàn xếp những mâu thuẫn giữa HLV Weigang và các trợ lý người Việt, sau khi những trợ lý này “quát” thẳng vào mặt ông thầy người Đức: “Ông cũng chỉ là người làm thuê…”.
|
* HLV Dido: "Tôi không hợp với chương trình đào tạo bóng đá của VFF"
Nhà cầm quân người Brazil từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam trong giai đoàn 2001-2002, được đánh giá là mẫu HLV nghiêm khắc, không chấp nhận sự buông thả của các “sao mới mọc”.
Sau thất bại của U.23 Việt Nam tại SEA Games 21 (2001), VFF đã chấm dứt hợp đồng sớm với HLV Dido. Trước khi rời Việt Nam, ông Dido từng nói: "Tôi không hợp với chương trình đào tạo bóng đá của VFF. Họ đặt ra mục tiêu nhưng không cho HLV thời gian và cơ hội để thực hiện chiến lược. Một năm để tạo dựng một đội tuyển đủ sức thi đấu ở các giải lớn đã khó, huống chi tôi mới chỉ cầm quân vài tháng".
* HLV Edson Tavares: "Bóng đá Việt Nam chậm tiến vì thay HLV xoành xoạch"
Ngày 24.11.1994, Edson Tavares ký vào bản hợp đồng 1 năm để trở thành ông thầy ngoại đầu tiên của Bóng đá Việt Nam Tuy nhiên, chỉ sau đúng 45 ngày với kỳ tích khi đưa cả 2 đội tuyển Việt Nam vào bán kết Cúp Độc Lập trên sân Thống Nhất (TP.HCM), vị HLV người Brazil đầy cá tính này đã phá ngang hợp đồng để ra đi vì va chạm với Liên đoàn.
Ngày 11.3.2004, ông Tavares trở lại Việt Nam và 11 ngày sau ký hợp đồng làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam lần thứ hai.
Tuy nhiên lần trở lại này là một thất bại của cả ông Tavares và Bóng đá Việt Nam với 15 trận đấu, trong đó có 6 trận thắng, 2 trận hòa và 7 trận thua. Trận thua dẫn đến quyết định từ chức của Edson Tavares là trận thua đội tuyển Indonesia 0-3 ngay trên sân Mỹ Đình (11.12.2004) tại Tiger Cup 2004.
“Bóng đá Việt Nam có nhiều thành tích nhưng mới chỉ quẩn quanh trong khu vực và một ít ở châu Á. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo quan điểm của riêng tôi cũng chỉ vì Việt Nam thay HLV ngoại xoành xoạch.
Singapore thay 3 HLV trong vòng 9 năm, Thái Lan thay 2 HLV cũng trong 9 năm thì vẫn với khoảng thời gian ấy Việt Nam đổi tới 8 đời HLV. Thật kinh khủng! Điều này đã làm cản trở bóng đá tiến lên", HLV Tavares đã thẳng thắn tuyên bố như thế sau khi bị VFF chấm dứt hợp đồng.
|
* HLV Falko Goetz: "Đừng nên đánh giá thấp Việt Nam"
Tháng 5.2011, ông Falko Goetz ký hợp đồng hai năm với VFF. Mục tiêu mà ông thầy người Đức phải làm là đưa U.23 Việt Nam tối thiểu lọt vào chung kết SEA Games 26. Kết quả U.23 Việt Nam thậm chí không giành được tấm HCĐ an ủi.
Trong 6 tháng ngắn ngủi "làm việc", HLV người Đức đã để lại cho người hâm mộ Việt Nam một câu nói rất... ngoại giao: "Việt Nam có 85 triệu dân và đó là tiềm năng lớn để xây dựng một đội tuyển vững mạnh. Đừng nên đánh giá thấp Việt Nam".
* HLV Letard: "Cầu thủ bị stress ngay từ khi còn đang hát quốc ca"
Đây là nỗi ám ảnh lớn nhất cho VFF. HLV người Pháp chỉ có 6 tháng hợp đồng (từ tháng 2 đến tháng 8.2002) và sớm bị phát hiện ra là kém cỏi về chuyên môn, nhưng lại giỏi việc kiện cáo mà đỉnh điểm là VFF bị Tòa án thể thao của FIFA bắt phạt hơn 200.000 USD vì đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Sau khi U.23 bị loại khỏi LG Cup (4.8.2002), ông Letard phát biểu: "Các bạn thất vọng là đúng thôi, nhưng tôi xin nhắc lại rằng LG Cup không phải là mục tiêu của tôi. Dẫu sao qua giải đấu này tôi cũng đã khám phá khả năng thực thụ của các cầu thủ, người nào chơi tốt, người nào bị stress ngay từ khi còn đang hát quốc ca...".
Lĩnh Nam
Bình luận (0)