Những phát hiện về Ai Cập cổ chấn động năm 2016

17/12/2016 12:01 GMT+7

Năm 2016, thế giới chứng kiến nhiều phát hiện mới trong lĩnh vực khảo cổ học tại Ai Cập, hé lộ những bí ẩn chưa từng được khám phá trong suốt nhiều ngàn năm qua.

Giấy cói cổ nhất Ai Cập
Trong năm qua, các chuyên gia đã lần đầu tiên công bố đoạn văn bản cổ nhất từng lưu trữ trên giấy cói. Niên đại của nó có từ thời vua Khufu, người trị vì Ai Cập cổ đại vào thế kỷ thứ 26 trước Công nguyên. Kết quả phân tích nội dung cho thấy tài liệu trên là một phần nhật ký của người tên Merer, quan chức từng tham gia công cuộc xây dựng kim tự tháp lớn ở Giza.
Được phát hiện vào năm 2013 tại cảng Wadi El-Jarf trên bờ Hồng Hải, cách thị trấn Suez khoảng 120 km về hướng nam, cuộn giấy cói đã được trình làng tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo vào ngày 14.7.2016 sau thời gian giải mã và phân tích.
Bất ngờ ở ngôi làng nhỏ
Trong lúc lục soát một ngôi nhà bình thường ở làng Al-Nakhl gần TP.Edfu của Ai Cập, giới hữu trách đã tìm được bức tượng vô giá của vua Amenhotep III, trị vì vào thế kỷ 14. Bức tượng cao 1,5 m, làm bằng đá granite đen, được phát hiện trong tình trạng hoàn hảo, nhưng bị nhét vào một góc phòng như những đồ tạo tác bình thường. Thông thường, những bức tượng như thế này chỉ xuất hiện trong các viện bảo tàng danh tiếng như Bảo tàng Anh ở London và Louvre tại Paris.
Phát hiện mới về Ramesses III
Chuyên gia về bức xạ của Đại học Cairo, Sahar Saleem đã tiến hành thẩm định di hài của pharaoh Ramesses III, người bị sát hại trong vụ binh biến vào thế kỷ thứ 12 trước Công nguyên. Bà phát hiện vị vua xấu số đã thiệt mạng do nhiều vết thương xuất phát từ đủ loại vũ khí, như rìu bổ vào đầu, ngón chân bị chặt đứt và dao cứa cổ. Sau khi chết, Ramesses III được “thẩm mỹ” cẩn thận để có bề ngoài đẹp đẽ hơn trên đường đến suối vàng.
Di hài của nữ hoàng sắc đẹp Nefertari
Năm 2016 cũng chứng kiến phát hiện quan trọng có liên quan đến xác ướp, đặc biệt thu hút sự chú ý của thế giới. Vào ngày 30.11, các nhà nghiên cứu tuyên bố cuối cùng đã giải mã được bí ẩn về đôi chân được ướp, từng được tìm thấy trong mộ phần của nữ hoàng Nefertari vào năm 1904.
Kết quả phân tích cho thấy chúng thuộc về một phụ nữ trung niên hoặc lớn tuổi hơn, với chiều cao khi còn sống vào khoảng 1,65 m, và đồng thời có dấu hiệu bị viêm khớp. Các chuyên gia lập tức cho rằng đây chính là đôi chân của nữ hoàng nổi tiếng nhất Ai Cập thời cổ đại.
Đường hầm bí mật trong mộ Tutankhamun
Đề tài được nhiều người bàn tán nhất trong thế giới nghiên cứu năm 2016 là về cuộc khảo sát mới nhất tại Thung lũng của các vị vua, cụ thể là mộ pharaoh Tutankhamun. Kết quả quét radar do nhà khoa học Hirokatsu Watanabe (Nhật Bản) thực hiện đã tìm thấy chứng cứ về sự tồn tại của hai căn phòng bí mật, cùng với các đồ tạo tác kim loại và hữu cơ. Tuy nhiên, một đội ngũ chuyên gia do tạp chí National Gepgraphic tài trợ sau đó lại đưa ra kết quả ngược lại: không hề có phòng ngầm trong mộ, theo trang tin Life Science. Chưa rõ thực hư ra sao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.