Những phát ngôn ấn tượng trong 2 ngày Quốc hội bàn về kinh tế - xã hội

16/06/2020 07:32 GMT+7

Trong 2 ngày diễn ra phiên thảo luận kinh tế, xã hội, ngân sách tại nghị trường, phát biểu của các đại biểu Quốc hội cũng như giải trình của thành viên Chính phủ đã để lại nhiều ấn tượng.

Cuối tuần qua và ngày hôm qua, 15.6, Quốc hội đã dành trọn vẹn 2 ngày cho việc thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách, trong đó tập trung vào đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ cũng như bàn các giải pháp phục hồi kinh tế, ổn định đời sống người dân "hậu Covid-19".
Nhiều vấn đề nổi cộm khác của tình hình kinh tế, xã hội khác cũng đã được các đại biểu Quốc hội đề cập.
Theo thống kê, trong 2 ngày thảo luận tại hội trường, đã có 82 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 16 đại biểu tham gia tranh luận.
Ngoài ra, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các bộ: NN-PTNT; Văn hóa - Thể thao - Du lịch; Công thương; Giao thông vận tải; TN-MT; Tài chính; KH-ĐT đã tham gia phát biểu giải trình, cung cấp thêm thông tin cho một số vấn đề có liên quan.
10 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn thời gian để phát biểu.

Cuộc tranh luận sôi nổi nhất tại nghị trường trong ngày thảo luận đầu tiên của Quốc hội (13.6) chính là phát biểu của đại biểu Phạm Hồng Phong (Cần Thơ), Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM. Không đồng tình với đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận định những vụ án gây băn khoăn dư luận như vụ Hồ Duy Hải, vụ bị cáo Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử sau khi tòa tuyên án... là "những phần nổi của tảng băng" đang bào mòn niềm tin của người dân vào nền tư pháp, đại biểu ngành tòa án khuyến cáo các đại biểu cần hết sức cảnh giác, vì cho rằng hiện nay các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chống phá. Phát ngôn của đại biểu Phạm Hồng Phong còn tiếp tục được tranh luận cho tới cuối phiên thảo luận của Quốc hội 2 ngày sau đó.

Ảnh Quang Hoàng

ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) tranh luận với đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) tại quốc hội sáng 13.6.2020

Không đồng tình với đại biểu Phạm Hồng Phong, chiều cùng ngày (13.6), đại biểu Hoàng Đức Thắng khi tranh luận đã khẳng định, phát ngôn của đại biểu Phạm Hồng Phong làm tổn thương tư cách đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Quảng Trị, nếu sửa mình cho tốt, không làm sai, làm trái thì không ai chống phá được. Khi đã đúng rồi thì nhân dân luôn ở bên, không sợ thế lực thù địch nói gì...

Ảnh Quang Hoàng

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) tranh luận lại với ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) tại quốc hội vào chiều 13.6.2020

Nằm ngoài mạch tranh luận về uy tín của ngành tư pháp, khi giải trình ý kiến nhiều đại biểu băn khoăn về vấn đề giá thịt lợn trong nước tăng cao do mất kiểm soát cung, cầu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khuyến cáo người dân không nên tập trung ăn thịt lợn khi giá lợn đang lên. "Không có lý gì bây giờ tập trung ăn thịt lợn, thịt gà rất tốt cũng bà con nông dân sản xuất ra, cá, tôm, trứng cũng vậy đều của nông dân. Chúng ta san sẻ rổ thực phẩm, vừa bổ dưỡng tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực một ngành hàng nào", Bộ trưởng Cường nói.

Ảnh Quang Hoàng

Bộ trưởng NN&PTNT phát biểu trước quốc hội: "Không có lý gì mà giờ chúng ta cứ tập trung ăn thịt lợn"

Trong khi đó, liên quan tới các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 mà Chính phủ đang triển khai, nhiều đại biểu đề nghị cần sớm thực hiện, đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra để tránh tình trạng trục lợi chính sách. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Cần Thơ) đề nghị Chính phủ tăng cường thanh, kiểm tra tránh tình trạng "bò đi lạc vào nhà quan", "quan đi lạc vào hộ cận nghèo" mà báo chí, dư luận phản ánh

Ảnh Quang Hoàng

 

Châm ngòi cho cuộc tranh luận tiếp tục về uy tín của ngành tư pháp từ hàng loạt các vụ án gây ăn khoăn dư luận thời gian gần đây, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhắc lại ý kiến của đại biểu Phạm Hồng Phong trước đó, cho rằng không thể nói những sai phạm, hạn chế của ngành tư pháp là do đại biểu Quốc hội làm rối lên. "Đại biểu Quốc hội không bao giờ đi làm rối đất nước này. Nếu không đại biểu Quốc hội phát hiện ra điều đó, không kiên quyết vấn đề đó, thì liệu các đồng chí có đàng hoàng làm không?", đại biểu Nhưỡng nói.

Ảnh Quang Hoàng

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói về vụ án Hồ Duy Hải trước quốc hội vào sáng 15.6.2020

Tranh luận lại với đại biểu Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ), Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng nếu chỉ có một vài vụ việc mà đánh giá cơ quan tư pháp với thái độ như thế là không nên. "Hoạt động tư pháp thời gian qua, tuy có cái sai, có việc này việc kia làm chưa tốt nhưng đại thể trong mấy chục năm nay cải cách tư pháp, đến bây giờ tôi vẫn khẳng định nền tư pháp có thành tựu, góp phần cho ổn định trật tự xã hội. Có như vậy chúng ta mới yên tâm trong vấn đề cho các cơ quan phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân", đại biểu Quyền khẳng định.

Ảnh Quang Hoàng

ĐBQH Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) tranh luận tại quốc hội vào sáng 15.6.2020

Cuộc tranh luận kéo dài trong suốt 2 ngày thảo luận của Quốc hội trên nghị trường về uy tín ngành tư pháp đã buộc Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phải báo cáo trước Quốc hội về 2 nội dung kết quả cải cách tư pháp những năm qua, cũng như vụ án Hồ Duy Hải. Trong phần báo cáo của mình, Chánh án TAND tối cao khẳng định, ngành tư pháp đã đạt được rất nhiều kết quả, nâng cao hiệu quả hoạt động thực tế của ngành tư pháp.

Ảnh Quang Hoàng

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời Hồ Duy Hải có oan hay không

Liên quan tới các giải pháp thu hút đầu tư, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, bên cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, cũng cần phải tạo điều kiện về thể chế, môi trường, nguồn lực cho các doanh nghiệp trong nước. "Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải mất trung bình từ 3 đến 4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này và thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí", đại biểu Tùng nói.

Ảnh Quang Hoàng

Là một trong những đại biểu cuối cùng tham gia thảo luận về nội dung kinh tế - xã hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) một lần nữa quay trở lại với đề tài "bóng ma" thế lực thù địch đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi suốt 2 ngày qua. Theo đại biểu Nghĩa, mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Vì làm như vậy là làm cho Đảng xa dân, đẩy dân về phía thế lực thù địch. "Tất nhiên phải tìm cho ra, cho đúng thế lực thù địch để nghiêm trị song không nên mượn bóng ma của chúng để công kích những người góp ý cho mình, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử.  Tôi dám khẳng định không ít trường hợp, ví dụ như trong hội trường Diên Hồng này, nếu có thế lực thù địch thì nó chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người quy chụp mà thôi, chứ không ở đâu cả", đại biểu Nghĩa khẳng định.

Ảnh Quang Hoàng

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tại quốc hội vào chiều 15.6.2020

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.