Những phát ngôn làm 'nóng' ngày chất vấn đầu tiên tại Quốc hội

08/11/2020 13:31 GMT+7

Những cuộc tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội với bộ trưởng, trưởng ngành và giữa các đại biểu với nhau đã làm phiên chất vấn đầu tiên nóng bỏng, sôi động.

Ngày 6.11, Quốc hội bước vào ngày đầu tiên của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV. 
Các vấn đề được nhiều đại biểu tập trung chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành và Thủ tướng Chính phủ chủ yếu liên quan tới bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, các vấn đề giáo dục, đào tạo, công nghệ thông tin truyền thông và công tác tư pháp.

Cuộc tranh luận đầu tiên làm "nóng" nghị trường là chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra quyết định cách chức Hiệu trưởng Trường đại học Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh. Ông Vân cho rằng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức ông Lê Vinh Danh là trái thẩm quyền theo quy định của luật Giáo dục đại học vừa được Quốc hội thông qua. Tổng Liên đoàn chỉ được xử lý ông Danh với tư cách viên chức do mình quản lý. Còn việc cách chức vụ hiệu trưởng của ông Danh phải do Hội đồng trường Tôn Đức Thắng quyết định theo luật định. Trả lời câu chất vấn này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trường hợp của Trường đại học Tôn Đức Thắng là "đặc thù" vì vào thời điểm xử lý kỷ luật ông Danh trường này không có Hội đồng trường. Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân không đồng tình với giải thích này vì việc này là trái luật.

Ảnh Gia Hân

ĐBQH Lê Thanh Vân chất vấn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về trường hợp ông Lê Vinh Danh

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) về việc thực hiện lời hứa phát triển các mạng xã hội Việt Nam Lotus vì cho rằng, mạng xã hội này tới nay vẫn "im hơi lặng tiếng", Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện tại, các mạng xã hội Việt Nam đã có 96 triệu người dùng, tương đương với số tài khoản người Việt Nam trên 2 mạng xã hội lớn của nước ngoài là Facebook và YouTube. Theo đó, Bộ trưởng TT-TT khẳng định, từng bước đã đạt được thế cân bằng với mạng xã hội nước ngoài. Tuy nhiên, không hài lòng với trả lời này, đại biểu Nga tranh luận, "số lượng tài khoản chưa thể hiện sự phát triển của mạng xã hội". "Đối với mạng Lotus, người dùng, người đăng ký có thể rất nhiều nhưng các tài khoản đăng ký xong không hoạt động cũng rất nhiều, vì không có tương tác so với các mạng xã hội khác thì nó thiếu hấp dẫn", đại biểu Nga nói.

Ảnh Gia Hân

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời quốc hội về các mạng xã hội trong nước

Liên quan tới công tác của ngành Công an, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc cán bộ cơ sở ngành Công an đi thu tiền người dân buôn bán vào các dịp lễ, tết và khẳng định hiện nay dư luận hết sức bất bình. Ông Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng phải có biện pháp để cán bộ công an cơ sở không làm chuyện này nữa, tránh ảnh hưởng đến uy tín, danh dự ngành Công an.

Ảnh Gia Hân

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, trường hợp như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu, "nếu có chỉ là trường hợp hết sức cá biệt". Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng không đồng tình với giải thích này. Ông Nhưỡng cho biết, việc ông nêu trong chất vấn là do chính cán bộ công an cơ sở, cụ thể là Phó Công an phường Ba Đình (Hà Nội) nói với mình và cho biết, ông nêu ra để Bộ trưởng có biện pháp chấn chỉnh, giữ gìn uy tín, danh dự cho ngành Công an.

Ảnh Gia Hân

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về lý do án hành chính thi hành chậm trễ, tồn đọng ngày càng nhiều. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải thích, án hành chính dựa trên cơ chế tự nguyện thi hành do các cơ quan chịu trách nhiệm thi hành các bản án là cơ quan hành chính (UBND, Chủ tịch UBND các cấp). Bộ Tư pháp chỉ là cơ quan theo dõi thi hành án và báo cáo Chính phủ, quyền hạn rất hạn chế. Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã kiến nghị Bộ Tư pháp phải có nghiên cứu đề giải pháp thi hành án hành chính hiệu quả hơn.

Ảnh Gia Hân

Trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Thủy chất vấn về vấn đề tỷ lệ thụ lý đơn kháng nghị tái thẩm, giám đốc thẩm thấp, chỉ 44,5%, Viện trưởng VKSND tối cáo Lê Minh Trí cho biết, trong quá trình thụ lý đơn giải quyết khiếu nại, kháng nghị giám đốc thẩm đó, kể cả tái thẩm thì trong thông tư liên tịch giữa Tòa và Viện ưu tiên cho Tòa được rút hồ sơ. "Nếu hồ sơ Viện rút được thì tỷ lệ đạt theo yêu cầu Quốc hội là chúng tôi làm được. Nhưng có những hồ sơ chúng tôi đề nghị rút nhiều lần vẫn không rút được thì chúng tôi cũng phải chấp nhận", ông Trí giải thích. Không đồng tình với giải thích này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Hải Dương) cho rằng, nếu lấy lý do không rút được hồ sơ nên tỷ lệ giải quyết đơn kháng nghị tái thẩm, giám đốc thẩm thấp là "chưa thấy hết trách nhiệm của Viện". Trả lời đại biểu Hồng, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí giải thích, hồ sơ nằm tại Tòa nên Tòa không cho rút thì không làm được. "Chúng tôi xem xét kháng nghị bản án của Tòa, bây giờ Tòa không giao hồ sơ, Tòa giữ thì chúng tôi làm sao làm được? Tôi không có quyền to hơn Chánh án, nên không thể nói trách nhiệm hay không trách nhiệm chỗ này!", ông Trí nói.

Ảnh Gia Hân

Một cuộc tranh luận gây được nhiều sự chú ý là giữa đại biểu Gia Lai Ksor H'Bơ Khăp và Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà. Chất vấn Bộ trưởng Hà về phát ngôn cho rằng, thủy điện nhỏ không có lỗi trong vụ bão lũ, sạt lở ở miền Trung, đại biểu Gia Lai đặt câu hỏi: "Thời gian tới Bộ trưởng vẫn tiếp tục ủng hộ việc xây dựng phát triển thủy điện nhỏ đúng không? Và theo Bộ trưởng, ông trời - mẹ thiên nhiên và rừng có quan hệ gì đối với thực trạng bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam?" Đáp lại, Bộ trưởng TN-MT khẳng định, nếu đại biểu thực sự lắng nghe ông thì sẽ thấy ông không nói lũ lụt là do thủy điện hay không phải do thủy điện mà ông muốn nói con người chính là nguyên nhân khi quyết định tận dụng mọi cơ hội để xây dựng thủy điện. "Đại biểu nói với tôi rằng, rừng quan trọng như thế nào? Tôi nghĩ rừng còn quan trọng hơn cả trời. Bởi vì tôi thở không khí từ việc lọc khí CO2 và khí ôxy cho tôi thở", Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Ảnh Gia Hân

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của ĐBQH Ksor H'Bơ Khăp

Tranh luận với Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) cho rằng, các câu hỏi của bà chưa được Bộ trưởng trả lời. "Tôi rất chăm chú lắng nghe và cố gắng thấu hiểu nhưng Bộ trưởng có nghe nhưng không hiểu tôi hỏi gì? Câu hỏi của tôi Bộ trưởng chưa trả lời", nữ đại biểu Gia Lai khẳng định. Trước đó, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu H'Bơ Khăp cũng tranh luận với 2 bộ trưởng Công thương và NN-PTNT về vấn đề rừng, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải các dự án điện mặt trời.

Ảnh Gia Hân

ĐBQH Ksor HBơ Khăp Gia Lai lần thứ hai chất vấn Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà

Một cuộc tranh luận khác gây được ấn tượng là của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) với Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng về công tác quản lý báo chí. Trả lời chất vấn của đại biểu về việc liệu quy định về tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí có gây khó khăn cho nhà báo tác nghiệp và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm hay không, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mỗi một cơ quan và tổ chức đều có chức năng, nhiệm vụ riêng và các cơ quan báo chí phải bám theo các chức năng, nhiệm vụ này, hay còn gọi là tôn chỉ, mục đích để tuyên truyền. "Như thế sẽ vẽ lên được một bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam", ông Hùng nói. Không đồng tình với giải trình này của Bộ trưởng TT-TT, đại biểu Hiền cho rằng, với bà, bức tranh mà Bộ trưởng nói rất tẻ nhạt.

Ảnh Gia Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.