Những phim truyền hình Hàn Quốc gây tranh cãi, bị 'cấm sóng' vì sai lệch lịch sử

01/04/2021 11:30 GMT+7

Khán giả Hàn Quốc bày tỏ phẫn nộ trước một số phim truyền hình phản ánh sai lệch lịch sử, văn hóa nước nhà; trong đó có phim còn bị đài truyền hình xứ kim chi "cấm sóng" vô thời hạn.

Thời gian gần đây, một số phim truyền hình như Pháp sư trừ tà Triều Tiên (Joseon Exorcist), Chàng hậu (Mr. Queen)... làm "dậy sóng" dư luận vì chứa những yếu tố xuyên tạc lịch sử, văn hóa Hàn Quốc. Các tác phẩm này không chỉ gây hiểu lầm hoặc phản ánh sai sự thật, mà còn "đụng chạm" đến lòng tự hào dân tộc của người dân xứ kim chi. Dù các đơn vị sản xuất khẳng định "đứa con tinh thần" của mình chỉ mang tính chất hư cấu, song đại đa số khán giả đều không chấp nhận một bộ phim lấy đề tài lịch sử, nhưng thực tế lại "bóp méo" lịch sử.

Pháp sư trừ tà Triều Tiên (2021)

Gần đây, bộ phim Pháp sư trừ tà Triều Tiên (tựa gốc: Joseon Exorcist trở thành tâm điểm chú ý trên các diễn đàn ở Hàn Quốc. Tác phẩm của Đài SBS bị chỉ trích dữ dội vì dùng đạo cụ Trung Quốc như bánh trung thu, bánh bao, rượu... Bộ phim còn bôi nhọ lịch sử vì đem nhân vật có thật trong hoàng tộc Joseon ghép vào một câu chuyện hư cấu. Ngoài ra, khán giả phát hiện tạo hình của nhân vật Moo Hwa (Jung Hye Sung) trong phim bắt chước Cúc Tịnh Y trong phim Tân Bạch nương tử truyền kỳ.

Phim Pháp sư trừ tà Triều Tiên khai thác đề tài xác sống mới mẻ, nhưng bị cấm chiếu sau sự cố dùng đạo cụ Trung Quốc, xuyên tạc lịch sử Hàn Quốc

ẢNH: SBS

Trước làn sóng tẩy chay, Đài SBS quyết định dừng chiếu vô thời hạn Pháp sư trừ tà Triều Tiên, dù tác phẩm mới lên sóng 2 tập đầu tiên. Toàn bộ ê-kíp làm phim từ đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất đến dàn diễn viên chính đều phải lên tiếng xin lỗi khán giả Hàn Quốc

Snowdrop (2021)

Sau bê bối của Pháp sư trừ tà Triều Tiên, khán giả Hàn Quốc lập tức chú ý đến bộ phim Snowdrop cũng khai thác đề tài lịch sử, dự kiến lên sóng nửa cuối năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng tác phẩm phác họa thời kỳ những năm 1980 nhạy cảm, khi phong trào dân chủ ở Hàn Quốc tạo nên các cuộc biểu tình gây thương vong. Người hâm mộ yêu cầu dàn diễn viên chính của phim như Jisoo (nhóm BlackPink), Jung Hae In... dừng hợp tác với dự án.

Phim truyền hình Snowdrop quy tụ dàn sao Hàn như Jung Hae In, Jisoo, Kim Hye Yoon...

ẢNH: SOOMPI

Phản hồi sự việc, Đài jTBC cho biết những đồn đoán tiêu cực xuất phát từ việc tiếp nhận thông tin mô tả nội dung, nhân vật trong Snowdrop một cách chắp vá, thêu dệt. Để tránh hiểu lầm, nhà sản xuất tiết lộ tác phẩm lấy bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống năm 1987, không phải phong trào dân chủ. Đơn vị này khẳng định, phim không xây dựng dàn nhân vật đại diện cho chính phủ, cũng không "tô hồng" hoạt động gián điệp như nhiều người nghĩ. 

Chàng hậu (2020)

Phim truyền hình Chàng hậu (tựa gốc: Mr. Queen) ra mắt năm 2020, là bản làm lại của phim chiếu mạng nổi tiếng Trung Quốc có tên Thái tử phi thăng chức ký. Tác phẩm gây tranh cãi khi bôi nhọ vua Cheol Jong, mô tả vương hậu Shin Jong là người mê tín dị đoan và đem nghi lễ cúng bái của người xưa ở đền Jongmyo - địa danh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ra làm chủ đề đùa cợt.

Phim Chàng hậu bị tẩy chay khiến sự nghiệp của minh tinh Shin Hye Sun và dàn diễn viên trong tác phẩm lao đao

ẢNH: TVN

Hiện tại, bộ phim đã bị Đài tvN "khai tử" khỏi các nền tảng chiếu trực tuyến ở Hàn Quốc. Sự việc ảnh hưởng nặng nề đến danh tiếng của "nữ hoàng rating" Shin Hye Sun - nữ diễn viên đóng vai chính trong phim.

Quân vương bất diệt (2020)

Tháng 4.2020, phim truyền hình Quân vương bất diệt (tựa gốc: The King: Eternal Monarch) có tài tử Lee Min Ho đóng chính vừa ra mắt 2 tập đầu tiên đã vướng bê bối "vay mượn" văn hóa Nhật Bản. Người xem không hiểu vì sao cung điện hoàng gia giả tưởng đất nước Hàn Quốc lại có thiết kế giống với kiến trúc ngôi chùa Tōdai-ji nổi tiếng ở Nara (Nhật Bản). Quốc huy trong phim cũng được cho là khá giống quốc huy hoàng gia của xứ sở mặt trời mọc.

Trong phim, quốc huy của đất nước Hàn Quốc giả tưởng (ảnh trái) bị cho là "đạo nhái" quốc huy của Nhật Bản

ẢNH: SOOMPI

Sau lùm xùm đạo nhái, nhà sản xuất Quân vương bất diệt lên tiếng nhận sai lầm, xin lỗi khán giả và thông báo sửa chữa toàn bộ chi tiết gây tranh cãi. Đồng thời, ê-kíp làm phim nhấn mạnh không hề sao chép hoàn toàn từ nền văn hóa Nhật Bản. Dù vậy, tác phẩm vẫn trở thành "thảm họa" truyền hình vì nội dung nhàm chán, diễn xuất mờ nhạt, nhiều tình tiết vướng "sạn"...

Hoàng hậu Ki (2013)

"Bom tấn" truyền hình Hoàng hậu Ki (tựa gốc: Empress Ki) trình làng vào năm 2013 cũng nằm trong danh sách những phim gây tranh cãi vì phản ánh sai lịch sử. Tác phẩm theo chân nhân vật Ki Yang Yi (Ha Ji Won) là cung nữ Cao Ly bị cống nạp sang triều Nguyên của Trung Quốc. Nhờ thông minh sắc sảo, nàng chiếm được tình yêu của vua Nguyên lúc bấy giờ là Ta Hwan (Ji Chang Wook). Sau khi trở thành Hoàng hậu, Ki Yang Yi đứng giữa tình yêu với Ta Hwan và hoàng đế Cao Ly là Wang Yoo (Joo Jin Mo).

Dù gây tranh cãi, phim truyền hình Hoàng hậu Ki vẫn "gây bão" khắp châu Á

ẢNH: HANDOUT

Trong phim, Ta Hwan hiện lên với tính cách trẻ con, yếu đuối, bị hoàng tộc "dắt mũi". Khán giả cho rằng nhân vật này có phần sai lệch so với nguyên mẫu lịch sử là vua Nguyên Huệ Tông - vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyên. Nhân vật Wang Yoo cũng được biên kịch xây dựng cho hình tượng tốt đẹp, trong khi sử sách ghi chép lại cho thấy vị vua nước Cao Ly là người ham mê tửu sắc. 
Bất chấp lùm xùm, Hoàng hậu Ki vẫn trở thành phim truyền hình Hàn Quốc "ăn khách". Tác phẩm đưa tên tuổi cho dàn diễn viên chính như Ha Ji Won, Joo Jin Mo, Ji Chang Wook... phủ sóng khắp châu Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.