Những phụ gia thực phẩm độc hại cần tránh

22/03/2021 04:08 GMT+7

Phụ gia thực phẩm là những chất được thêm vào thực phẩm trong quá trình chế biến nhằm tăng hương vị hoặc giúp bảo quản lâu hơn. Các chất phụ gia thường có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo, và không phải tất cả đều có hại, theo trang Insider.

Dù vậy, các chuyên gia khuyến cáo một số chất như nitrate (NO3-), nitrite (NO2-), sulfite, chất tạo ngọt tổng hợp (đường hóa học) hay màu nhân tạo có thể gây hại cho sức khỏe con người nếu dùng liên tục trong thời gian dài.

Tác hại không ngờ

Cụ thể, nitrate và nitrite thường được tìm thấy trong thịt, cá, pho mát chế biến sẵn và có liên quan đến nhiều bệnh ung thư thần kinh và đường tiêu hóa, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Angela Lemond cho biết.
Ngoài ra, sau khi xem xét hơn 800 nghiên cứu khoa học có liên quan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng quyết định đưa loại thịt chế biến sẵn có nhiều nitrate hay nitrite được thêm vào trong quá trình xử lý vào danh sách thực phẩm có thể gây ung thư.
Còn về sulfite, bà Lemond cho hay đây là một loại phụ gia thường được thêm vào thực phẩm như một chất làm chậm sự đổi màu sắc và giúp bảo quản lâu hơn. Tuy nhiên, chúng có thể khiến một số người mắc chứng nhạy cảm với sulfite gặp phải vấn đề về hô hấp, hen suyễn. “Nếu bạn bị nhạy cảm, hãy tránh xa các sản phẩm có chứa sulfite trong thành phần”, chuyên gia Lemond khuyến cáo.
Bên cạnh đó, đường hóa học hay màu nhân tạo cũng mang lại nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Trong đó, đường hóa học thường xuất hiện trong nhiều sản phẩm nước giải khát, các loại mứt, thạch…, thậm chí một số sản phẩm được dán nhãn "dành cho người ăn kiêng" hoặc "không đường", bởi chúng hầu như không bổ sung calo, theo bà Lemond.
Ban đầu đường hóa học được phát triển nhằm giúp giảm béo phì và tình trạng kháng insulin. Tuy nhiên, một nghiên cứu hồi năm 2017 cho thấy chúng thực sự có thể là nguyên nhân gây béo phì, bởi khả năng làm giảm cảm giác no và khiến mọi người nạp vào lượng thực phẩm nhiều hơn. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2019 ở phụ nữ mãn kinh cũng cho thấy việc hấp thụ lượng lớn đường hóa học trong thời gian dài làm tăng nguy cơ đột quỵ, mắc bệnh tim mạch…, chuyên gia Lemond thông tin thêm.
Trong khi đó, màu thực phẩm nhân tạo thường được thêm vào thực phẩm để tăng màu sắc và độ hấp dẫn. Nhiều nghiên cứu trong vài thập niên gần đây đang làm dấy lên lo ngại loại phụ gia này có thể ảnh hưởng đến hành vi của trẻ em và làm trầm trọng thêm các triệu chứng ADHD (một chứng rối loạn phát triển, gây hấp tấp, hiếu động thái quá và khó tập trung) ở nhóm đối tượng này. Chuyên gia Lemond cho hay cần nghiên cứu thêm để xác định mức độ ảnh hưởng của một số loại màu thực phẩm cụ thể.

Cách phòng tránh hữu hiệu

Để hạn chế tiêu thụ những chất phụ gia này, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên đọc và tìm hiểu kỹ thành phần trên bao bì thực phẩm, đồ uống. Chẳng hạn, một số loại đường hóa học được khuyến cáo không có lợi cho sức khỏe khi dùng liên tục là saccharin, aspartame, sucralose… Các loại sulfite cần cân nhắc khi sử dụng là sulfur dioxide, kali bisulfite, natri sulfite và natri bisulfite... Ngoài ra, một số loại màu thực phẩm nhân tạo được Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo cần cân nhắc khi dùng cho trẻ em, có tên thương mại là FD&C Blue Nos. 1 and 2 (E133), FD&C Green No. 3 (E143), FD&C, Red Nos. 3 and 40 (E 129), FD&C Yellow Nos. 5 and 6 (E110)...; tác động của từng loại lên từng trẻ cũng khác nhau, có loại tác động lâu dài, có loại ảnh hưởng sức khỏe trong thời gian ngắn.
Do đó, việc hạn chế dùng những loại thực phẩm đóng gói, nước uống đóng chai... và có chế độ ăn uống lành mạnh là vô cùng quan trọng cho sức khỏe.
“Hãy thử tự nấu ăn, bạn có thể tự làm nhiều loại gia vị đơn giản mà không cần dựa vào đồ đóng gói”, chuyên gia Lemond nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.