Những phụ nữ khuyết tật tỏa sáng trong đêm chung kết Vẻ đẹp hoa xương rồng

25/04/2019 18:10 GMT+7

Họ là những phụ nữ bị khuyết tật nhưng đã cùng nhau khoe sắc về ý chí và nghị lực của bản thân trong liên hoan Vẻ đẹp hoa xương rồng vừa được tổ chức tại Hà Tĩnh.

Tối 24.4, Câu lạc bộ Phụ nữ tự lực thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật - Trẻ mồ côi thành phố Hà Tĩnh tổ chức chung kết Liên hoan Vẻ đẹp hoa xương rồng lần thứ nhất năm 2019.
Vượt qua 40 thí sinh đăng ký tham gia dự thi, 7 nữ thí sinh khuyết tật xuất sắc nhất đã lọt vào vòng chung kết. Trong số này, có một cô gái là nhân vật trong Chương trình Chạm vào ước mơ và Điều ước thứ 7 do Báo Thanh Niên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện hồi tháng 3.2017.
Đó là chị Nguyễn Thị Hoa (24 tuổi, trú tại xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), người bị xe tải cán nát đôi chân khi đang trên đường về nhà sau lễ tốt nghiệp Khoa mầm non Trường đại học Hà Tĩnh.
7 thí sinh xuất sắc nhất tham dự vòng chung kết Ảnh Phạm Đức
Đặc biệt, người thai nghén ra cuộc thi này cũng là một nữ doanh nhân khuyết tật, chị Nguyễn Thị Đài Trang (trú tại thành phố Hà Tĩnh). Chị Trang cũng là nhân vật trong trong bài viết Bà chủ khuyết tật và chuyện tình cổ tích đăng trên Thanh Niên hồi tháng 12.2017.
Chị Nguyễn Thị Hoa cám ơn mẹ đã giúp mình vượt qua thời gian khó khăn nhất của cuộc đời Ảnh Phạm Đức
Chị Trang cho biết, liên hoan Vẻ đẹp hoa xương rồng là thông điệp khuyến khích phụ nữ khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, thêm tự tin thể hiện khả năng và nói lên tiếng nói của chính mình với khẩu hiệu “Tôi hoàn hảo theo một cách khác”. Đây là cuộc liên hoan nhằm tôn vinh khả năng, vẻ đẹp của người phụ nữ, nhất là phụ nữ khuyết tật trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội.
Nữ doanh nhân khuyết tật Nguyễn Thị Đài Trang là người thai nghén ra liên hoan này Ảnh Phạm Đức
“Thông qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn những phụ nữ khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, để tự tin thể hiện khả năng của mình. Và cũng qua đó giúp người khuyết tật có cơ hội thực hiện ước mơ, có thu nhập để nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội”, chị Trang tâm sự.
Một thí sinh thể hiện tài năng thiết kế trang phục áo dài truyền thống Ảnh Phạm Đức
Tại đêm chung kết, các thí sinh đã tự tin thể hiện tài năng của bản thân, gửi đi thông điệp "tàn nhưng không phế” và trả lời các câu hỏi trong phần thi ứng xử. Những câu chuyện về nghị lực vượt lên chính mình của những cô gái cụt chân, cụt tay hoặc phải ngồi xe lăn đã khiến khán giả tham dự nhiều lần rơi nước mắt khâm phục, tự hào.
Phần thi của 7 thí sinh khiến khán giả xúc động Ảnh Phạm Đức
Chị Hoàng Thị Bích Dung (20 tuổi, trú tại tổ 4, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà), thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi cũng là người gây ấn tượng mạnh nhất cho khán giả trong đêm chung kết qua phần thể hiện năng khiếu hùng biện của mình về chủ đề “sự tự tin”.
Chị Dung trình bày: "Em nghĩ rằng trên đời này không có gì là hoàn hảo cả và đương nhiên con người cũng vậy, em cũng không ngoại lệ. Từ khi sinh ra em đã bị khuyết tật, em không có tình thương của cha. Năm em lên 2 tuổi, cha đã bỏ em, chị gái và mẹ mà đi. Rất nhiều người nói với em rằng, cha em là một người không tốt. Nhưng em nghĩ rằng, dù sao đi chăng nữa cha vẫn là người đã tạo nên em…
Tất cả 7 thí sinh tham gia vòng chung kết đều đoạt giải Ảnh Phạm Đức
Đến tuổi đi học, bạn bè xa lánh em, em không có một người bạn nào… Nhưng rồi nhìn vào ánh mắt tràn đầy hy vọng của mẹ, em đã cố gắng vượt qua. Thế rồi em nhận ra một điều, nếu mình cứ quan tâm đến đàm tiếu của người khác, thì không bao giờ thoát ra khỏi vỏ ốc của mình được".
Chị Hoàng Thị Bích Dung là thí sinh giành giải nhất cuộc thi Ảnh Phạm Đức
“Em muốn nói với những người giống như em rằng, cho dù mình không phải là một người bình thường thì cũng hãy tự tin. Ai rồi cũng có giá trị riêng của mình, chỉ có điều có sớm nhận ra hay không thôi. Nếu có được sự tự tin, mình sẽ có được sự thành công”, chị Dung nhấn mạnh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.