Nghe tên công việc “vuốt tai” đầy kích thích khiến tôi theo chân các chị trong tổ dịch vụ làm vườn của chi hội phụ nữ thôn Tiến Hưng (xã Tiến Lợi, TP. Phan Thiết, Bình Thuận) để tìm hiểu. Mới sáng sớm, 12 thành viên của tổ dịch vụ đã có mặt tại vườn thanh long của ông Năm trong xã để làm việc. Vừa đến nơi, mọi người nhanh chóng chia nhau thành từng hàng, đi từ đầu vườn tới cuối vườn để không bỏ để sót trụ nào. Trên tay trái của mỗi người có đeo một chai nhựa nhỏ, bên trong chứa dung dịch thuốc bảo vệ thực vật màu xanh do chủ vườn mua. Đầu nắp chai đã được châm lỗ nhỏ, chỉ cần dốc ngược chai xuống là dung dịch thuốc bên trong nhỉ ra đầu găng tay vải.
Chị Võ Thị Đông, (53 tuổi, tổ trưởng tổ dịch vụ làm vườn Tiến Hưng), cho hay tai là phần nhú ra bên ngoài, bao bọc quanh quả thanh long. Việc vuốt tai là giúp cho phần tai trái thanh long cứng hơn, tươi xanh và không bị đỏ tím, héo khô theo màu đỏ của quả. Quả thanh long được vuốt tai trông rất tươi, bắt mắt hơn nên bán được giá gấp đôi, thậm chí gấp 3 hàng thường.
Nghề chỉ thích hợp với phụ nữ
Một tay nâng trái, một tay chấm thuốc rồi vuốt nhẹ qua các tai của trái. Cứ như thế, những đôi tay nhanh nhẹn và nhẹ nhàng của các chị vuốt qua hết quả này đến quả khác một cách tỉ mỉ, cần mẫn. Một trụ thanh long có khoảng 15 quả, mỗi quả có từ 10 -15 tai, chưa đầy 5 phút, hai người đã vuốt xong một trụ.
“Trung bình mỗi ngày một người vuốt được khoảng 1 thiên (1.000 quả), được chủ trả tiền công 160.000 đồng/ngày. Công việc cũng nhẹ nhưng đòi hỏi người làm phải nhanh nhẹn, kéo léo”, chị Đông chia sẻ.
Nghề vuốt tai thanh long đã xuất hiện ở Bình Thuận hơn chục năm nay và dần dần phổ biến rộng rãi. Hầu như mỗi địa phương đều có một đội quân đông đảo chuyên đi vuốt tai, làm vườn, chăm sóc thanh long. Việc vuốt tai cũng khá nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người làm phải nhanh nhẹn và cẩn thận. Chỉ được vuốt thuốc lên phần tai chứ không để dính thuốc vào quả, nếu không quả sẽ bị lem thuốc, lốm đốm xanh đỏ trông rất xấu không bán được. Cũng chính vì thế mà nghề này chỉ thích hợp với chị em phụ nữ.
Thường thì trái thanh long chỉ được vuốt tai hai lần. Lần đầu là khi trái được nửa tháng tuổi, lượng thuốc vuốt lần này khá đậm. Lần vuốt tai tiếp theo là khi quả đã chín gần cắt bán, lần này chỉ cần vuốt sơ qua, ít thuốc hơn. Vòng đời trái thanh long khá ngắn, thời vụ quay vòng liên tục nên công việc cho chị em làm cũng đều, thu nhập từ nghề vuốt tai cũng ổn định.
Ông Năm, một chủ vườn thanh long cho biết đối với quả thanh long, chất lượng bên trong lẫn vỏ quả, mẫu mã bên ngoài đều quan trọng tương đương nhau. Nếu để tự nhiên khi quả chín tai cũng chín theo trông rất xấu. Khi bán còn bị thương lái chê lên chê xuống, phải bán rẻ nên không đủ trả tiền chong điện, tiền nước chứ đừng nói đến tiền công. “Mình chịu bỏ ít tiền thuê người vuốt tai, bơm thuốc thường xuyên để trái có vỏ đẹp, không sâu bệnh, rầy rệp, quả khi thu hoạch hầu hết đều bán được hàng tuyển mới mong có lãi”, ông Năm chia sẻ.
Bài, ảnh: Tiểu Thiên
>> 20 tỉ đồng hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay bóng đèn tiết kiệm điện
>> Nỗi lo của người trồng thanh long
>> Trồng thanh long lãi 200 triệu đồng/ha
>> Vụ thương nhân Trung Quốc mua đất trồng thanh long: UBND H.Hàm Thuận Bắc bị... lừa
>> Bất ngờ vụ người Trung Quốc "mua" đất trồng thanh long
Bình luận (0)