Người từ đủ 75 tuổi được ưu tiên khám, chữa bệnh
Từ 1.1.2024, luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 sửa đổi, bổ sung đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh chính thức áp dụng quy định mới về cấp giấy phép khám chữa bệnh; thực hiện quy định mới nhất về chọn nhà thầu cung cấp thuốc, thiết bị y tế.
Theo đó, luật sửa đổi, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh như: người từ đủ 75 tuổi (trước đây phải từ đủ 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng sẽ được ưu tiên khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, luật cũng bổ sung quy định ưu tiên ngân sách nhà nước khám, chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn; người bị các bệnh: tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B.
Với người hành nghề y, luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 mở rộng đối tượng hành nghề bằng việc thay đổi từ cấp giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn sang quy định cấp giấy phép hành nghề theo chức danh chuyên môn.
Bên cạnh đó, luật cũng thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề từ việc cấp giấy phép hành nghề thông qua xét hồ sơ sang quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề. Quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề.
Luật cũng quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo trong khám bệnh, chữa bệnh, trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.
Để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, luật đã thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn; cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ.
Khắc phục tình trạng khen thưởng "tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích"
Từ ngày 1.1.2024, luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 có hiệu lực, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý.
Bên cạnh thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng, luật mới còn thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng "tích lũy thành tích, cộng dồn thành tích".
Đặc biệt, luật đã bổ sung quy định "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" là tiêu chuẩn có thể thay thế nếu không có sáng kiến, đề tài, đề án.
Luật cũng bỏ hình thức khen thưởng "huy hiệu" cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; quy định cụ thể nội dung về khen thưởng đối với người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam.
Luật cũng bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng do Chính phủ quy định. Bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" đối với thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 2 năm trở lên.
Hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu
Luật Đấu thầu được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23.6.2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024.
Luật quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu thầu; hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu, hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
Luật Đấu thầu 2023 quy định cụ thể các đối tượng được hưởng ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, bao gồm: hàng hóa có xuất xứ Việt Nam; sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nhà thầu là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ; nhà thầu là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; nhà thầu có sử dụng số lượng lao động nữ từ 25% trở lên; số lượng lao động là thương binh, người khuyết tật từ 25% trở lên; số lượng lao động là người dân tộc thiểu số từ 25% trở lên.
Luật mới cũng quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu như: đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây ảnh hưởng, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dưới mọi hình thức; thông thầu.
Đáng chú ý, luật đã dành một chương riêng để quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm và thiết bị y tế theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập trong việc quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế; tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế có tính đặc thù, phù hợp với hoạt động chuyên môn của ngành y tế.
Bên cạnh đó, giải quyết những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã phát sinh trong thời gian qua như: bổ sung quy định nhằm giải quyết triệt để vướng mắc trong việc mua hóa chất kèm theo yêu cầu nhà thầu phải cung cấp thiết bị y tế để sử dụng hóa chất đó (mô hình máy đặt, máy mượn); hoàn thiện quy định ưu đãi thuốc cho sản xuất trong nước theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong tiếp cận thuốc có chất lượng tốt, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ, nguyên liệu để sản xuất thuốc có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến; quy định thanh toán chi phí mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Bình luận (0)