Những quyển sách 'độc nhất vô nhị' từng tồn tại trên thế giới

10/10/2020 10:00 GMT+7

Sách được viết bằng máu, sách được làm từ phô mai, sách hình tam giác... là ba trong số những quyển sách độc đáo, kỳ lạ được miêu tả trong công trình nghiên cứu nhiều năm trời của nhà văn Anh Edward Brooke-Hitching.

Những quyển sách kỳ lạ, đầy cuốn hút dưới đây là "độc nhất vô nhị" vì nếu xét theo cách mà từng quyển sách được tạo ra, hiếm có quyển nào thứ hai trên thế giới được làm ra y như vậy. Ít ai biết được rằng đây là công trình ròng rã nhiều năm trời của nhà văn Edward Brooke-Hitching, người dành phần lớn thời gian để đi "nhặt" những câu chuyện kỳ lạ về các quyển sách khắp thế giới. Công trình này mang tên là "thư viện tối thượng", theo The Guardian.
Tác giả Edward Brooke-Hitching đã cho xuất bản quyển sách The Madman's Library: The Greatest Curiosities of Literature vào đầu tháng 10, trong đó, người viết dẫn độc giả xuyên cuộc hành trình khai sinh ra những quyển sách độc, lạ. Những quyển sách dưới đây là tiêu biểu trong số rất nhiều cuốn sách mà quá trình "thai nghén" và "sinh thành" ra chúng khiến người đọc thích thú.

 Sách làm từ phô mai

Bên trong quyển sách làm từ phô mai

Ảnh: Ben Denzer/Catalog Press

Nhà thiết kế người Mỹ Ben Denzer đã tạo nên quyển sách 20 trang làm bằng phô mai là 20 Slices of American Cheese vào năm 2018. 20 "trang sách" này thực chất là những miếng phô mai mua từ một loại phô mai Mỹ với giá thành 3,5 USD/24 lát. Những lát phô mai được bọc trong nylong để được bảo quản tốt hơn. Hiện thư viện đại học Michigan (Mỹ) đang giữ một bản sao của quyển sách và phía đại diện thư viện cho biết nó vẫn đang được bảo quản tốt nhưng người này lo ngại không biết tình trạng của những miếng phô mai có thể kéo dài trong bao lâu. 

Sách viết bằng máu

Hai thầy tế ngắm từng trang quyển kinh Koran viết bằng máu được trưng bày tại Iraq vào năm 2003

Ảnh: Getty Images

Vào ngày sinh nhật lần thứ 60 của mình năm 1997, cựu Tổng thống Iraq quá cố Saddam Hussein đã nhờ người thợ viết chữ người Hồi giáo Abbas Shakir Joudi sử dụng máu của mình rồi pha lẫn với chất hóa học để làm mực, viết lại quyển kinh Koran. Trong vòng hai năm, ông Saddam Hussein đã trích rất nhiều máu để viết nên 336.000 từ của quyển kinh, tức 6.000 dòng thơ.
Bên cạnh sách viết bằng máu người, có một giai thoại được nhà văn Edward Brooke-Hitching kể lại trong quyển The Madman's Library: The Greatest Curiosities of Literature về một quyển sách viết bằng máu... chim cánh cụt. Trong một vụ đắm tàu vào thế kỷ 19, một thuyền trưởng sống sót và xung quanh ông toàn xác của chim cánh cụt cùng một mẫu giấy cũ. Ông đã viết quyển sách của mình từ máu của những con vật ấy.  

Sách vẽ chuột và... chuột

Bên trong quyển sách Jinkoki

Ảnh: Richard Lane Collection/Honolulu Museum of Art/The Guardian

Một quyển sách không rõ nguồn gốc, không biết tên tác giả là ai là Jinkoki xuất hiện đầu thế kỷ thứ 17. Điều kỳ lạ trong quyển sách này đó là có rất nhiều chú chuột trong những tư thế khác nhau, vốn được tác giả vẽ nên, nằm ở giữa những trang sách để... giải thích về toán học. 

Sách có bìa là da người

Quyển sách De integritatis et corruptionis virginum được in ở châu Âu thế kỷ 17

Ảnh: Wellcome Library

Quyển sách De integritatis et corruptionis virginum của bác sĩ phẫu thuật người Pháp Séverin Pineau ra đời năm 1663 là trường hợp như thế. Nó được in ở Amsterdam, thủ đô Hà Lan. Nội dung của quyển sách bàn về sự trinh tiết, sinh nở và thai kỳ. Bìa của quyển sách được bọc bằng da của một phụ nữ (đã được xử lý). Theo ghi nhận của The Guardian, ở Mỹ và châu Âu vào thế kỷ thứ 18 và 19, chuyện làm bìa sách bằng da người là hết sức bình thường.

Sách thuế... lớn nhất thế giới

Quyển sách về thuế lớn nhất thế giới với bề dày 2,1 mét

Ảnh: Disclosure/Fabiana Aragão

Một luật sư làm trong ngành thuế người Brazil là Vinicius Leôncio đã tạo nên quyển sách về thuế, đồng thời là quyển sách lớn nhất từ trước đến nay: Pátria Amada (tạm dịch: Đất nước dấu yêu) vào năm 2014. Ông dành nhiều năm trời để thu thập mọi mã số thuế của người dân và sử dụng một máy in Trung Quốc để in sách, tự bỏ 205.000 bảng Anh (hơn 6,15 tỉ đồng) để tạo nên quyển sách có một không hai này. Nhân công của ông lên đến 37 người. Quyển sách gồm 41.000 trang, dày 2,1 mét. 

Sách nhận Kỷ lục Guinness thế giới vì tên quá dài

Bìa của quyển sách có tựa dài nhất thế giới

Ảnh: Sankalp Publication

Đó là trường hợp của quyển sách The historical development of the Heart i.e. from its formation from... (tên chưa hết) của tác giả người Ấn Độ Vityala Yethindra, một sinh viên Y khoa. Tác giả cho xuất bản quyển sách này trong năm 2019. Tên đầy đủ của quyển sách lên đến 3.777 từ, tức 26.021 ký tự, chữ chi chít trên bìa sách.

Sách hình tam giác

Quyển sách có hình tam giác ra đời giữa thế kỷ 18 từng được giải mã rằng nó viết về phép màu và tuổi thọ vô tận của con người

Ảnh: Getty Research Institute/The Guardian

Quyển sách hình tam giác không tiêu đề được tìm thấy giữa thế kỷ thứ 18 được cho là của Bá tước có hành tung bí ẩn bậc nhát châu Âu là Saint Germain. Điều thú vị là quyển sách này được viết bằng mật mã. Sở dĩ nó được gọi là quyển sách hình tam giác vì hình dạng bên ngoài là hình tam giác. 

Cuốn sách thú tội... kỳ lạ

Tội nhân có thể đánh dấu tội của mình trên quyển sách thú tội này

Ảnh: Edward Brooke-Hitching/The Guardian

Đó là quyển sách La Confession Coupée, Ou La Méthode Facile: Pour Se Préparer Aux Confessions Particulières Et Générales của tác giả Christoph Leutbreuwer viết năm 1677. Nó tập hợp một số lượng khổng lồ tội lỗi của con người thế kỷ 17, được trình bày theo hình thức những lời thú tội có để được bóc một phần ra khỏi trang để giúp người đọc tra nhanh hoặc đánh dấu những tội lỗi của mình. Sách nổi tiếng đến mức vào thế kỷ 18, nó được in thành nhiều phiên bản khác nhau.

Cuốn sách vẽ ma quỷ

Một trang trong quyển sách

Ảnh: publicdomainreview.org

Mặc dù tác giả (không rõ là ai) ghi trong quyển sách năm ra đời của nó là 1057 nhưng theo các nhà nghiên cứu, quyển Compendium rarissimum totius Artis Magicae sistematisatae per celeberrimos Artis hujus Magistros được cho là ra đời vào khoảng năm 1775. Xuyên suốt các trang sách là những hình ảnh mô tả về quỷ dữ và các hoạt động của chúng, được vẽ bằng hình ảnh sinh động và màu sắc tươi tắn. 

Sách về cá mang đặc tính con người

Louis Renard vẽ nhiều loài cá với màu sắc sặc sỡ

Ảnh: pictureboxblue.com

Louis Renard là nhà bán sách người Hà Lan sống ở thế kỷ thứ 18. Lúc sinh thời, vào năm 1719, ông cho ra đời quyển sách về đại dương là Poissons, écrevisses et crabes… que l’on trouve autour des Isles Moluques, et sur les côtes des Terres Australes, miêu tả các loài động vật biển như cua, cá, tôm... Thế nhưng vốn hiểu biết của ông lúc đó về đời sống hoang dã rất hạn hẹp. Công trình trên của ông chia làm hai quyển. Đến quyển thứ hai, nhiều vấn đề "lạ lùng" bắt đầu xuất hiện trong cách mà ông miêu tả sinh vật đại dương khi chúng có đặc điểm giống như sinh vật trên cạn.
Đây là quyển sách vẽ màu đầu tiên miêu tả về các loài động vật biển. Được biết, bối cảnh hoang dã mà Louis Renard miêu tả là của thiên nhiên Indonesia hồi đầu thế kỷ 18. Và điều gây bất ngờ là ông sáng tác quyển này (dựa trên các quyển sách và ghi chú của các nhà họa học, họa sĩ khác) mà chưa từng đặt chân đến Indonesia. Trong số miêu tả của ông, có thể thấy một số miêu tả gây kinh ngạc cho độc giả như một giống tôm hùm có sở thích leo cây hay một con cá bốn chân được ông giữ cho sống sót trong nhà...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.