Những rạp chiếu phim nhỏ xíu 'đi ngược xu thế'

10/08/2022 11:05 GMT+7

Nhiều rạp chiếu phim nhỏ xíu, cũng là những không gian phi lợi nhuận, đang góp sức cho sự phát triển điện ảnh Việt.

Hiểu về điện ảnh Việt

Buổi chiếu phim Tháng năm những gương mặt của CLB Điện ảnh (Trường ĐH KHXH và NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) khép lại với những tràng pháo tay rộn ràng của khán giả và cả của chính đạo diễn phim - NSND Đặng Nhật Minh.

Cảnh trong phim Bao giờ cho đến tháng 10, một phim nổi tiếng của đạo diễn Đặng Nhật Minh (ảnh chụp màn hình)

Phạm Đức Minh

Bộ phim 47 tuổi này của ông vốn ít được nhắc đến hơn so với Bao giờ cho đến tháng mười, Mùa ổi. “Tôi rất cảm động khi bộ phim của mình sau ngần ấy năm vẫn gieo xúc động vào trong lòng người xem. Đó là nhờ tính nhân văn, không nói gì đến thù hận. Đó cũng là cách nhìn theo suốt tôi trong sự nghiệp làm phim của mình”, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Phần thảo luận sau khi xem phim cũng khiến công chúng có cơ hội hiểu phim hơn. Trong phần này, khán giả chia sẻ cảm xúc, đặt câu hỏi với nhà làm phim. Đây là điều hầu như không thể thực hiện được khi xem phim ở những chuỗi rạp hiện đại như CGV, Lotte Cinema, BHD. Đó cũng là cách các CLB: Điện ảnh (thuộc Bộ môn Nghệ thuật học, Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH và NV Hà Nội), Chớp bóng (thành lập bởi các bạn trẻ yêu điện ảnh ở TP.HCM), Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh TPD - những nơi thường xuyên tổ chức chiếu phim - đưa những tác phẩm điện ảnh giá trị và nhà làm phim đến gần hơn với công chúng.

Theo Duy Lê và Ripp Nguyễn (hai trong bốn thành viên sáng lập CLB Chớp bóng), họ luôn gắng chọn chiếu những bộ phim đa dạng từ thể loại, quốc gia, phong cách, phương thức thực hành… với họ, những buổi chiếu phim không chỉ là câu chuyện đông hay vắng khán giả mà cần phải có sự kết nối.

“Đó vừa là sự kết nối của những người tới xem phim và cùng thưởng thức tác phẩm điện ảnh, vừa là sự tương tác giữa điện ảnh với các vùng văn hóa khác trong xã hội”, Duy Lê chia sẻ.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh giao lưu với CLB Điện ảnh của Trường ĐH KHXH và NV

Phạm Đức Minh

Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, cho biết việc tổ chức những sự kiện chiếu phim gắn kết khán giả với nhà làm phim nhằm khuyến khích thảo luận về điện ảnh là rất quan trọng.

“Để có sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam, quan trọng là phải tạo ra sự gắn kết giữa khán giả, nhà làm phim và nhà phê bình với nhau. Từ sự giao thoa đó, mọi người có thể hiểu nhau hơn và cùng nhau phát triển”, ông Phương nói.

Ông Phương cho biết từng có thời kỳ khán giả Việt Nam quay lưng lại với chính nền điện ảnh nước nhà. “Đầu những năm 2000, có một thế hệ khán giả không tin vào phim Việt Nam. Thế nhưng, đó chẳng qua là vì khán giả không có điều kiện tiếp cận với những bộ phim kinh điển”, ông Phương nhận xét và cho rằng nếu tổ chức chiếu phim kinh điển thường xuyên tại TPD sẽ giúp khán giả gần hơn với phim Việt, cũng như lưu giữ giá trị của điện ảnh trong nước.

Phi lợi nhuận

Mỗi buổi chiếu phim như vậy thường tốn rất nhiều công sức của những người thực hiện: từ việc xem và chọn phim, lên kế hoạch chiếu phim và xây dựng chương trình thảo luận, truyền thông cho buổi chiếu... Thế nhưng, một số nơi tổ chức chiếu phim như Chớp bóng, CLB Điện ảnhlại hoạt động phi lợi nhuận.

Những buổi chiếu phim của các rạp chiếu độc lập thường có giao lưu với nghệ sĩ

Phạm Đức Minh

Theo TS Hoàng Cẩm Giang (Trường ĐH KHXH và NV), những tổ chức như vậy đi ngược lại xu thế thời đại, với những không gian chiếu phim độc lập với những người sẵn sàng làm không công. “Ở đây, không phải lúc nào cũng chỉ là câu chuyện của tiền, mà đó còn thể hiện những giá trị khác nữa. Những hoạt động như này sẽ ươm mầm cho một tương lai xa hơn của điện ảnh Việt Nam. Từ đây, những lớp khán giả tiềm năng của điện ảnh sẽ ra đời”, TS Hoàng Cẩm Giang nhận xét.

Thêm vào đó, những không gian như CLB Điện ảnh, Chớp bóng hay TPD, chiếu phim là một hoạt động kết nối để xa hơn là đào tạo chuyên môn điện ảnh.

“Tôi nghĩ muốn thay đổi điện ảnh Việt Nam phải bắt đầu từ giáo dục. Điều quan trọng là cần phải tạo ra lớp công chúng chấp nhận và sẵn sàng đón nhận sự sáng tạo trong điện ảnh. Còn nếu vẫn quá thực dụng hoặc quá hàn lâm khắt khe như bây giờ thì điện ảnh không thể tiến lên và văn hóa không thể phát triển được”, TS Hoàng Cẩm Giang nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.