Ngày 28.3, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết đến hết ngày 27.3, số thuê bao đã chuẩn hóa thông tin là 1,72 triệu, chiếm hơn 44,68% trong tổng số thuê bao được các doanh nghiệp viễn thông đã xác định cần thực hiện cập nhật thông tin để trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện còn gần 2 triệu thuê bao chưa thực hiện cập nhật.
Như vậy, trên thị trường còn nhiều thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin theo quy định. Những người sử dụng số điện thoại trong nhóm này có thể đối diện với những rắc rối như gián đoạn liên lạc do thuê bao bị khóa một chiều (gọi đi) hoặc cả hai chiều; tốn thời gian, công sức đến trực tiếp các điểm để khai báo, đăng ký mở lại số; rủi ro về tranh chấp quyền sở hữu đối với SIM, đặc biệt đối với số đẹp.
Cô H, tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (TP.HCM) cho biết nhận được tin nhắn từ Viettel yêu cầu chuẩn hóa thông tin từ vài hôm trước nhưng hình thức này chưa biết làm. Nhờ một người thân trong gia đình, cô cho biết mất tầm 20 phút, cô đã cung cấp ảnh chụp CCCD, chụp khuôn mặt và chữ ký trên ứng dụng My Viettel.
Cô nói: "Thực hiện xong việc này, đứa con tôi đã thực hiện cuộc gọi video cho nhân viên tổng đài và hướng máy vào mặt tôi để nhân viên kiểm tra và xác nhận, sau khi gọi chừng 5 phút là có tin nhắn thuê bao đã chuẩn hóa thông tin thành công. Tôi thấy việc này cũng không quá phiền phức, không phải đem căn cước ra các quầy để được thực hiện là rất tiện. Tuy vậy thao tác trên máy như này tôi không rành lắm".
Trả lời cho đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này, anh N.H, chủ một cửa hàng bán SIM số đẹp tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) chia sẻ: "Theo tôi biết đợt chuẩn hóa thông tin này là đối chiếu trên cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc Bộ Công an. Nếu trên cơ sở dữ liệu mà không có trường thông tin về thuê bao di động thì số đó sẽ bị khóa. Đợt này chỉ có những thuê bao trả sau là không bị ảnh hưởng. Tôi không cho rằng việc chuẩn hóa lần này có thể giúp hạn chế được nạn SIM rác gọi lừa đảo khiến nhiều người dùng ca thán như hiện tại".
Trao đổi với Thanh Niên, các nhà mạng cho biết đã gửi tin nhắn thông báo đến khách hàng có dữ liệu chưa trùng khớp, đồng thời công khai và liên tục nhắc nhở về các hình thức kiểm tra, chuẩn hóa thông tin họ có thể tự làm mà không cần đến đại lý, cửa hàng của đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông di động.
Tuy nhiên, việc còn gần 2 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin cho thấy 2 khả năng: chủ thuê bao vẫn chưa quan tâm hoặc chưa rõ cách để kiểm tra, cập nhật dữ liệu, và còn tồn tại một lượng số điện thoại "rác" đang hoạt động.
Đại diện nhà mạng VinaPhone nhận định thiệt hại đầu tiên, dễ thấy nhất đối với người dùng sau ngày 31.3 là việc bị khóa một chiều. Theo quy định, số điện thoại sẽ bị khóa 1 chiều và 15 ngày tiếp theo nếu vẫn chưa cập nhật thông tin sẽ khóa tiếp chiều gọi đến. Chủ thuê bao có thêm 30 ngày để đến điểm dịch vụ, đại lý của nhà mạng để làm thủ tục mở lại thuê bao, sau thời điểm này sẽ bị chấm dứt dịch vụ, thu hồi số điện thoại về kho nhà cung cấp.
"Gián đoạn liên lạc sẽ là thiệt hại đầu tiên phải kể đến. Tiếp đó là tốn thời gian, công sức đến các điểm dịch vụ để cập nhật thông tin, đặc biệt vào những ngày sát thời hạn chót hoặc khi đã bị khóa 1 chiều, bởi lúc này không loại trừ khả năng nhiều người sẽ cùng đến tận nơi để làm thủ tục, phải xếp hàng, chờ đợi", phía VinaPhone giải thích.
Trong khi đó, người dùng hoàn toàn có thể tự chủ động thực hiện kiểm tra, chuẩn hóa thông tin theo cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ trước thông qua ứng dụng hoặc website của nhà mạng.
Ngoài ra, việc chuẩn hóa thông tin thuê bao đồng nghĩa người dùng đang góp phần tự bảo vệ chính mình khỏi tình trạng sử dụng SIM rác để lừa đảo, quấy rối, thậm chí là tranh chấp, "cướp" số.
Bình luận (0)