Nghiên cứu sinh ĐH Texas - Austin (Mỹ): Những sai lầm khi học sinh chọn ngành học

14/04/2024 06:54 GMT+7

Đọc những thông tin về chọn ngành của học sinh lớp 12 hiện nay, anh Nguyễn Bá Khải (27 tuổi), nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành thống kê và khoa học dữ liệu tại ĐH Texas - Austin (Mỹ), đã nhớ lại những năm còn học THPT và "thấy mình trong đó".

NHỮNG TIÊU CHÍ ƯU TIÊN

Anh Khải cho biết khi còn là học sinh THPT, anh chưa hiểu rõ về các ngành nghề. "Lúc đó, mình chỉ nỗ lực học tập thật tốt nhằm có thể chinh phục được những điểm số cao nhất khi thi để đạt mục đích đậu ĐH", anh nhớ lại.

"Vào thời điểm đăng ký nguyện vọng vào trường ĐH thì mình có liên hệ các anh chị khóa trên. Qua đó, bày tỏ mong muốn được chia sẻ về trải nghiệm của họ ở việc học cũng như trong công việc để tìm hiểu nhằm đưa ra quyết định. Mình nghĩ rằng đó cũng là cách hiệu quả để có thêm sự hiểu biết, làm cơ sở lựa chọn về ngành và trường học", anh Khải nói.

Chúng tôi hỏi anh Khải: "Khi chọn ngành hay trường, nên dựa vào những yếu tố nào?", cựu sinh viên xuất sắc của ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng tiêu chí đầu tiên là dựa trên năng lực. Học sinh nên tìm hiểu bản thân mình có điểm mạnh ở khối ngành nào, phù hợp với công việc gì… để đưa ra lựa chọn phù hợp. Đây là một việc khá khó, cần phải có sự tìm hiểu rất kỹ lưỡng trong quá trình học.

Nghiên cứu sinh ĐH Texas - Austin (Mỹ): Những sai lầm khi học sinh chọn ngành học- Ảnh 1.

Theo anh Nguyễn Bá Khải, khi chọn ngành, học sinh nên tìm hiểu bản thân mình có điểm mạnh ở khối ngành nào, phù hợp với công việc gì… để đưa ra lựa chọn phù hợp

MINH NHẬT

Tiêu chí thứ hai, theo anh Khải là sở thích. Anh nói rằng nếu đã thích thì có nhiều khả năng sẽ hoàn thành công việc một cách xuất sắc.

Tiêu chí thứ ba chính là xu hướng ngành nghề. Có thể đọc thông tin trên các báo chính thống, dựa vào những dự báo nghề nghiệp của các đơn vị uy tín… để biết được một số ngành sẽ có cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.

"Còn các tiêu chí khác như: sự định hướng gia đình, trường học nổi tiếng… chỉ là các yếu tố phụ để tham khảo thêm", anh nói.

Nhiều học sinh THPT thắc mắc rằng có nên chọn ngành hay trường học theo "tâm lý đám đông" hay không, anh Khải cho biết: "Nên hay không nên còn tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Việc lựa chọn theo tâm lý đám đông sẽ có mặt lợi về cảm xúc cho người học. Vì khi đó họ luôn cảm nhận thấy ngành học của mình có liên hệ trực tiếp tới xã hội, xu hướng đang "hot"… Tuy nhiên, vì theo số đông nên sự cạnh tranh cũng sẽ lớn hơn. Và có thể vô tình chọn ngành không đúng với năng lực, sở thích".

CẦN TRÁNH NHỮNG SAI LẦM NÀY…

Quan sát chuyện chọn ngành, trường của nhiều người trẻ, anh Khải cho rằng đã nhận ra có những sai lầm, mà bản thân từng là "người trong cuộc".

"Sai lầm lớn nhất mà mình thấy là các bạn chọn vào các ngành và trường có điểm số cao. Việc này sẽ gây áp lực về thành tích. Vì phải dành quá nhiều thời gian, dồn toàn lực để ôn luyện sẽ khiến không có thời gian tìm hiểu các ngành nghề phù hợp. Bản thân mình cũng từng mắc phải sai lầm như vậy. Để khắc phục sai lầm này, mình cho rằng cần phải cân bằng các tiêu chí ưu tiên. Tuyệt đối không nên chọn ngành và trường theo yếu tố điểm số", anh Khải chia sẻ và nói thêm: "Các trường cũng nên có các cách thức tuyển sinh đa dạng để đánh giá được đúng năng lực phù hợp của học sinh thay vì dựa trên điểm số chung của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thời gian gần đây, rất đáng mừng khi ở nhiều trường đã có những tín hiệu thay đổi với không ít cách thức tuyển sinh đa dạng, phong phú".

Nghiên cứu sinh ĐH Texas - Austin (Mỹ): Những sai lầm khi học sinh chọn ngành học- Ảnh 2.

Anh Khải đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành thống kê và khoa học dữ liệu tại ĐH Texas - Austin, Mỹ

MINH NHẬT

Trước thực tế có không ít phụ huynh "ép" con học theo ý muốn của họ, anh Khải chia sẻ chuyện này là không nên. Theo anh, phụ huynh chỉ nên tham gia như người đồng hành, định hướng, giúp con hiểu bản thân phù hợp với công việc nào; cũng như kết nối với những người quen mà phụ huynh biết để con hiểu về công việc của họ.

"Việc ép con cái học theo ý muốn của bố mẹ là hoàn toàn không có ích. Thứ nhất khiến con cảm thấy không có quyền quyết định trong cuộc sống, gây ảnh hưởng tới cảm xúc và mối quan hệ với con. Thứ hai rất có thể ép con vào ngành không phù hợp với năng lực và sở thích của con", anh nhìn nhận.

ĐỂ CÓ KỲ THI MỸ MÃN…

Theo anh Khải, cuộc sống ngày càng thay đổi, những chương trình tư vấn về ngành, trường cũng được quan tâm nhiều hơn. Chính vì thế, học sinh có nhiều cơ hội để chuẩn bị tốt cho việc chọn ngành, trường.

"Nếu ai đó hỏi nên chọn ngành từ năm lớp mấy sẽ đủ thời gian để có sự chuẩn bị tốt nhất cho bản thân, thì mình nghĩ rằng càng sớm càng tốt. Hiện nay, có rất nhiều công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ đã có các chương trình thực tập cho học sinh THCS, THPT. Từ những chương trình này giúp học sinh có thể trải nghiệm được công việc trong ngành công nghệ. Thiết nghĩ, nếu mọi ngành nghề đều có những chương trình như thế thì sẽ rất tốt cho học sinh, giúp các bạn đỡ lăn tăn, đau đầu khi lựa chọn ngành, trường phù hợp", anh Khải chia sẻ.

Để có thể tự tin trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, anh Khải chia sẻ kinh nghiệm: "Hãy cố gắng chuẩn bị thật tốt. Không nên đặt kỳ vọng quá cao. Vì kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy điểm xét tuyển ĐH, dù thật sự quan trọng nhưng cũng chỉ là một dấu mốc nhỏ trong cả cuộc đời. Quan trọng nhất là cố gắng tìm hiểu rõ bản thân, biết mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai; từ đó nỗ lực biến ước muốn thành hiện thực".

"Yếu tố cốt lõi nhất giúp vượt qua kỳ thi suôn sẻ, mỹ mãn chính là kiến thức. Để phát huy được kiến thức trong kỳ thi thì các bạn phải có sự tự tin và tâm lý vững vàng, tinh thần thoải mái cũng như có sức khỏe tốt. Trước những ngày thi căng thẳng, nên tham gia các hoạt động tập thể vui chơi với lớp và gia đình, vì đó sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ của thời học sinh cũng như giúp tăng sự thoải mái…", anh Khải nói thêm.

Anh Nguyễn Bá Khải là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội. Sau đó anh tốt nghiệp loại xuất sắc ĐH Bách khoa Hà Nội. Hiện anh là nghiên cứu sinh tiến sĩ năm 3, ngành thống kê và khoa học dữ liệu tại ĐH Texas - Austin, Mỹ. Trong quá trình học tiến sĩ, anh đã công bố 25 bài báo khoa học tại các hội nghị trí tuệ nhân tạo lớn nhất thế giới; trong đó có 2 bài được chọn làm tiêu điểm của các hội nghị. Ngoài ra, anh cũng tham gia các chương trình thực tập sinh tại các công ty công nghệ như: VinAI, AT&T, Toyota, và sắp tới là Amazon…

Nghiên cứu sinh ĐH Texas - Austin (Mỹ): Những sai lầm khi học sinh chọn ngành học- Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.