Những sai lầm khiến ho gà trở nên nguy hiểm

19/03/2019 07:05 GMT+7

Do chủ quan, ho gà có thể trở nên nguy hiểm hơn. Cần ý thức rằng, người lớn cũng có thể mắc ho gà, dù rất ít gặp.

Chủ quan với ca bệnh người lớn

Trung tâm hô hấp Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân (BN) Ong Văn T. (43 tuổi, ở Hà Nội) được BV khác chuyến đến với chẩn đoán theo dõi hen phế quản.
BN cho biết, trước khi đi viện khoảng 1 tuần có biểu hiện: đau họng, không sốt, đi khám tại một BV được chẩn đoán viêm amidan mủ và được bác sĩ (BS) kê đơn thuốc.
Tuy nhiên, sau dùng thuốc 2 - 3 ngày, BN thấy xuất hiện những cơn ho, khó thở nên đi tái khám và có chỉ định nhập viện.
Người thân của BN cho biết, sau nhập viện, BN xuất hiện nhiều cơn ho dài kèm khó thở. Trong cơn ho có tiếng thở rít; bệnh nhân khạc đờm trắng, dính. Đáng lo ngại là mỗi cơn kéo dài 5 - 10 phút. Dù được điều trị nhưng tình trạng ngày càng nặng hơn với cơn ho xuất hiện nhiều hơn, lên đến 8 cơn/ngày, gây khó thở nặng, tím tái.
Qua nội soi, BN được chẩn đoán liệt cơ mở thanh quản nên được chuyển đến BV chuyên khoa về tai mũi họng rồi tiếp tục được chuyển sang BV Bạch Mai do không phát hiện bệnh lý của chuyên khoa này.
Theo PGS-TS Nguyễn Hải Anh, công tác tại Trung tâm hô hấp BV Bạch Mai, người trực tiếp thăm khám điều trị cho BN: “35 năm khám và điều trị bệnh về hô hấp, đây là lần đầu tiên gặp bệnh cảnh đặc biệt như BN Ong Văn T.: BN không sốt trong suốt quá trình bị bệnh. Khi khám phổi không thấy ran rít như các ca bệnh hen phế quản, hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính”. Do đó, BN đã được BS chỉ định làm một số xét nghiệm chuyên sâu, tìm nguyên nhân bệnh.
Kết quả xét nghiệm đã định danh được BN T. có vi khuẩn ho gà, qua đó giúp các BS đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. BN đáp ứng tốt, tỉnh táo, giảm triệu chứng ho và khó thở, đã ra viện sau 2 tuần điều trị.
PGS-TS Nguyễn Hải Anh khuyến cáo: Dù bệnh ho gà về cơ bản đã được kiểm soát và thường chỉ xảy ra ở trẻ em nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, không nghĩ đến ho gà trên người lớn. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân mới giúp cho điều trị hiệu quả. Người dân cũng như các thầy thuốc cần ý thức được rằng, người lớn cũng có thể mắc ho gà, dù rất ít gặp.

Bố mẹ lơ là cho trẻ tiêm chủng

Ho gà lây truyền rất dễ dàng, nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học. Tỷ lệ mắc bệnh trong số những người tiếp xúc trực tiếp với BN trong cùng gia đình có thể lên đến 100%.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất (tỷ lệ được bảo vệ lên tới 90%). Vắc xin “5 trong 1” có thành phần ho gà trong tiêm chủng mở rộng chỉ định tiêm cho các trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 35 trường hợp mắc ho gà ở trẻ nhỏ. Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít, rất dễ lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi.
Thực tế giám sát từ BV cho thấy, nếu kèm theo một trong các yếu tố sau, trẻ mắc ho gà đối diện với tiên lượng nặng thậm chí nguy kịch: trẻ dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng; ăn uống kém, nôn nhiều; cơn ngừng thở kéo dài; co giật; viêm phổi.
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một số bệnh nguy hiểm cho trẻ nhỏ như sởi, ho gà gia tăng có nguyên nhân do tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ chưa đạt (từ 95%), khoảng trống tiêm chủng là cơ hội để tác nhân gây bệnh tấn công trẻ nhỏ.
Các gia đình cần cho con tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Lơ là hoặc không cho trẻ tiêm chủng là sai lầm của cha mẹ khiến trẻ dễ dàng bị tấn công bởi các bệnh dịch nguy hiểm như ho gà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.